Cuộc tìm kiếm đất hiếm ở vùng biển cực sâu của Nhật Bản

HỒNG NHUNG

VHO - Trong khi các mỏ khoáng sản phong phú liên tục là nguồn cung cấp tiềm năng trong nhiều thế kỷ thì dự án khai thác đại dương sâu của Nhật Bản sẽ là khởi đầu cho một cuộc chạy đua tìm kiếm khoáng sản đất hiếm trong tương lai.

Cuộc tìm kiếm đất hiếm ở vùng biển cực sâu của Nhật Bản - ảnh 1
Một nhà nghiên cứu ghi lại phạm vi bao phủ của rạn san hô gần một hòn đảo Nhật Bản vào năm 2017. Ảnh: Pete West/Bioquest Studios/Tara Expeditions Foundation/AFP

Cuộc tìm kiếm khoáng sản đất hiếm dưới đại dương của Nhật Bản chưa từng có trong cuộc khai thác thử nghiệm trước đây.

Nhật Bản dự kiến sẽ khai thác khoáng sản đất hiếm từ một mỏ ngoài khơi trong dự án thí điểm đầu tiên bắt đầu vào tháng 1.2026.

Đây là một nỗ lực của nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. 

Theo tờ Nikkei, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hải dương-Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC) đã có kế hoạch triển khai một tàu khoan biển sâu đến Minami - Torishima, đảo san hô cách Tokyo khoảng 1.950 km về phía đông nam.

Trong hoạt động kéo dài ba tuần, thiết bị sẽ được hạ xuống từ tàu khoan Chikyu xuống độ sâu khoảng 5.500 mét (18.000 feet) để khai thác khoảng 35 tấn bùn đáy biển. 

Mặc dù trước đây đã thu thập các mẫu nhỏ ở độ sâu tương tự, nhưng quy mô của dự án này là chưa từng có, đánh dấu một bước tiến khai thác mới nhằm sử dụng khoáng sản dưới đại dương.

Vật liệu thu hồi được sau đó sẽ được vận chuyển trở lại Nhật Bản, nơi người ta hy vọng rằng mỗi tấn bùn sẽ mang lại trung bình 2kg (4,4 pound) đất hiếm.

Nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản đã xác định mỏ khoáng sản đáng kể ở những vùng biển khác trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.

Một nghiên cứu năm 2018 ngoài khơi quần đảo Ogasawara, cách Tokyo khoảng 1000km (620 dặm) về phía nam, cho thấy một khu vực rộng 400km2 (154 dặm vuông) có thể chứa tới 16 triệu tấn đất hiếm.

Các nhà khoa học ước tính riêng các mỏ kim loại yttri tại địa điểm này - một nguyên tố được sử dụng trong sản xuất màn hình, siêu dẫn và laser - có thể đáp ứng nhu cầu trong 780 năm.

Các trữ lượng lớn europium, terbi và dysprosi - được sử dụng cho nam châm hiệu suất cao cũng như các ứng dụng quốc phòng và hạt nhân - cũng đã được phát hiện.

Nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khoáng sản nhập khẩu của Nhật Bản được thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh kinh tế.

Mối quan hệ thương mại căng thẳng với Mỹ đã thúc đẩy Tokyo tăng gấp đôi nỗ lực để tự tìm nguồn tài nguyên, trong khi sự cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc về khả năng tiếp cận đất hiếm đã làm tăng thêm tính cấp thiết.

Mặc dù vậy, các kế hoạch của Tokyo đang gây ra mối quan ngại sâu sắc từ các nhóm môi trường, cũng như nhiều quốc đảo Thái Bình Dương mà sự sống còn phụ thuộc vào sức khỏe của đại dương.

JAMSTEC từng khai thác thành công đất hiếm ngoài khơi tỉnh Ibaraki trong một hoạt động diễn ra từ tháng 8 đến tháng 9.2022. Hoạt động khai thác sắp tới sẽ cố gắng thu thập bùn ở độ sâu lớn gấp đôi. 

Khu vực quanh đảo Minami - Torishima ước tính chứa khoảng 16 triệu tấn đất hiếm, trữ lượng lớn thứ ba trên thế giới.

Đảo Minami - Torishima đặc biệt dồi dào dysprosium, sử dụng trong nam châm động cơ xe điện, cũng như gadolinium, có trong thanh điều khiển hạt nhân.