Châu Á trải qua tháng 5 nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu
VHO- Các nhà khoa học nhấn mạnh nắng nóng cực đoan tại châu Á sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu không ngừng và con người cần phải làm quen và ứng phó với tình trạng này.
Các em nhỏ hứng nước sinh hoạt dưới trời nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 22.5.2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước châu Á đang là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều nước khu vực này liên tục phải hứng chịu đợt nắng nóng với nhiệt độ tăng cao kỷ lục vào cuối tháng 5, thời điểm thời tiết thường mát mẻ hơn khi bắt đầu mùa mưa.
Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á và nhiều nước khu vực châu Á đã ghi nhận đợt nắng nóng cực đoan và theo cảnh báo của giới chuyên gia, tình trạng thời tiết khắc nghiệt này sẽ còn tái diễn.
Bà Sarah Perkins-Kirkpatrick, nhà khoa học về khí hậu công tác tại trường Đại học New South Wales ở Australia nhấn mạnh đến thực tế nắng nóng cực đoan sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu không ngừng và không thể nói rằng con người cần phải làm quen, và ứng phó hay giảm thiểu trạng thái tự nhiên này.
Tại Trung Quốc, Thượng Hải hứng chịu một tháng 5 nóng nhất trong hơn trăm năm qua với nhiệt độ cao kỷ lục 40,2 độ C. Đợt nắng nóng này dự kiến sẽ còn kéo dài tại khu vực miền Nam trong vài ngày tới.
Ấn Độ, Pakistan và khu vực Đông Nam Á hồi tháng 4 cũng đã trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng, gây hư hại nặng nề về cơ sở vật chất và làm gia tăng số ca đột quỵ do nắng nóng.
Bangladesh cũng trải qua đợt nóng nhất trong 50 năm qua, trong khi Thái Lan ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 45 độ C. Kỷ lục về nhiệt độ tiếp tục được ghi nhận trong tháng 5 khi đây là tháng nóng nhất của Singapore trong 40 năm qua.
Thành viên của nhóm nghiên cứu, Chaya Vaddhanaphuti - nhà khoa học thuộc Đại học Chiang Mai (Thái Lan) nhận định đợt nắng nóng hồi tháng 4 có nguyên nhân biến đổi khí hậu cao gấp 30 lần, và đợt nắng nóng hiện nay dường như cũng chịu tác động của cùng yếu tố.
Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 29.5.2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ấn Độ và nhiều quốc gia đã triển khai một số biện pháp để giải quyết những nguy cơ đối với sức khỏe của người dân do nhiệt độ tăng cao, như mở "phòng mát" công cộng và đưa ra quy định hạn chế đối với công việc ngoài trời.
Nhưng nhà khoa học Vaddhanaphuti cho rằng chính phủ các nước cần lập kế hoạch tốt hơn, đặc biệt là để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương hơn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bristol từng cảnh báo các khu vực ít hứng chịu đợt nắng nóng có thể gặp nguy cơ cao nhất, như miền Đông nước Nga cũng như thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và khu vực lân cận.
Trong một nghiên cứu khác công bố tuần trước, các nhà khoa học cảnh báo có tới 2 tỷ người sẽ phải hứng chịu nắng nóng cực đoan nếu đà tăng nhiệt độ Trái Đất duy trì như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này, trong đó, Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
TTXVN