Xiếc thú thay "diễn viên"
VHO- Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa chuyển giao bốn cá thể gấu cuối cùng cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (Tổ chức Động vật châu Á) chăm sóc. Động thái này cho thấy sự chủ động phối hợp của Liên đoàn trước xu thế chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc trên thế giới.
Hình ảnh xiếc gấu sẽ vắng bóng trên sân khấu tròn của Rạp xiếc Trung ương Ảnh: T.L
Song điều đó cũng có nghĩa, từ nay khán giả Việt Nam sẽ không còn được thưởng thức những “nghệ sĩ” đặc biệt này biểu diễn trên sân khấu tròn… Khó có thể nói hết tâm trạng của lãnh đạo cũng như diễn viên xiếc thú khi phải chia tay với những người bạn diễn đã gắn bó, thân thiết bao lâu nay.
Những chú gấu sẽ về sống giữa thiên nhiên
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, cả bốn cá thể gấu khi được giao cho Trung tâm Cứu hộ Gấu đều trong tình trạng khoẻ mạnh. Sự chuyển giao này là kết quả của quá trình điều chỉnh, thay thế xiếc động vật hoang dã sang huấn luyện và biểu diễn xiếc động vật nuôi trong nhà và nông nghiệp. Bốn cá thể gấu ở độ tuổi 6-7 tuổi đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam nuôi và huấn luyện từ nhỏ, giờ sẽ về sống tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc với đầy đủ điều kiện về thiên nhiên cũng như môi trường sống phù hợp.
Đến gặp nghệ sĩ Nguyễn Đình Trường, người trực tiếp nuôi dạy và huấn luyện các chú gấu này tại Rạp xiếc Trung ương, thấy anh đang tẩn mẩn lau chùi và cất gọn ghẽ những đạo cụ một thủa gắn cùng những chú gấu đáng yêu. Ở đơn vị, mọi người đặt cho Trường một biệt danh vui là “Trường gấu”, anh lấy đó làm tự hào bởi mình đã có tới 25 năm chuyên tâm huấn luyện và biểu diễn các tiết mục xiếc gấu. Ngày 4 chú gấu cuối cùng rời khỏi rạp xiếc, Trường chỉ dám đứng từ xa dõi theo chiếc xe chở những “người bạn thân thiết” cứ khuất dần. Anh bùi ngùi: “Đây là việc vô cùng khó khăn với bản thân tôi bởi giữa tôi và chúng đều có tình cảm khăng khít với nhau. Lãnh đạo và anh chị em trong đơn vị cũng động viên tôi rất nhiều. Tôi đã huấn luyện 3 đời gấu, mỗi đời gấu được nuôi dưỡng, chăm sóc và tập luyện tầm từ 9 - 10 năm. Gấu là loài động vật hoang dã, vì vậy việc huấn luyện rất vất vả và mất rất nhiều thời gian để thuần hoá, nhưng chúng thực sự rất thông minh. Những hình ảnh về xiếc gấu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của khán giả yêu xiếc với những động tác như đánh bóng rổ, đánh bốc và đặc biệt là gấu biểu diễn trên xe máy, xe đạp rất giỏi”.
Các tiết mục xiếc từ vật nuôi đang dần thay thế cho xiếc thú hoang dã Ảnh: N.H
Phù hợp với xu thế chung của xiếc thế giới
Với nghệ sĩ Đình Trường hay Ban giám đốc và các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, lần chia tay này đã để lại nhiều nỗi niềm trăn trở. Bởi lẽ chỉ trong vài năm, Liên đoàn đã không còn động vật hoang dã như voi, gấu, hổ… ở Rạp xiếc nữa. NSND Tạ Duy Ánh cho biết: “Hình ảnh xiếc truyền thống luôn có những tiết mục xiếc thú hoang dã được huấn luyện biểu diễn thành thục, đã tạo dấu ấn trên bản đồ xiếc thế giới từ thời cố NSND Tạ Duy Hiển là người khởi xướng. Hơn 2 năm kể từ ngày Liên minh châu Á vì động vật (AFA) kêu gọi cấm sử dụng động vật hoang dã để biểu diễn xiếc thú ở Việt Nam, giờ đây, khán giả đã dần làm quen với những người bạn mới là những con thú nuôi quen thuộc trong gia đình. Sự thay đổi này là phù hợp với xu thế chung của thế giới, mang đến cho khán giả những buổi biểu diễn thực sự thú vị và nhân văn. Thời gian tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục chuyển đổi hoặc thay thế các con vật thật bằng các bộ quần áo giả thú do các nghệ sĩ biểu diễn”.
Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ thêm: “Xiếc thú hoang dã thường là các tiết mục “đinh” và đặc biệt hấp dẫn mọi đối tượng khán giả. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao không còn xiếc gấu, hổ hay voi nữa, phải chăng xiếc thú của Việt Nam đang bị tụt dốc? Chúng tôi mong khán giả chia sẻ và chấp nhận rằng từ nay những tiết mục xiếc thú chủ đạo sẽ chỉ là những con vật nuôi như chó, mèo, vẹt… và thậm chí là những gia súc như lợn, dê cũng sẽ vào cuộc”.
Có nhiều nỗi niềm khi những nghệ sĩ chuyên nuôi dạy, huấn luyện thú hoang dã giờ đã kề cận tuổi nghỉ hưu sẽ phải chuyển đổi để xây dựng những tiết mục xiếc thú mới đáp ứng nhu cầu khán giả. Và trên hết là làm sao để những vật nuôi trong gia đình cũng tạo được những ấn tượng đặc biệt như xiếc voi, xiếc thú đã từng một thời “làm mưa làm gió” trên sân khấu tròn. Tuy nhiên, những ai quan tâm và yêu nghệ thuật xiếc sẽ thấy sự chuyển biến rất lớn về các tiết mục xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thời gian gần đây. Khó có thể nghĩ rằng những “diễn viên chân quê” như dê, lợn lại có thể làm những động tác xiếc rất tuyệt vời, đầy tự tin giữa ánh đèn rực rỡ và tiếng nhạc rộn ràng. Để có được những tiết mục hấp dẫn đó, nghệ sĩ huấn luyện phải tốn rất nhiều thời gian, tâm sức để nuôi dạy và tập cho chúng những động tác thật sự là xiếc đúng nghĩa. Sự hào hứng và những tràng pháo tay kéo dài không ngớt từ khán giả đã minh chứng cho hiệu quả và nỗ lực không mệt mỏi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói riêng, ngành xiếc Việt Nam nói chung trong xu thế hội nhập với quốc tế.
THUÝ HIỀN