Vở kịch Tình mẹ: Món quà đặc biệt của nghệ sĩ sân khấu Thủ đô chào đón ngày 20.10
VHO- Hội Sân khấu Hà Nội vừa diễn ra mắt vở kịch nói Tình mẹ (Tác giả kịch bản : Nhật Linh, đạo diễn: NSND Trần Tuấn Hải), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi đã tới xem động viên các nghệ sĩ. Tình mẹ có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu không chỉ là diễn viên kịch nói mà còn có diễn viên chèo, múa rối, cải lương... Với đề tài tình mẫu tử thiêng liêng, Tình mẹ là một món quà đặc biệt mà nghệ sĩ sân khấu Thủ đô tặng khán giả vào đúng dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20.10.
Vở diễn tạo sức hút từ lối diễn dung dị của nghệ sĩ
Tình mẹ đề cập tới một hoàn cảnh vô cùng éo le của một gia đình nông thôn nghèo. Ông Mộc, một người bị tàn tật bởi tai nạn khi khai thác khoáng sản mà không được nhận sự bồi thường của chủ mỏ. Vì nghèo khó, mẹ con ông Mộc không có tiền cưới vợ nên đã chọn người đàn bà điên về để có người sinh con cho ông Mộc, nối dõi tông đường. Người đàn bà điên dại ấy sau khi sinh con bị gia đình chồng đuổi đi. Sau nhiều năm, bị nỗi ân hận, day dứt khi chia rẽ tình mẫu tử của người mẹ điên, gia đình ông Mộc đã đón người đàn bà này trở về. Sự chấp nhận người mẹ điên đối với chính người con cũng là cả một quá trình. Thế nhưng, khi người đàn bà điên ấy được mẹ chồng, chồng và con chấp nhận thì bà lại ra đi mãi mãi khi cố hái quả đào cho con nên bị rơi xuống vực... Cốt truyện kịch không có quá nhiều tình tiết, cũng không có quá nhiều diễn biến phức tạp, thế nhưng khán giả vẫn bị hút theo nội tâm và diễn biến của câu chuyện. Có thể thấy đạo diễn, NSND Trần Tuấn Hải đã rất thành công khi khai thác tâm lý nhân vật làm nổi bật tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng. Dẫu có điên, nhưng người mẹ điên vẫn là một người mẹ và tình thương con của người mẹ nào cũng vô cùng mãnh liệt.
Vở diễn quy tụ nghệ sĩ ở nhiều loại hình sân khấu khác nhau
Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ: “Hội Sân khấu Hà Nội làm “bà đỡ” cho vở kịch Tình mẹ với mong muốn tạo nên một sân chơi mới cho các nghệ sĩ sân khấu của Thủ đô. Chúng tôi đã nghĩ ra việc kết nối giữa nghệ sĩ sân khấu ở nhiều loại hình như kịch nói, cải lương, chèo, múa rối... cùng tham gia vở kịch này để tạo nên một sự gắn kết, hợp tác đặc biệt. Không có tiền cát sê biểu diễn, số tiền đầu tư dàn dựng hạn chế nhưng đạo diễn cùng ê kíp sáng tạo vở đã “vượt khó” để mang tới một tác phẩm nghệ thuật đạt giá trị về tư tưởng và cả nghệ thuật. Điều mà chúng tôi ghi nhận đó là bằng đam mê sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ đã phá bỏ đi những cách thức dàn dựng quen thuộc để thực sự tung hoành mọi khả năng sáng tạo trên sàn diễn. Họ đã chứng minh không phải kinh phí nhiều là đã có tác phẩm hay, tác phẩm hay chính là nhờ vào tài năng của người nghệ sĩ trước tiên”.
NSƯT Mai Phương, Trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Kịch nói Quân đội chia sẻ : “Tôi đến xem vở kịch Tình mẹ với tâm thế là tò mò muốn xem các đồng nghiệp của các loại hình sân khấu như múa rối, chèo, cải lương... diễn kịch nói. Phải thừa nhận, các nghệ sĩ đã có nhiều tìm tòi trong cách thể hiện, diễn xuất... Đây là một sự nỗ lực đáng trân trọng. Và điều đáng nói hơn cả là họ đã có những cảnh diễn lấy được nước mắt của khán giả và ngay cả những đồng nghiệp sân khấu”.
Vai diễn bà mẹ điên do NSƯT Thanh Hiền vốn là nghệ sĩ chèo thể hiện đã mang tới nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Bên cạnh đó là diễn xuất "ăn khớp" tới mức nhuần nhị của các nghệ sĩ trong ê kíp: Hồ Liên (Nhà hát Kịch Việt Nam) vai bà mẹ, NSƯT Hoàng Tùng (Phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn) vai người chồng, Quang Minh (Nhà hát Kịch Hà Nội) vai người con...
Rất cần nhiều sân chơi cho nghệ sĩ sân khấu Thủ đô
Được biết, vở kịch sẽ được Hội Sân khấu Hà Nội và cá nhân các nghệ sĩ tham gia sẽ diễn chào hàng cho một số các doanh nghiệp và các nhà tài trợ với mong muốn sẽ được giới thiệu quảng bá rộng rãi cho khán giả. Sự nỗ lực trong sáng tạo và tìm khai thác biểu diễn là một tín hiệu đáng mừng đối với lực lượng những người làm nghệ thuật sân khấu xã hội hóa của Thủ đô. Trước mắt, Tình mẹ đã được Ban tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021 lựa chọn để tham gia cùng các đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch cả nước. Đây là tín hiệu vui đối với những nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa tại Thủ đô Hà Nội.
"Trong tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nghệ sĩ sân khấu Thủ đô vẫn nỗ lực để xây dựng một công trình nghệ thuật mang tính xã hội hóa là điều đáng trân trọng. Xã hội hôm nay rất cần có những vở kịch nói mang đậm chất nhân văn và hướng thiện con người như Tình mẹ. Mỗi người chúng ta không ai có thể lựa chọn cho mình nơi sinh ra, tức là mỗi người không có quyền quyết định bố mẹ là ai, gia đình mình sống thế nào, giàu có hay nghèo khó... Sự thay đổi tâm lý và chuyển biển trong suy nghĩ của từng nhân vật như người mẹ chồng, người chồng và cho tới người con khi chấp nhận dần dần vị trí của người con dâu, người vợ, người mẹ bệnh tật điên đại như nhân vật trong kịch là điều đáng để khán giả phải suy ngẫm" (THỨ TRƯỞNG BỘ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG) |
Thúy Hiền; ảnh: Quang Anh