Vẫn là câu hỏi, “giải pháp nào kéo khán giả trở lại với sân khấu?”

VHO- “Từ lâu rồi vẫn có tình trạng là trong một liên hoan, có đạo diễn làm đến 9, 10 vở. Thú thực chúng tôi vẫn chưa có cách nào để khắc phục điều này…”.

Vẫn là câu hỏi, “giải pháp nào kéo khán giả trở lại với sân khấu?” - Anh 1

 Vở kịch "Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ được trao Giải B vở diễn sân khấu xuất sắc năm 2020 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

Chia sẻ khá thẳng thắn với Văn Hóa, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN nhận định như vậy khi nói về hướng đầu tư cho đội ngũ sân khấu trong giai đoạn này.

 Hơn một năm qua những người làm nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu đã thực sự gặp vô vàn khó khăn. Với vai trò là người đứng đầu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, bà có đánh giá gì về tình hình sân khấu hiện nay?

- Trong năm qua và cho tới thời điểm hiện tại, sân khấu đang gặp quá nhiều khó khăn, và có thể coi đây là điểm chạm đáy bởi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đều bị đình đốn, kế hoạch biểu diễn bị hoãn lại bởi đại dịch. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới những hoạt động của Hội cũng như của sân khấu nói chung. Mặc dù vậy, với sự đồng lòng của BCH Hội và của gần 3.000 hội viên, chúng tôi cũng đã triển khai được các công tác một cách tích cực. Bên cạnh công tác chuyên môn, chúng tôi cũng chú ý tới quyền lợi của anh em, cố gắng để có được sự đánh giá, tôn vinh các nghệ sĩ như việc xét duyệt Giải thưởng và không quên chăm lo cho đời sống cho các nghệ sĩ lớn tuổi, các cây đa cây đề của sân khấu...

Nói gì thì sân khấu muốn tồn tại phải có những tác phẩm có đời sống bằng những đêm diễn, giờ để kéo khán giả đến rạp xem miễn phí cũng là khó khăn. Bà có nghĩ rằng cần có một giải pháp nào đưa khán giả trở lại với nhà hát?

- Trong chủ trương và kế hoạch phát triển nghệ thuật, Hội đã có một Đề án xây dựng phát triển khán giả cho sân khấu. Đây là một dự án lớn không thể thực hiện được một sớm một chiều mà phải đi từng bước. Để triển khai cũng vẫn phải phụ thuộc vào những điều kiện chủ quan như đại dịch Covid có được khống chế tốt hay không. Chúng ta sẽ tiến tới xây dựng làm sao cho khán giả hiểu hơn, yêu hơn và đến với sân khấu nhiều hơn. Đây là những công việc mà không phải chỉ có BCH Hội cố gắng nỗ lực để thực hiện mà đây còn là trách nhiệm của tất cả những người làm sân khấu đều phải cùng vào cuộc để cho sân khấu tác động tới xã hội ngày một tốt hơn.

Vấn đề mấu chốt muốn kéo khán giả trở lại nhà hát vẫn phải cần có những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Và hiện nay có rất nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đang thực sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đó là những tài năng. Đầu tháng 4 tới, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc toạ đàm với chủ đề: Giải pháp nào đưa khán giả đến với sân khấu? Bài toán kéo khán giả đến rạp luôn làm cho các nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn đau đầu. Sẽ có lãnh đạo của Hội, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát tham gia cùng đối thoại để tìm ra những giải pháp căn cơ nhất, tìm được con đường ngắn nhất đến với trái tim người xem.

Vẫn là câu hỏi, “giải pháp nào kéo khán giả trở lại với sân khấu?” - Anh 2

 Một cảnh trong vở "Như thế là tội ác" của Nhà hát Kịch Việt Nam

 Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, bàn bạc cũng quá nhiều rồi, liệu Đề án có thể tạo được sự thúc đẩy lớn nào?

- Có những loại hình nghệ thuật sân khấu phải hiểu thì mới có thể yêu được. Cần có sự hiểu biết nhất định thì khán giả và lớp người trẻ mới quan tâm và đam mê. Bước đầu, chúng tôi hướng tới khán giả nhỏ tuổi, những khán giả sẽ là chủ chốt trong tương lai. Khán giả nhỏ tuổi vốn lâu nay chúng ta có phần xao nhãng vì làm cho các em không dễ, đầu tư lớn mà diễn không được nhiều. Nhưng không thể vì khó mà không làm. Biết là cần thiết, biết là thiếu vắng, biết là tầm nhìn cần hướng tới trẻ em… nhưng những cái biết ấy cũng kèm theo vô vàn khó khăn cho những người làm nghề, nên các đơn vị nghệ thuật đều chẳng mấy mặn mà là điều không lạ.

Vì thế, chúng tôi khởi đầu Đề án này từ khán giả nhỏ tuổi để sân khấu tương lai có khán giả. Đây cũng là cách giải quyết tận gốc những vấn đề của sân khấu hiện tại thưa vắng người xem..

 Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, trong thời gian qua việc đầu tư cho đội ngũ sáng tạo sân khấu còn có phần dàn trải, không có trọng điểm, dẫn tới thiếu vắng những tác phẩm xuất sắc?

- Việc quan tâm đầu tư cho đội ngũ sáng tạo đòi hỏi phải có sự bền bỉ, kiên trì và cũng khó có thể cân đong đo đếm hiệu quả từ các tác phẩm. Hội vẫn luôn chú trọng đầu tư, đặc biệt cho đội ngũ tác giả, những người đặt nền móng đầu tiên cho một tác phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Hội cũng sẽ triển khai thêm một mảng nữa đó là chú trọng nâng cao chất lượng của lực lượng đạo diễn. Từ lâu rồi vẫn có tình trạng là trong một liên hoan, có đạo diễn làm đến 9, 10 vở. Thú thực chúng tôi vẫn chưa có cách nào để khắc phục điều này bởi nếu muốn khắc phục triệt để, chúng ta phải quay trở lại từ khâu đào tạo con người, đào tạo nhân lực… Đây là một vấn đề vô cùng lớn mà hiện tại chưa thể làm được.

Chúng tôi dự tính sẽ tổ chức tập huấn để các đạo diễn trẻ tiếp cận với những đạo diễn của thế giới cũng như những đạo diễn tài năng của sân khấu Việt Nam. Qua đó, các bạn trẻ sẽ có thêm động lực và cũng có thêm bước đột phá về mặt tư duy để làm thế nào tiếp nối được và bù đắp được cái sự thiếu hụt của lực lượng này. Từng bước, chúng tôi sẽ chú ý một cách toàn diện hơn đối với đội ngũ sáng tạo sân khấu vì nhận thức rõ ràng, điều kiện vật chất là cần, nhưng chưa thể đủ để sân khấu có thể phát triển bền vững. 

 

 CAO NGỌC (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc