Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Thủ đô

VHO- Hội thảo “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Thủ đô” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Thông qua hội thảo, các nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao đạo đức của mình trong lối sống và trong sáng tạo nghệ thuật .

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Thủ đô - Anh 1

Vở "Những vần thơ thép" của Nhà hát Chèo VN là một vở diễn xây dựng thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàng chục tham luận của các nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ sĩ sân khấu của Thủ đô Hà Nội với nhiều góc nhìn đánh giá về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã có tác động lớn đến nhân sinh quan sáng tác của người nghệ sĩ trên sân khấu nói chung, sân khấu Thủ đô nói riêng.  Theo, NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội,  đã có hàng chục vở diễn về Bác Hồ, với chủ đề và nội dung tư tưởng rõ ràng; cốt truyện kịch khúc chiết, mạch lạc; ngôn ngữ nghệ thuật có nhiều tìm tòi sáng tạo được dựng và công diễn để lại ấn tượng đẹp lòng người xem. Như vở Người công dân số một do Nhà hát Cải lương Trung ương dàn dựng theo kịch bản của hai tác giả Hà Văn Cầu và Vũ Đình Phòng, nghệ sĩ Dương Ngọc Đức đạo diễn. Vở diễn đã đoạt giải cao tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm đó và gây tiếng vang lớn trong dư luận. Thành công của vở diễn là sự động viên, khích lệ giới sân khấu mạnh dạn và tự tin hơn trong sáng tạo hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều vở diễn khá ấn tượng về đề tài Bác Hồ, thuộc nhiều loại hình sân khấu, do các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương dàn dựng, như Đêm trắng của tác giả Lưu Quang Hà được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng; Không còn con đường nào khác của Nhà hát tuồng Trung ương (tác giả Văn Sử, đạo diễn Đoàn Anh Thắng); Sáng mãi niềm tin - Nhà hát tuồng Đào Tấn (kịch bản của Lê Duy Hạnh); Đêm trăng huyền thoại - Đoàn chèo Thái Nguyên; Bài ca Điện Biên - Nhà hát kịch Việt Nam (kịch bản Tất Đạt, đạo diễn Doãn Hoàng Giang); Lịch sử và nhân chứng - Đoàn kịch Hải Phòng (tác giả Hoài Giao, đạo diễn Vũ Minh)...

NSND Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho biết: "Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một quá trình nhận thức, khám phá và sáng tạo lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ mang tính trách nhiệm đặt ra trước giới nghệ sĩ sân khấu, đòi hỏi đội ngũ nghệ sĩ cần tiếp tục vươn lên hơn nữa về nhiều mặt từ ý thức công dân, từ tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ như lời dạy của Bác đến phát huy tài năng và chuyên môn nghề nghiệp để không thỏa mãn với những tác phẩm đã có mà còn tiếp tục phấn đấu tìm tòi sáng tạo không ngừng hướng tới những sáng tác mới mang chất lượng mới về hình tượng Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi chính đáng của công chúng"

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với nghệ sĩ sân khấu Thủ đô - Anh 2

Vở Những vần thơ thép của Nhà hát Chèo Việt Nam xây dựng thành công hình tượng Bác Hồ

Đặc biệt gần đây, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều vở diễn về Bác Hồ trong đó có  các kịch bản mới sáng tác được dư luận đánh giá tốt.

 

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc