Tối 6.6, đồng loạt ra quân trên hai sân khấu lớn
VHO- Sau những màn chào sân đầy ấn tượng với Bệnh sĩ, Điều còn lại, Cướp biển 2020..., khán giả sẽ tiếp tục được thưởng thức hai chương trình nghệ thuật đặc biệt là Nữ tướng Đào Tam Xuân của Nhà hát Tuồng Việt Nam và Trống choai đi đâu thế của Nhà hát Tuổi Trẻ vào tối 6.6 trên hai sân khấu lớn ở Thủ đô.
Vở tuồng “Nữ tướng Đào Tam Xuân” của Nhà hát Tuồng VN (NSƯT Thu Quyên trong vai Nữ tướng Đào Tam Xuân)
Muốn hiểu về tuồng cổ phải xem tuồng “quân quốc”
Không phải ngẫu nhiên mà Nhà hát Tuồng VN lại chọn Nữ tướng Đào Tam Xuân để giới thiệu với khán giả trong chùm các chương trình nghệ thuật cao của Bộ. Nữ tướng Đào Tam Xuân khai thác đề tài “quân quốc”, tức chuyện vua quan liên quan đến vận mệnh đất nước, đề cao lý tưởng “trung quân ái quốc”. Đây là vở tuồng có tính ước lệ rất cao, trang phục và hóa trang của các nhân vật cũng mang đậm đặc trưng của tuồng cổ. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN cho biết, vở diễn này đã được các thế hệ nghệ sĩ duy trì gìn giữ và biểu diễn suốt quá trình 61 năm hoạt động của Nhà hát.
Nữ tướng Đào Tam Xuân thuộc kịch bản truyền thống do NSND Quang Tốn, NSND Bạch Trà khai thác, với sự chỉnh lý của Bửu Tiến, NSND Nguyễn Ngọc Phương dàn dựng. Vở tuồng nói về ba anh em kết nghĩa Triệu Khuông Dẫn, Cao Hoài Đức, Trịnh Ân, sau bao năm chiến trận đã lập nên cơ nghiệp lớn. Trong một buổi đại yến, vua tôi, anh em đang hưởng lạc thì có tin giặc đến. Cao Hoài Đức, Trịnh Ân cùng vợ là Đào Tam Xuân lên đường đánh giặc. Thắng trận, Trịnh Ân giao lại thành trì cho vợ giữ rồi cùng con là Trịnh Ấn về kinh đô báo tin chiến thắng. Giữa đường, Trịnh Ân gặp Hàn Phụng là bố vợ Vua, ỷ có con là thứ hậu nên ngang ngược lấy kiệu của Vua đi chơi. Không chịu được sự lộng hành này, Trịnh Ân đã đánh Hàn Phụng. Về tới triều đình, Hàn Phụng cùng con gái là thứ hậu Tố Mai lập kế chuốc Vua say rượu rồi giả chiếu giết hai bố con Trịnh Ân. Nơi quan ải, vị nữ tướng nhận được tin cả chồng và con đều bị hỗn quân hãm hại, lập tức lấy máu đề cờ, kéo quân về kinh xử tội bố con Hàn Phụng... Vở tuồng được đẩy lên cao trào với nhiều tình huống, xung đột kịch tính, khắc họa hình tượng nhân vật Đào Tam Xuân biết vượt qua nỗi đau, giúp đất nước loại bỏ gian thần.
Mặc dù là vở diễn truyền thống và được trình diễn từ lâu nay, nhưng Nữ tướng Đào Tam Xuân vẫn hấp dẫn và thu hút đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Rất nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đã tiếp nối diễn các vai trong vở, trong đó vai nữ tướng Đào Tam Xuân có NSND Bạch Trà, NSND Đàm Liên, NSND Mẫn Thu, NSND Hương Thơm, NSND Hồng Khiêm... và nay là các tài năng sân khấu trẻ khác của Nhà hát lần lượt đảm nhận. Trong tối 6.6, vai diễn này được giao cho NSƯT Thu Quyên, cô háo hức chia sẻ: “Đào Tam Xuân là một vai diễn mẫu, nên người nghệ sĩ nào khi thể hiện cũng phải chuẩn chỉ từng lời nói, từng động tác, chỉ khác nhau ở cách thể hiện nội tâm, gương mặt và thần thái là “vốn riêng” của từng nghệ sĩ. Tôi đã tiếp cận vai diễn này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước chỉ bảo. Hầu như các nữ diễn viên của Nhà hát đều có thể đảm đương vai diễn này. Hiện có ba nghệ sĩ, trong đó có tôi được giao diễn vai thường xuyên”. Nữ nghệ sĩ cũng cho biết thêm, Nữ tướng Đào Tam Xuân luôn được mời diễn hợp đồng vào các mùa lễ hội hằng năm. Thậm chí có những khán giả ở Bắc Ninh còn thuộc từng lời thoại, câu hát của nhân vật trong vở.
Chương trình "Trống choai đi đâu thế...?" của Nhà hát Tuổi Trẻ
Nhà hát Tuổi Trẻ “nâng tầm” các chương trình phục vụ thiếu nhi
Chương trình Trống choai đi đâu thế...? diễn ra vào tối 6.6 tại rạp Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, nằm trong 3 chương trình biểu diễn phục vụ khán giả thiếu nhi trong dịp này của Nhà hát. Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến cho biết, các chương trình nghệ thuật thiếu nhi năm nay được “nâng tầm” hơn từ chất lượng kịch bản cho tới xu hướng dàn dựng. Nhà hát đã phát huy được ưu thế vừa có diễn viên kịch, vừa có diễn viên ca múa nhạc nên các chương trình đều có sự phối hợp dàn dựng của lực lượng diễn viên cả ba đoàn nghệ thuật, lại tăng sự cộng hưởng bởi trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại nên đã làm thỏa mãn mọi nhu cầu thưởng thức từ thị giác đến thính giác của khán giả.
Đặc biệt hơn, nhờ có Vietjet giúp sức, Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ tổ chức hàng trăm suất biểu diễn miễn phí phục vụ thiếu nhi trong mùa hè này. Mới khởi động mở màn, nhưng số lượng khán giả đông đảo tới Nhà hát Tuổi Trẻ để thưởng thức nghệ là tín hiệu rất vui được ghi nhận. Từ nay đến tháng 9, Nhà hát sẽ không chỉ diễn tại rạp Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm mà còn đi lưu diễn phục vụ khán giả ở TP. HCM cũng như nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhà hát Tuổi Trẻ rất mong sẽ có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ, đồng hành để có thể lan rộng hơn nữa vòng tay kết nối nghệ thuật với khán giả.
Sự ra quân của hai Nhà hát hàng đầu của Bộ VHTTDL trong cùng một tối, trên hai sân khấu lớn của Thủ đô cho thấy sự quyết tâm kéo khán giả đến với rạp hát có được sự thống nhất cao từ cơ quan quản lý nhà nước cho tới từng đơn vị nghệ thuật. Hy vọng, đây thực sự sẽ là những cú hích mạnh mẽ để sân khấu quay trở lại thời kỳ “hoàng kim”.
HIỀN LƯƠNG