Tỏa sáng những tài năng nghệ thuật Kịch nói, Múa và Múa rối
VHO- Trải qua gần một tuần tranh tài tại ba cuộc thi: Tài năng Múa rối toàn quốc 2022, Tài năng Múa toàn quốc 2023 và Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc 2023, đồng nghiệp và giới mộ điệu đã chứng kiến những giọt mồ hôi và cả nước mắt lăn dài trên từng gương mặt nghệ sĩ. 50 giải thưởng được trao tại Lễ bế mạc là minh chứng nguồn nhân lực dồi dào của nghệ thuật biểu diễn nước nhà vẫn đang hừng hực lửa đam mê và khát khao cống hiến…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông
Gần 200 tiết mục, trích đoạn, tiểu phẩm tham gia tranh tài đã làm nên điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện chào mừng Quốc khánh 2.9 và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa 28.8. Chương trình do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Hà Nội giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, cùng với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VH&TT TP Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.
Sự kiện nổi bật chào mừng Ngày truyền thống ngành Văn hóa
Tiết mục đạt giải nhất Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc 2022 của thí sinh Ngô Doãn Thịnh (Nhà hát Múa rối Việt Nam)
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng BCĐ khẳng định: “Đây là những cuộc thi rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của mỗi loại hình nghệ thuật. Qua các cuộc thi đã “phát lộ” những tài năng nổi trội về kỹ thuật biểu diễn. Nhiều tiết mục có sự tìm tòi phương thức thể hiện mới, đạt đến vẻ đẹp, tính hoàn mỹ của tiết mục, đảm bảo đúng phong cách, giữ được hồn cốt của loại hình nghệ thuật mà thí sinh dự thi, chinh phục được BGK và khán giả”.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, bên cạnh những thành công, chúng ta vẫn cần nhìn lại để xác định hướng phát triển của từng loại hình nghệ thuật phù hợp với tình hình mới, sao cho vừa giữ được giá trị truyền thống, vừa có sự tiếp biến phát triển theo xu hướng đương đại và hội nhập quốc tế. Các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên dự thi cần tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa cả về con người và vật chất. Đặc biệt, phải xử lý tốt hơn các vấn về liên quan tới chuyên môn, từ việc chọn vai diễn, chọn tác phẩm, người dàn dựng cho đến phần âm nhạc, trang phục, ánh sáng… Tránh tình trạng giao vai quá nặng so với khả năng của diễn viên hoặc chưa xác định đúng thể loại dự thi. Nhiều nghệ sĩ có tố chất tốt nhưng không có đất diễn làm tiết mục chưa “tới", chưa đủ sức thuyết phục.
Tiết mục đạt giải nhất Cuộc thi Tài năng diễn viên Kịch nói toàn quốc 2023 của thí sinh Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng)
Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời nghệ thuật
NSND Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc 2022; NSND Nguyễn Anh Phương, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi Tài năng Biểu diễn Múa 2023 và PGS.TS Phan Trọng Thành, Chủ tịch Cuộc thi Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc 2023 đã lần lượt đọc đánh giá của Hội đồng giám khảo từng cuộc thi. Những nghệ sĩ được xướng giải Nhất đã thực sự mang tới phần thi ấn tượng “không thể bàn cãi”, có thể kể đến: Ngô Doãn Thịnh (Nhà hát Múa rối Việt Nam); Hà Bình Minh (Nhà hát Múa rối Thăng Long); Lê Tuấn Anh (Học viện Múa Việt Nam); Trương Thị Bích Hạnh (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội); Nguyễn Huỳnh Như (Trường Trung cấp Múa TP.HCM); Vũ Quang Đạt (Công ty TNHH Phát triển sáng tạo nghệ thuật HT Media Hà Nội); Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội); Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng); Lý Chí Huy, Phan Quang Thắng (Nhà hát Tuổi Trẻ); Nguyễn Thị Minh Thu (Nhà hát Kịch Việt Nam); Phạm Thành Phương (Công ty TNHH Khang Entertainment); Trần Thị Diễm Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội); Dương Văn Khánh (Nhà hát Kịch nói Quân đội)…
Có lẽ, điều mà Hội đồng giám khảo và đồng nghiệp khâm phục chính là ở tinh thần vượt khó, sự kiên trì bám nghề đã giúp cho các tài năng tỏa sáng, thể hiện được đẳng cấp nghề nghiệp. NSND Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Tài năng Múa rối 2022 khẳng định: “Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng các nghệ sĩ, diễn viên vẫn hăng say sáng tạo, miệt mài luyện tập để thể hiện tốt nhất tiết mục của mình, đặc biệt có những nghệ sĩ tuổi đời và tuổi nghề đều rất trẻ. Mong rằng cuộc thi sẽ là một cú hích để nhiều nghệ sĩ đầu quân cho loại hình này”.
Tiết mục đạt giải nhì Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc 2023 của thí sinh Nguyễn Trang Linh (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam)
Tiết mục của Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) đạt giải nhất Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc 2023
Chiếm số lượng thí sinh dự thi đông nhất, và đặc biệt, Cuộc thi Tài năng Diễn viên Kịch nói toàn quốc 2023 thu hút được cả thí sinh đã gần 50 tuổi. PGS.TS Phan Trọng Thành không giấu sự xúc động: “Cuộc sống mưu sinh vất vả, thu nhập từ nghề thấp, nhưng những người nghệ sĩ này vẫn kiên định với nghề đã chọn. Thậm chí, trong họ còn có những người chưa từng được giải thưởng nào để khích lệ đời sống tinh thần. BGK chúng tôi thật sự xúc động và cảm phục!”.
Được chia thành 3 bảng: Ballet (cổ điển và hiện đại); Đương đại, Dân gian (dân tộc đương đại) và Truyền thống, Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc 2023 được đánh giá cao khi các thí sinh đã thể hiện sự phát triển tích cực về mặt kỹ thuật, phong cách biểu diễn cũng như truyền đạt được tư tưởng, nội dung tác phẩm đến với khán giả. “Nhiều thí sinh đã biểu lộ được tố chất tài năng và tỏa sáng trong tiết mục trình diễn, đem đến cho công chúng những ấn tượng đậm nét và cảm xúc tươi mới”, NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định.
Tiết mục đạt giải Nhất Cuộc thi Tài năng Diễn viên kịch nói toàn quốc 2023 của nghệ sĩ Phan Quang Thắng (Nhà hát Tuổi Trẻ)
Cần khẳng định, để có được một lực lượng nghệ sĩ tài năng hùng hậu ở cả ba loại hình Kịch nói, Múa và Múa rối không chỉ là sự nỗ lực của riêng bản thân các nghệ sĩ mà còn là cố gắng của toàn ngành nghệ thuật biểu diễn với sự hợp lực đóng góp của các hội chuyên ngành, các ban giám khảo, các đơn vị nghệ thuật và lớp nghệ sĩ đàn anh, đàn chị. Mong rằng trong giai đoạn tới, những gương mặt nghệ sĩ tài năng sẽ tiếp tục đam mê, nhiệt tình cống hiến, luôn là hạt nhân nòng cốt trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm sống mãi với thời gian và không phụ sự tin yêu, ngưỡng mộ của quần chúng nhân dân.
Nghiên cứu để có cơ chế, chính sách tương xứng với tài năng Cục Nghệ thuật biểu diễn thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và các nghệ sĩ, diễn viên của các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói riêng... Đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VH&TT các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát tiếp tục chú trọng và tăng cường đầu tư cơ chế thích hợp, nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo nghệ sĩ trẻ phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực của đơn vị. Cùng với đó, giới thiệu các gương mặt tài năng cho chương trình đào tạo ở nước ngoài của Bộ VHTTDL để tạo nguồn diễn viên chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nghệ thuật nước nhà và hội nhập quốc tế… (Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG) |
THÚY HIỀN