Tiêu kịch hóa nghệ: Cuộc gặp thú vị giữa người thực hành sân khấu với người trẻ

VHO- Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động vệ tinh thảo luận về sáng tạo và thực hành sân khấu tại khu vực phía Nam, gần 100 bạn trẻ đến từ nhiều trường ĐH trên địa bàn TP.HCM đã có buổi thực hành thú vị mang tên Tiêu kịch hóa nghệ với các nghệ sĩ, những người thực hành sân khấu truyền thống và thể nghiệm.

Tiêu kịch hóa nghệ: Cuộc gặp thú vị giữa người thực hành sân khấu với người trẻ - Anh 1

Nghệ sĩ Chinh Ba (ngoài cùng, bên phải) và các nghệ sĩ giao lưu cùng khán giả

 Chương trình được đồng hành tổ chức của TheaFter, Vietnamme và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (Sân khấu 5B), với sự hỗ trợ của Goethe-Institut TP.HCM.

Trải nghiệm “bếp núc” của nghệ thuật sân khấu

Tiêu kịch hóa nghệ là cơ hội để sinh viên trải nghiệm không khí hậu trường; cùng khám phá những bí mật “bếp núc” của nghệ thuật sân khấu, tìm hiểu về quá trình tập kịch và gặp gỡ nghệ sĩ, diễn viên. Cùng với đó, các bạn trẻ còn được trải nghiệm phương thức sáng tạo và thực hành trong mô hình sân khấu thể nghiệm dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Chinh Ba… Sau cùng, “tiêu hóa” các “thực đơn” nghệ thuật trên qua phần giao lưu.

Nghệ sĩ Chinh Ba chia sẻ, đây là một trong những hoạt động vệ tinh cho dự án trở lại Sài Gòn của vở kịch phi lý Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn, do anh biên kịch và đạo diễn. Tuy nhiên, bên cạnh việc quảng bá cho vở diễn, anh nghĩ nhiều hơn về việc thu hút công chúng quan tâm hơn đến nghệ thuật sân khấu, để loại hình này trở thành món ăn tinh thần bên cạnh các hoạt động giải trí khác.

Sự kiện đã mang đến cho sinh viên góc nhìn chân thật nhất về cách thực hành biểu diễn và vận hành của sân khấu thể nghiệm đầu tiên ở khu vực phía Nam - Sân khấu 5B. Mở màn, sinh viên được tham gia tour khám phá mọi ngóc ngách ở khu vực cánh gà và quan sát đạo diễn Vũ Trần hướng dẫn các diễn viên tập bài cho vở kịch tâm lý đang công chiếu: Bến lửa lòng. Tiếp theo, đạo diễn và các diễn viên cùng hơn chục khán giả cùng bước lên sân khấu để tham gia vào phần thực hành phương pháp Automatism (Tự động hóa) với sự dẫn dắt của nghệ sĩ thể nghiệm Chinh Ba. Anh liên tục điều phối mọi người “cố gắng lấp đầy không gian” với chuyển động, tương tác cùng vật thể và những đối tượng có mặt trong không gian sân khấu.

Kết hợp cùng hiệu ứng ánh sáng, cả khán phòng dường như cuốn theo từng chỉ đạo của nghệ sĩ. Anh khiến mọi người không khỏi tò mò khi giao cho hai nhóm khán giả tham gia workshop dàn dựng ngay hai tiểu phẩm ngắn với nghi vấn “Một buổi workshop phi tuyến tính với những cá thể rời rạc thì mọi người sẽ ghép lại thành phẩm như thế nào?”…

Trăn trở về tương lai của sân khấu

Không khí thêm phần sôi nổi khi các nghệ sĩ lần lượt giải đáp những thắc mắc, tâm tư của khán giả dưới nhiều góc độ khác nhau. Từ những nghi vấn xoay quanh tương lai của sân khấu, sự cạnh tranh của các loại hình giải trí nhanh với nghệ thuật truyền thống, đến những trăn trở của sinh viên khi gặp khó khăn trong việc áp dụng những bài học diễn xuất trong nhà trường vào thực tiễn… Theo NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, trong nhà trường, sinh viên sẽ được tiếp thu những kiến thức nền tảng và cơ bản nhất, từ đó, các em buộc phải năng động tự học và sáng tạo, có nhiều trải nghiệm mới có thể thành nghệ sĩ giỏi. “Sự sáng tạo và cá tính khác biệt của mỗi nghệ sĩ mới tạo nên một tác phẩm nghệ thuật”, nữ nghệ sĩ nói.

MC Trác Thuý Miêu chia sẻ về những thăng trầm của sân khấu, đó là nỗi trăn trở của những người nghệ sĩ, hay điều gì làm nên cái hồn của một vở kịch? Làm sao để sân khấu hôm nay có thể tạo ra lớp khán giả bền vững để những người đã dốc lòng với nghệ thuật có thể tiếp tục trao truyền sự sống cho tác phẩm, để tác phẩm được sống cuộc đời riêng của nó với công chúng?…

Tiêu kịch hóa nghệ: Cuộc gặp thú vị giữa người thực hành sân khấu với người trẻ - Anh 2

 Các diễn viên trẻ biểu diễn tiểu phẩm

Trò chuyện về tương lai sân khấu kịch, nghệ sĩ Chinh Ba bày tỏ, đây là một trong những loại hình nghệ thuật có tuổi đời lâu nhất trong lịch sử loài người. Nó sinh ra do bản năng của con người, chính vì thế sân khấu kịch không thể chết khi loài người còn “acting” (cử động, diễn xuất), nó chỉ chuyển hóa từ hình thái này sang hình thái khác.

MC Trác Thúy Miêu nói thêm, “đi xem kịch đôi khi là để chiêm nghiệm chính mình, mà không nhất thiết tìm chân lý nơi tác phẩm”. Đây như một tiền đề gợi mở, khuyến khích công chúng đến với loại hình sân khấu có tính thể nghiệm cao, thẩm mỹ mới lạ để khai phóng chính bản thân và khơi dậy bản năng cảm thụ cá nhân. Qua việc thưởng thức vở kịch phi lý Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn sẽ công diễn vào ngày mai 16.12 tại TP.HCM. Qua tác phẩm thể nghiệm, công chúng có thể tự tìm cho mình những tiêu chuẩn và góc nhìn mới về loại hình này trong tương lai.

Đi tìm thị hiếu của khán giả hôm nay

Với niềm yêu thích dành cho sân khấu và là một trong những sinh viên tham gia thực hành phương pháp Automatism cùng nghệ sĩ Chinh Ba, bạn Thanh Hoài, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường ĐH Văn Lang chia sẻ: “Những trải nghiệm trong phương pháp mới lạ này đã mang đến cho em rất nhiều cảm giác thú vị. Ví dụ như lúc nhắm mắt để cảm nhận những thay đổi xung quanh một cách bất chợt không được dự báo trước, diễn kịch mà không biết kịch bản, không dự đoán số phận nhân vật buộc diễn viên phải thật tập trung, quên mọi thứ xung quanh và phản ứng thật nhanh nhạy… điều ấy giúp em có thêm chất liệu và trải nghiệm thú vị”.

Trong khi đó, với góc độ sinh viên chuyên ngành, Lê Nguyễn Đình Phong, sinh viên năm ba ngành Đạo diễn sân khấu Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM bày tỏ: “Em được lắng nghe nhiều ý kiến của các nghệ sĩ, được hiểu nhiều quan niệm, góc nhìn, từ đó em tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm. Một điều nữa em thấy rất thú vị, là chương trình quy tụ sinh viên nhiều trường, nhiều ngành như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế TP.HCM… Các bạn đã chia sẻ những góc nhìn đa chiều về sân khấu, qua đây, em như có được một buổi khảo sát thị trường để khi bước ra dựng vở, đạo diễn trẻ như tụi em không bị chới với”.

“Những tiêu chuẩn, yêu cầu các bạn đặt ra cho người nghệ sĩ sẽ quyết định sân khấu có tồn tại hay không và sẽ tồn tại ở hình thức nào trong tương lai. Để đặt ra tiêu chuẩn, các bạn hãy đi xem nhiều hơn và nói rằng tôi thích cái này, tôi lựa chọn cái kia, thì đó sẽ là cách để người diễn viên, người sáng tạo phản ứng lại với các bạn”, nghệ sĩ Chinh Ba nói. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc