Thêm một “mùa vàng” bội thu
VHO- Khép lại mùa Bông lúa vàng 2022 với ngôi vị Quán quân được trao cho Nguyễn Thành Trường (thí sinh đến từ Vĩnh Long), buổi thi diễn chung kết xếp hạng đã diễn ra cuối tuần qua tại Nhà hát VOH Music One (Đài TNND TP.HCM). Đặc biệt, theo MC Hữu Luân - người đồng hành cuộc thi mấy mươi năm qua, đây là lần đầu tiên Bông lúa vàng được đón các vị lãnh đạo cấp cao ngành Văn hóa và địa phương bạn, cho thấy sức lan tỏa ngày càng lớn của sự kiện này.
Trao giải và chúc mừng Quán quân cuộc thi
Vòng Chung kết xếp hạng có sự tham gia của 6 thí sinh, mỗi thí sinh ca diễn một trích đoạn không quá 15 phút. Thành phần giám khảo gồm nhiều “cây đa cây đề” như NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSƯT Huỳnh Khải, NS Thanh Hằng… Sau mỗi phần thi diễn của thí sinh, Ban giám khảo đều đưa ra những nhận xét ở góc độ chuyên môn, phân tích điểm tốt để thí sinh phát huy và những hạn chế để các bạn rút kinh nghiệm. Cuộc tương tác chân tình giữa những nghệ sĩ gạo cội với các “bông lúa” đã mang lại tình cảm đẹp giữa thế hệ đi trước truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ, để các bạn vững tin và làm tốt hơn trong sứ mệnh của người nghệ sĩ tương lai…
Chung tay làm cho cải lương vươn dài sức sống
Lọt vào vòng Chung kết xếp hạng là 6 thí sinh còn khá trẻ, thuộc thế hệ 9X, 10X đặc biệt có Nguyễn Trương Thế Thanh (TP.HCM, 2002), Võ Thị Huyền Trang (Tiền Giang, 2004)…
Trong một tiết mục của thí sinh, giám khảo NSND Bạch Tuyết đã có những lời nhận xét, nhắn gửi ý nghĩa đến với thế hệ trẻ, mong các bạn có thể mang đến cho khán giả những tác phẩm có cách dàn dựng hợp lý, khoa học để thuyết phục khán giả: “Ở mỗi giai đoạn khác nhau, thị hiếu và tư duy của công chúng cũng không ngừng thay đổi. Chúng ta đang sống trong thời đại số, khán giả hiện nay tuy trẻ nhưng họ lại có cái đầu “khổng lồ”… Ông bà ta đã định nghĩa cải lương là “cải cách, là lương truyền”, là sửa đổi để trở nên tốt đẹp hơn, vì thế mà nội dung cần phải hay, phải nhân văn sao cho có thể thuyết phục được khán giả đương đại”.
NSƯT Huỳnh Khải, Chủ tịch Hội đồng giám khảo xúc động chia sẻ: “Từ khi đại dịch Covid xảy ra, hôm nay khán phòng nhà hát mới được đông vui như thế này, đó là sự động viên rất lớn cho những người làm nghệ thuật”. Theo NSƯT Huỳnh Khải, chất lượng cuộc thi năm nay đã phát triển vượt bậc. Bên cạnh một số trích đoạn có tính kinh điển, mùa này có nhiều sáng tác được viết lại cho phù hợp với tính chất “Bông lúa vàng” - đó là tôn vinh giọng hát, đặc trưng của một cuộc thi phát thanh để phục vụ đối tượng bạn nghe đài. Thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành nên cũng có sự đa dạng về cách phát âm, lối cất giọng, nhả chữ trong thể hiện. Các bạn cùng hội tụ về một sân chơi chung để gặp gỡ, trau dồi kinh nghiệm, để được các thầy dạy cho tiến bộ hơn, cùng nhau làm cho bộ môn nghệ thuật này vươn dài sức sống, đó là thành công nhất của cuộc thi.
“Nếu trước đây có những bạn có chất giọng hay nhưng lại bắt chước thần tượng, thì lần này các bạn đã sáng tạo cách ca, cách diễn cho mình một cách đầy tự tin. Cũng là trích đoạn, bài ca đó nhưng mỗi bạn có cách thể hiện khác nhau, không rập khuôn, đó là điều rất đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận và lấy làm vui mừng”, Chủ tịch Hội đồng giám khảo phấn khởi bày tỏ.
Sau 29 năm tổ chức, Bông lúa vàng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới mộ điệu vào mỗi thứ 7 hằng tuần
Gần 3 thập kỷ bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân tộc
Tham gia vòng Chung kết với trích đoạn Hòn vọng phu (soạn giả Kha Tuấn - Hữu Lộc), Nguyễn Thành Trường (Vĩnh Long) đã chinh phục Hội đồng giám khảo và khán giả bằng giọng ca đẹp, trầm ấm, diễn xuất thể hiện tốt nội tâm nhân vật. Giải thưởng dành cho Quán quân là Cúp Bông lúa vàng và 100 triệu đồng tiền mặt. Cùng với đó, anh còn nhận được giải Thí sinh được yêu thích nhất trị giá 20 triệu đồng.
Giải Nhì cuộc thi thuộc về Nguyễn Thế Tâm (sinh năm 1979, đến từ Đồng Tháp). Tâm dự thi với trích đoạn Tình yêu và đại nghĩa (soạn giả NSƯT Vũ Linh Tâm), đồng thời cũng giành về giải Phong cách ấn tượng. Giải Ba là thí sinh Nguyễn Ngọc Thúy Trang (sinh năm 1994, Long An) với trích đoạn Tiếng vọng Hang Hòn (soạn giả Ngô Linh - Đình Duy). Ngoài ra, BTC cũng trao 3 giải khuyến khích cho các thí sinh còn lại và chứng nhận “Giọng hát vào vòng Chung kết Bông lúa vàng 2022” cho 12 thí sinh.
Chính thức khởi động từ tháng 5.2022, cuộc thi Bông lúa vàng năm nay trải qua các hành trình sơ tuyển tại Đồng Tháp, Bạc Liêu và dừng chân tại TP.HCM. Cuộc thi quy tụ gần 500 thí sinh tham gia tranh tài qua các vòng: Gieo hạt, Mạ non, Trổ đòng, Lúa vàng và vòng Chung kết xếp hạng đối với 6 thí sinh xuất sắc nhất.
Sau 29 năm tổ chức, Bông lúa vàng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới mộ điệu vào mỗi thứ 7 hằng tuần. Theo MC Hữu Luân, có thể khẳng định cho đến thời điểm này, chưa có một cuộc thi nghệ thuật nào có thể kéo dài nhiều năm như vậy mà vẫn luôn được sự yêu mến của khán giả và sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo Trung ương cũng như các địa phương, điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của cuộc thi mang cái tên trìu mến và gần gũi với hết thảy người dân Việt Nam: Bông lúa vàng!
Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM bày tỏ: “Bông lúa vàng chuẩn bị bước tới mốc quan trọng, kỷ niệm 30 năm hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc. BTC rất tự hào khi cuộc thi được duy trì liên tục suốt mấy chục năm qua, tìm kiếm được nhiều hạt giống đam mê cải lương có tiềm năng, trong đó có nhiều giọng ca đã thành danh và tiếp nối được các thế hệ đi trước… Chúng tôi tin rằng, các tài năng cải lương sẽ tiếp tục tỏa sáng, đặc biệt trong cuộc thi Bông lúa vàng 2023, nhân kỷ niệm 30 năm tổ chức cuộc thi và 10 năm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”.
THÙY TRANG