Thánh thót tiếng Đờn ca tài tử trong mùa Vu Lan báo hiếu
VHO- Bảo tàng Áo dài (TP.HCM) từng có nhiều hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong mùa Vu Lan thông qua các hình thức: Hát ru, Đờn ca tài tử, trưng bày áo dài “Mẹ và con”… Tiếp nối thành công ấy, tại đây vừa tổ chức buổi giao lưu Vu Lan báo hiếu với sự tham gia của đông đảo công chúng yêu nhạc.
TS Lê Hồng Phước biểu diễn tiết mục “Nhớ mẹ hiền” của soạn giả Viễn Châu
Đến với buổi giao lưu, khán giả được tiếp cận không gian 3 miền qua những khúc ca về đạo hiếu như: Công cha nghĩa mẹ; Nhớ mẹ hiền; Gánh mẹ; Lòng mẹ, Vu Lan nhớ mẹ, Mẹ tôi… Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của nhiều bạn trẻ với tinh thần bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống. Tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ trẻ, TS Lê Hồng Phước, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Trong bối cảnh đất nước hội nhập với thế giới, việc giữ gìn truyền thống dân tộc là rất cần thiết. Trong đó, đạo hiếu là nét đẹp đã có từ xa xưa. Dù trong thời đại nào thì những nét đẹp này cũng cần phải được tôn vinh và bảo tồn để có sức sống lâu bền”.
Thế nhưng, việc khai thác, phát huy giá trị của Đờn ca tài tử trong thời gian qua còn hạn chế khi thiếu chiến lược, thiếu sự liên kết khiến các hoạt động bị rời rạc, công tác quảng bá bỏ ngỏ… Đặc biệt, việc “đánh thức” tình yêu âm nhạc truyền thống nói chung và loại hình Đờn ca tài tử nói riêng, bằng cách ươm mầm cảm thụ cho người trẻ vẫn còn nhỏ lẻ, trong khi công nghệ đã mang văn hóa, nghệ thuật hiện đại đến với họ “chỉ trong một nốt nhạc”. Cũng tại buổi giao lưu, ThS Vũ Thị Bích Duyên, giảng viên khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, Đại học Văn hóa TP.HCM chia sẻ: “Nhiều người cho rằng giới trẻ thờ ơ với âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, tôi lại thấy điều đó chưa hoàn toàn đúng, bởi khi có cơ hội được tiếp cận, các em tỏ ra rất hào hứng. Cái quan trọng là làm sao có những chương trình phù hợp để các em tìm hiểu, lắng nghe, yêu thích âm nhạc dân tộc, qua đó bày tỏ tình cảm với đấng sinh thành”.
Là đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc tại TP.HCM, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng cho biết, để phát triển Đờn ca tài tử cần kiên trì, bình tĩnh, thực sự có tâm huyết và phải xác định phát triển mô hình với mục tiêu mang tính lâu dài. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua Bảo tàng đã kiên trì từng bước, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của Áo dài, Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử, Hát ru… Qua đó, chúng tôi mong muốn giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, ý thức về vai trò của thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, kế thừa truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Cùng với đó, tạo nên lớp khán giả mới cho các loại hình nghệ thuật truyền thống mà cha ông ta đã để lại”, bà Vân chia sẻ.
HỒNG HẠNH