Tái hiện bi kịch "Vua Lear" của Shakespeare trên Sân khấu Lệ Ngọc

VHO - Vua Lear, vở bi kịch kinh điển nổi tiếng mang ý nghĩa phê phán sâu sắc và giàu giá trị nhân văn của đại văn hào William Shakespeare đã được Sân khấu kịch Lệ Ngọc khởi công dựng ngày 20.12. Vở diễn do đạo diễn tài năng Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama biên tập lại kịch bản và dàn dựng.

Tái hiện bi kịch

Ê kíp dàn dựng Vua Lear chia sẻ tại Lễ khởi công

Vua Lear có thể xem là một trong những vở kịch kịch tính, bi thương và chất chứa nhiều tầng ý nghĩa nhất của nhà viết kịch lừng danh người Anh. Kịch xoay quanh những mâu thuẫn chồng chất, lộn xộn, ngược với luân thường đạo lý giữa các thành viên trong gia đình gắn liền mối quan hệ lợi ích liên quan đất đai, tài sản thừa kế… Song, vượt lên sự thể hiện câu chuyện gia đình, Vua Lear còn tái hiện câu chuyện của cả xã hội với tinh thần phê phán và giá trị triết lý sâu sắc.

Theo nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc Sản xuất và Chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, đây là tác phẩm kinh kinh điển thế giới. Vì thế, dựng lại tác phẩm này trên Sân khấu Lệ Ngọc vừa là nỗ lực, cũng vừa là thách thức với những người thực hiện. Và để giải mã thách thức này, đạo diễn tài năng người Nhật Tsuyoshi Sigiyama-người từng dàn dựng thành công các vở diễn Hedda Gabler và Cậu Vanya cho Nhà hát Tuổi trẻ đã được “chọn mặt gửi vàng” trong vai trò biên tập và đạo diễn Vua Lear.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho biết: Vua Lear là câu chuyện của 400 năm trước nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với hiện tại. Vở diễn đầy đủ dài 4 giờ, nhưng để phù hợp với công chúng hiện nay,  đạo diễn đã biên tập còn khoảng gần 2 giờ. Những chi tiết, tình huống quan trọng, cốt lõi trong tác phẩm vẫn được giữ nguyên. Ê-kíp sáng tạo mong muốn có thể thổi hơi thở của cuộc sống đương đại vào câu chuyện này để phù hợp, gần gũi với công chúng hôm nay. “Theo cá nhân tôi, đây là câu chuyện mà con người phải đối diện với những giá trị quan và trật tự xã hội đạo đức bị đảo lộn. Đó cũng là lúc con người bộc lộ rõ nhất bản chất. Thông qua vở diễn, tôi muốn thể hiện rằng không chỉ những người bị lừa dối, bị chà đạp mới đau khổ mà ngay cả những người đi lừa lọc, gieo tội ác cũng phải trải qua hành trình đau khổ, tổn thương. Tôi cho rằng đây cũng chính là thông điệp mà Shakespeare muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình để khơi lên sự tỉnh thức lương tri trong mỗi người”, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ.

Tái hiện bi kịch

Vở diễn Lá đơn thứ 72 của đơn vị Sân khấu Lệ Ngọc về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trao tặng Giải đặc biệt ''Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V - 2022

Vua Lear là một tác phẩm vô cùng đồ sộ nên theo ê-kíp sáng tạo, để chuyển tải được trọn vẹn tinh thần và thông điệp kịch, vở diễn sẽ không cắt đi các chi tiết mà chủ yếu tiết chế ở những đoạn thoại để bảo đảm dung lượng dưới 2 tiếng, phù hợp quỹ thời gian và tâm lý tiếp nhận của khán giả hôm nay. Nghệ sĩ Văn Hải, Giám đốc sản xuất, Chỉ đạo nghệ thuật đồng thời là diễn viên chính của vở diễn chia sẻ, quyết định dàn dựng tác phẩm kinh điển này không chỉ xuất phát từ sự ấp ủ của cá nhân ông, mà Sân khấu Lệ Ngọc muốn dấn thân, đối mặt với những thách thức, đưa những tác phẩm lớn, kinh điển thế giới đến khán giả Việt Nam. Tuy được ra đời từ hơn 400 năm, nhưng những câu chuyện, tình huống, vấn đề cốt lõi trong tác phẩm vẫn thời sự, tương đồng với cuộc sống hôm nay.

NSND Lệ Ngọc chia sẻ:  “Nhà hát Kịch Việt Nam đã từng dàn dựng rất thành công vở kịch này vào năm 1985. Tuy nhiên, đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã thông nhất sẽ làm một bản diễn hoàn toàn khác với những phiên bản dàn dựng của Việt Nam và quốc tế. Nhìn vào những vấn đề nhức nhối ngay trong mối quan hệ gia đình hiện nay cũng đã thấy vô cùng phức tạp. Vở kịch Vua Lear đã đề cập tới một thông điệp rất trúng và đúng với giai đoạn xã hội hiện nay. Như một lời cảnh báo, thức tỉnh tất cả mỗi con người không nên vì mảnh đất, đồng tiền mà bỏ qua mọi luân thường đạo lý trong gia đình nói riêng, đạo đức xã hội nói chung. 

Trong năm 2022 của Sân khấu Lệ Ngọc, nối tiếp các vở diễn ấn tượng đã ra mắt trước đó là: Vang bóng một thời, Lá đơn thứ 72, Huyền tích Chùa Một Cột. Là sân khấu xã hội hoá nhưng Sân khấu Lệ Ngọc có cách đi riêng ngay từ việc lựa chọn đề tài cho tới dàn dựng vô cùng nghiêm túc, chỉnh chu và hấp dẫn. Xây dựng một vở kịch kinh điển của thế giới  tiếp tục khẳng định sự năng động, dấn thân mạnh mẽ của một đơn vị kịch xã hội hóa trên hành trình bắc cầu nối đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng hiện đại.

THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc