Sân khấu “tươi sống”, sân khấu “đóng hộp”

VHO- Năm 2022 khép lại với rất nhiều những cuộc liên hoan, cuộc thi của nghệ thuật sân khấu như: Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2022, Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022... và cả những liên hoan quốc tế tại Việt Nam như Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 5, Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 5... Từ các cuộc liên hoan này đã gợi mở nhiều điều đáng suy ngẫm về sự tồn tại và phát triển kịch trường biểu diễn của sân khấu Việt hôm nay.

Sân khấu “tươi sống”, sân khấu “đóng hộp” - Anh 1

 NSƯT Thanh Tú  Ảnh: Toàn Vũ

Tôi xin đưa ra định nghĩa, nhằm “giới thuyết” vấn đề cho bạn đọc tiện theo dõi. Theo tôi, “sân khấu tươi sống” là thuật ngữ tôi dùng để chỉ mạch đập liên tục của kịch trường vở diễn hằng đêm (vẫn có thể diễn cả sáng, chiều, nếu người xem có nhu cầu, vào cuối tuần hoặc ngày lễ Tết).

Sân khấu Hải Phòng thời huy hoàng cuối thế kỷ XX

Còn nhớ, đầu năm 2001, đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi, con trai cả của đạo diễn, NSND Thế Lữ, đã khảng khái tiên tri: “Tương lai sân khấu Việt thế kỷ XXI thuộc về thể loại KỊCH”. Và ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, Thế Lữ đã tiên đoán về sự khởi nguyên số phận thể loại kịch Tây ở Việt Nam: “Kịch Tây tồn tại và phát triển ở sân khấu Việt Nam là do người Việt biết cách kể chuyện kịch theo lối Việt Nam!”

Và, “Việt Nam hóa” kịch Tây đích thực là một quá trình văn hóa!

Tôi nhớ vào khoảng năm 1978, có hai sự kiện kịch của cặp đôi Hà Nội - Hải Phòng đã chấn động cả giới sân khấu lẫn người xem của cả hai thành phố náo nhiệt nhất nước về trình diễn kịch, bởi sự hiện diện một bi kịch cổ điển của Schiller, kịch tác gia người Đức nổi tiếng, vở Âm mưu và tình yêu. Gần như cùng lúc, Đoàn kịch Hà Nội và Đoàn kịch Hải Phòng khởi dựng Âm mưu và tình yêu, và đều mời được hai đạo diễn danh giá: Nguyễn Đình Nghi dựng cho Đoàn kịch Hà Nội; Nguyễn Đức Đọc dựng cho Đoàn kịch Hải Phòng. Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu thi sĩ Lưu Trọng Lư và Thư ký tòa soạn, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình đều rất chú ý hiện tượng kịch trùng hợp này, đã giao cho tôi một công việc chuyên trách: Chạy đi chạy lại giữa Hà Nội và Hải Phòng, xem dàn dựng, xem vở diễn Âm mưu và tình yêu (mỗi vở vài lượt), sau đó, phải so sánh và viết bình luận trên Tạp chí Sân khấu về nghệ thuật dàn dựng của hai đạo diễn và sáng tạo nhân vật của hai dàn diễn viên sáng giá thời bấy giờ: Thanh Tú, Trần Vân, Đam Ka… của Kịch Hà Nội; Ngọc Hiền, Anh Đào, Ngọc Thuỷ… của Kịch Hải Phòng. Được các vị đạo diễn giao những vai kịch đình đám, cả hai dàn diễn viên sáng giá này đã khuấy động sôi sục sàn diễn “tươi sống” của cả Hà Nội lẫn Hải Phòng trong suốt mùa diễn cuối năm 1978.

Cùng dựng vở trên kịch bản kinh điển Âm mưu và tình yêu của Schiller, hai đạo diễn đã mặc nhiên mang hai phong cách độc đáo và khác biệt. Nguyễn Đình Nghi nghiêng về ngôn ngữ ước lệ, tả ý - tả thần, chắt lọc từ tinh hoa sân khấu Chèo, Tuồng cổ truyền Việt; thiết kế không gian mỹ thuật của ông Nghi tối giản, gần như để trống, hầu như triệt tiêu khung cảnh và đạo cụ, quyết không tạo cơn cớ cho những nhân vật quý tộc “dựa dẫm” để dễ bề thể hiện cái ồn ào bên ngoài, thiếu hẳn chiều sâu của trạng thái khốc liệt và đối thoại sinh tử về âm mưu và tình ái, vốn nằm sâu trong chữ nghĩa kịch bản văn học của Schiller.

Diễn viên Thanh Tú, hồi đó tuổi ngoài 30, nổi tiếng trên sân khấu và phim ảnh Việt với lối diễn hồn nhiên, thiên phú, được ông Nghi mời vào vai bà hoàng Minpho, một vai kịch kinh điển mang thông điệp cốt lõi của vở diễn: Yêu là phải chiếm đoạt người tình bằng âm mưu, và chỉ cần yêu một phía, bởi được quyền áp đảo. Nhân vật chính, bà hoàng Minpho, điên cuồng yêu đơn phương chàng trai quý tộc Fecdinan, nảy sinh khát vọng chiếm đoạt bất chấp chàng đang say đắm yêu Louise, một thiếu nữ con nhà bình dân. Cảnh chốt của vở diễn là Minpho buộc Fedinan đến phòng khách hoàng gia của mình để tỏ tình, trên thế thượng phong, cưỡng bức Fedinan phải cầu hôn, nếu không cha của Louise sẽ phải chết, và Louise sẽ bị buộc phải viết lá thư tuyệt tình với Fecdinan. 

Minpho của Thanh Tú xuất hiện giữa sân khấu trống, quay lưng về khán giả, cảnh đạo cụ duy nhất là chiếc ghế có ngai. Minpho - Thanh Tú có nhiệm vụ diễn tả mãnh liệt cuộc tỏ tình với Fecdinan trên tư thế kiêu hãnh của một bà hoàng, với thân hình cực chuẩn trong tấm váy đỏ lộng lẫy và tiếng nói sân khấu cao sang, chuẩn giọng Hà Nội gốc. Không ngờ, Fecdinan từ chối thẳng thừng việc cầu hôn Minpho và thổ lộ đã yêu Louise. Đây là biến động bất ngờ, ngoài ý muốn của Minpho. Đoạn kịch căng thẳng này đã đòi Thanh Tú phải tìm cho được cách xử lý đích đáng và tinh tế cái tâm trạng rơi xuống đáy thất vọng của Minpho.

Từng có bản năng trời cho sắm vai kịch hồn nhiên và có kha khá vai kịch, phim thành công bởi lối diễn “nhi nhiên”, thiên về sở trường này, nên khi vào vai Minpho kinh điển và mới lạ, Thanh Tú đã có lúc vội vã và nhầm lẫn, khi ném ngay nhân vật của mình vào sự cuồng nộ, ào ào giận dữ, khiến Minpho chỉ là một màu đơn điệu trên sân khấu. Sau nhiều suy ngẫm, Thanh Tú tự thấy cách diễn ấy đã làm nhân vật trở nên mỏng dẹt, thiếu góc cạnh và nghệ sĩ đã thử nghiệm một cách diễn khác. Lần diễn này, nghe Fecdinan cả gan cự tuyệt yêu, Thanh Tú cho Minpho khẽ giật mình nhẹ, mặt biến sắc, ngưng bất thần một khoảng lặng, rồi như chập chững đi quanh chiếc ghế - ngai và buột miệng nói tiếp, giọng lạc hẳn. Xử lý nỗi đau của một bà hoàng bị từ chối lời yêu, theo cách diễn có vẻ cân nhắc “duy lý” của Thanh Tú, hóa ra, lại là một thử nghiệm trúng và rất đẹp, khác hẳn mấy đêm trước tôi đã xem Thanh Tú diễn Minpho. Chi tiết diễn xuất ấy bỗng làm dầy và thăng hoa màu sắc nội tâm của Minpho - trong sâu thẳm vẫn mang trái tim đa cảm, yếu đuối, giấu kỹ sau vẻ ngoài chất ngất kiêu sa của một bà hoàng, điều khiển triều đình nước Đức dễ dàng như một đôi que đan.

Tôi bỗng thấy vai Minpho của Thanh Tú đẹp bất ngờ và gây ấn tượng hơn cách xử lý “tình cảm” ướt át của Ngọc Hiền - cũng sắm vai Minpho trên sân khấu Hải Phòng. Trong đoạn kịch “bị khước từ” này, Minpho của Ngọc Hiền đã tuyệt vọng đến choáng váng và ngã xuống cây đàn dương cầm, làm bật lên một hòa âm thê thảm…

Sân khấu “tươi sống”, sân khấu “đóng hộp” - Anh 2

Vở kịch “Đến bờ bên kia” của đoàn Kịch nói Hải Phòng, HCV Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 5

Tôi cố tình vặn hỏi Thanh Tú, nghĩ sao mà dám thử nghiệm vai Minpho khác lạ như thế, Thanh Tú trả lời thẳng băng: Minpho là một bà hoàng, không thể có tư thế tội nghiệp của nỗi đau thường tình, mà phải giấu kín vào tận đáy lòng. Trong im lặng. Trong kiêu sang. Dù rất đau đớn khi bị khước từ! Nhưng khi Fecdinan bất ngờ hỏi lại: Bà có gan nhận một cái xác không tình yêu? Thì Thanh Tú - Minpho bỗng bừng bừng giận dữ, dòng máu vương giả sục sôi thù hận, lập tức đổi giọng rắn đanh, lạnh lùng tuyên bố sẽ trả thù nghiệt ngã đôi tình nhân dám chống lại mình… Song, cuối cùng thì Minpho vẫn phải chịu thất bại cay đắng, trắng tay trước sự trong trẻo quyết liệt bảo vệ tình yêu của Louise và Fecdinan. Minpho phải hối hận bỏ xứ mà đi để làm lại cuộc đời.

Vậy, cái đáng xem nhất của Thanh Tú trong vai kịch này là sự mạnh bạo thử nghiệm cái mới và cái lạ trong một vai kịch kinh điển, hoàn toàn ngược với sở trường của chính mình, vốn sẵn tố chất thiên bẩm, nên mấp mé lối diễn “tự nhiên chủ nghĩa”. Cũng nhờ vào sự ủng hộ thử nghiệm, đáp ứng được phong cách ước lệ đến tối giản của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mà Thanh Tú đã kiến tạo được vai diễn Minpho để đời. Sau này, được học thêm nghề đạo diễn ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Thanh Tú đã tiếp tục thử nghiệm thành công cả hai vai: Đạo diễn và diễn viên trong vở Giác. Chính trong vở diễn một mình mà đổi đến mấy vai kịch này, Thanh Tú đã đoạt HCV của Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 5 tổ chức tại Hà Nội và Hải Phòng vào tháng 11.2022 vừa qua. Và nếu có vai diễn đoạt giải nghệ sĩ kịch cao tuổi thành công nhất, đương nhiên, giải ấy sẽ thuộc về Thanh Tú!

Việc thử nghiệm “lạ hóa” vai kịch và vở diễn, đối với Thanh Tú đã thành việc của một đời diễn kịch và một đời đạo diễn, không ngừng nghỉ!

Trên tinh thần thử nghiệm vở Âm mưu và tình yêu, vai kịch nổi bật nhất của Đoàn kịch Hải Phòng sau lối diễn thiên về tình cảm của Ngọc Hiền vai Minpho, vốn được công chúng Hải Phòng ưa chuộng, lại chính là cách diễn đậm màu “đào thương” của Anh Đào với vai Louise. Vai này của Anh Đào đã tỏ ra sáng giá hơn hẳn cách diễn (cũng vai này) thiên về biểu hiện của Đam Ka, Đoàn kịch Hà Nội. Đây cũng là sự khác biệt giữa hai phong cách đạo diễn của Nguyễn Đình Nghi và Nguyễn Đức Đọc, khi cùng dựng kịch bản Âm mưu và tình yêu, với hai dàn diễn viên chuyên nghiệp và đang là những ngôi sao sân khấu lấp lánh, nhất là đang tỏa sáng trong 3 vai chính của cả hai vở diễn, trên cùng một kịch bản: Minpho - Thanh Tú, Fecdinan - Trần Vân, Louise - Đam Ka (Đoàn kịch Hà Nội); Minpho - Ngọc Hiền, Fecdinan - Ngọc Thuỷ, Louise - Anh Đào (Đoàn kịch Hải Phòng).

Chính nhờ sự thử nghiệm riêng độc đáo mà Anh Đào đã “lên sao” từ vai Louise. Trong khi Louise của Đam Ka Hà Nội mang sắc vóc rất Tây và cách diễn hơi cứng, thì Anh Đào đã diễn vai Louise thật mềm mại trong sự thanh khiết và mãnh liệt để bảo vệ tình yêu với Fecdinan.

Ngay giờ phút đầu, khi tấm màn nhung vừa mở, nhân vật Louise của Anh Đào đã bất ngờ băng ra sân khấu, tạo dáng thanh mảnh, mong manh trong màu váy áo trắng tinh khôi, như “một tia nắng đầu buổi bình minh” (lời kịch Schiller). Nếu chủ đề vở kịch được thiết kế trên sự tương phản gay gắt giữa hai thái cực đen - trắng, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự trinh bạch ngây thơ và mưu toan đen tối, hiểm độc, thì Anh Đào đã quyết dựng nhân vật của mình tràn ngập ánh sáng, thuần khiết, ngây thơ, trinh bạch, tạo sự tương phản khốc liệt với vai của Ngọc Hiền. Chỉ tiếc rằng, sự tương phản này, có lẽ, chỉ khốc liệt khi đương đầu với Minpho của Thanh Tú chứ không phải Minpho của Ngọc Hiền. Thế mới thấy, vai kịch diễn ra đúng với tín niệm riêng về thử nghiệm của Anh Đào lại không tương ứng với vai kịch Minpho của Ngọc Hiền trong phong cách đạọ diễn của Nguyễn Đức Đọc, mà lại tương ứng với vai Mipho của Thanh Tú trong phong cách ước lệ của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, trên cùng kịch bản Âm mưu và tình yêu của Schiller.

Song, tôi thiển nghĩ, diễn như Anh Đào, khi phú cho nhân vật Louise một vẻ đẹp mong manh dễ vỡ, ngay từ đầu vở Âm mưu và tình yêu đã khiến người xem kịch phải lo sợ phấp phỏng suốt vở diễn cho đến khi được thở phào nhẹ nhõm bởi kết thúc có hậu. Louise trong sáng và từ tâm của Anh Đào đã thuyết phục Minpho - Ngọc Hiền buông bỏ âm mưu và thù hận, rũ bỏ triều đình nước Đức và ngôi vị bà hoàng, bằng lòng ra đi để làm lại cuộc đời…

Sân khấu “tươi sống”, sân khấu “đóng hộp” - Anh 3

Các buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm chúc mừng, động viên các nghệ sĩ

Bí quyết để sân khấu Hải Phòng sáng đèn hằng đêm

Băng qua vài thập kỷ, sân khấu Hải Phòng đã cùng sáng đèn hằng đêm cho các loại hình và thể loại sân khấu, từ Chèo, đến Rối, Cải lương và nhất là sân khấu Kịch... Trong đó, nổi tiếng nhất là Đoàn kịch Hải Phòng. Khi các tỉnh, thành khác đã phải sáp nhập các đoàn độc lập vào trung tâm nghệ thuật chung, thì riêng ở Hải Phòng, các đoàn Chèo, đoàn Múa rối, đoàn Cải lương, đoàn Kịch… vẫn giữ nguyên sự độc lập của hoạt động nghệ thuật đặc thù.

Năm 2022 vừa qua là năm thứ 3 của Chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng, với trung bình mỗi tháng từ 1 - 2 vở Chèo, Cải lương, Kịch nói, Rối hoặc chương trình về các nghệ sĩ nổi tiếng như Văn Cao - Hải Phòng… đã được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu của Đài Truyền hình Hải Phòng, cho công chúng ở nhà ngồi xem qua màn ảnh nhỏ, thật là mãn nhãn. Đây là sáng kiến dùng sóng truyền hình để “giải cứu” sân khấu khi không thể diễn “tươi sống” ở rạp hát, nhà hát hằng đêm, như thời hoàng kim của thế kỷ trước.

Sân khấu Hải Phòng đã và đang là nơi duy nhất trong 63 tỉnh, thành cả nước vẫn sáng tạo được những vở diễn sân khấu, thông qua Đài truyền hình địa phương, như một thứ “đồ hộp” ngon lành cho công chúng “ăn đỡ khi đói lòng”, nhất là trong thời gian 2 năm dịch bệnh căng thẳng, “lốc đao”…

Sân khấu truyền hình Hải Phòng thực sự đã tìm ra một giải pháp hữu hiệu để cứu sân khấu trong lúc “trái gió giở giời” của thời Covid và sự khủng hoảng khán giả đã kéo dài ngay cả trước dịch bệnh.

Chỉ nguyên thắng lợi của 3 vở Hải Phòng tham dự các cuộc liên hoan tầm quốc gia và quốc tế gần đây: LH Sân khấu Chèo toàn quốc 2022 (vở Vang bóng một thời của đoàn Chèo Hải Phòng, đoạt HCV); Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc 2022 (vở Đất liền và biển cả của đoàn Cải lương Hải Phòng, đoạt giải Xuất sắc); Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần 5 (vở Đến bờ bên kia của đoàn Kịch Hải Phòng, đoạt HCV) đã minh chứng được nhận định đó.

Tất cả những thành công về sân khấu của Hải Phòng, chỉ riêng trong năm 2022, cũng đã chứng minh rằng, cả hai giải pháp: Tổ chức sân khấu “đóng hộp” bằng vở diễn trên sóng truyền hình và sự tràn ra của các vở diễn “tươi sống”, tham gia các kỳ Liên hoan quan trọng, để từ đó, lấy lại được khán giả, trước hết cho TP cửa biển Hải Phòng đang phát triển sôi động, và sau đó là góp phần lớn trong việc lấy lại khán giả của màn ảnh nhỏ cả nước đều đã mang lại hiệu quả.

Không thể không nói đến vai trò tổ chức song song cả hai loại sân khấu này cho Hải Phòng của đạo diễn, TS Trần Thị Hoàng Mai với cương vị Phó Giám đốc, và gần 2 năm nay là Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng.

Có thể đây sẽ là giải pháp chiến lược mang tính hiệu quả cho sự phát triển sân khấu Hải Phòng, ít nhất là trong thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI.

Hy vọng “sân khấu tươi sống” ở Hải Phòng sẽ áp đảo sân khấu “đóng hộp” để làm sống động trở lại mạch đập kịch trường “tươi sống” của cả nước. Cùng với sự trở lại thưởng thức cũng “tươi sống” của người xem, khi được đích thân đến rạp hát và nhà hát hằng đêm để thưởng thức tận mắt, nghe tận tai những đối thoại sâu sắc của những vở diễn hay…

Hy vọng lắm thay!

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Ý kiến bạn đọc