Sân khấu thử nghiệm : Cạn kiệt kịch bản, đạo diễn vẫn thăng hoa
VHO- Năm 2022, nghệ thuật biểu diễn khép lại với rất nhiều cuộc Liên hoan sân khấu ở nhiều loại hình, đáng chú ý hơn cả là Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 5 (SKTNQT5), khép lại một mùa diễn, chu kỳ 3 năm một lần. Do dịch Covid vẫn chưa dứt trên toàn cầu và khó khăn về kinh tế ngày càng gay gắt, nên dù đã có vài chục vở diễn nước ngoài đã đăng ký tham dự, nhưng khi chính thức diễn ra Liên hoan, chỉ có 4 vở diễn nước ngoài hiện diện.
“Bản tình ca trên núi” do đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng được trao HCV của Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 5
Trong khi đó, nước đăng cai là Việt Nam chúng ta đã góp đến 15 vở diễn. Điều này cho thấy, sân khấu Việt hiện đại đã gắng gượng trở dậy với hứng khởi mới sau đại dịch, trên tinh thần “sống chung với lũ”, và đặc biệt nhất là sự gắng gỏi lấy lại người xem bằng thử nghiệm sự cách tân sân khấu, giải cứu tình trạng “khủng hoảng khán giả” vốn đã diễn ra từ trước đại dịch cho đến tận hôm nay.
Định vị hai chữ “thử nghiệm”
Đúng như cái tên, mang chỉ dấu về tiêu chí Liên hoan, là sự thử nghiệm cái mới, về mọi phương diện của vở diễn sân khấu, từ kịch bản văn học, đến ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn, ngôn ngữ biểu diễn của diễn viên, ngôn ngữ thiết kế mỹ thuật, cùng ngôn ngữ yểm trợ như âm nhạc, phục trang, hóa trang, âm thanh, ánh sáng… Song, nổi bật nhất và cũng là quyết định nhất về sự thử nghiệm vẫn nằm trong một ngôn ngữ bao trùm, chi phối toàn bộ vở diễn, đó là ngôn ngữ đạo diễn - tác giả duy nhất của vở diễn.
Xét từ ngôn ngữ đạo diễn - tác giả của vở diễn, thì 4 HCV là giải thưởng cao nhất, đã được trao cho 4 vở của Liên hoan, đó là: Bản tình ca trên núi của Nhà hát Múa rối Việt Nam (đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng); Người trong cõi nhớ của Nhà hát Kịch Việt Nam (đạo diễn NSƯT Trịnh Mai Nguyên); Thượng Thiên Thánh Mẫu của Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN (đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên - NSND Tống Toàn Thắng) và Đến bờ bên kia của Đoàn Kịch Hải phòng (đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai).
Với quan sát và đánh giá của riêng người viết, cùng tham gia điều hành đến 5 cuộc hội thảo của Liên hoan (mỗi khi xem xong 3 vở, trong 19 vở tham dự), ngoài 4 vở được giám khảo tặng giải Vàng, tôi muốn bổ sung 2 vở sáng giá, đích thực là vở diễn của đạo diễn, đó là Hedda Gabler của Nhà hát Tuổi Trẻ, do đạo diễn người Nhật Sughiyama Tsuyoshi dàn dựng; và một vở nữa, rất ấn tượng về sử dụng phép ước lệ của sân khấu chèo, tuồng truyền thống Việt Nam, để dựng kịch kinh điển thế giới là Antigone của đạo diễn Trần Lực, dàn dựng cho đoàn kịch mang tên mình: LucTeam.
Những thử nghiệm sáng giá của sân khấu Việt hiện đại giai đoạn này chính là ở ngôn ngữ đạo diễn, đáng được ghi nhận qua một cuộc Liên hoan mang tính đặc thù như Sân khấu thử nghiệm lần này. Kịch kinh điển Hedda Gabler của H. Ibsen, hàng trăm năm nay, luôn là thách đố với ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn, và theo đó là ngôn ngữ sắm vai kịch của diễn viên trên sân khấu toàn cầu. Sân khấu Việt đã từng dựng kịch bản này, nhưng chỉ đến khi vào tay của đạo diễn người Nhật Sughi, dựng cho dàn nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi mới thấy thực sự ấn tượng. Thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Doãn Bằng đã cộng hưởng với ý đồ đạo diễn của Sughi, tạo lập một không gian tối giản cho sáng tạo diễn xuất, nhất là nhân vật chính, do cả hai nữ diễn viên, thuộc 2 ê kíp cùng sắm vai Hedda (Thu Trang, Hương Thủy). Thu Trang đã diễn nhân vật Hedda một cách tự do và thăng hoa nhất, trong sự thoải mái tung hứng với các nhân vật đàn ông dính dáng yêu đương với Hedda: Từ chàng người yêu cũ, đến người chồng hiện tại, rồi chàng thẩm phán đều “cạnh tranh” yêu nàng…
Vở “Hedda Gabler” mặc dù nhận giải Bạc nhưng vẫn được đánh giá cao bởi đồng nghiệp sân khấu như các giải Vàng
Sân khấu được thiết kế như một lát cắt nghiêng của phiến gỗ thời gian, với rất ít đạo cụ điểm tựa, chỉ có hai chiếc ghế và cây đàn piano… Tùy theo cách diễn của diễn viên, đã “ước lệ” thành phòng khách, phòng ngủ, hoặc chính là nơi Hedda ngồi trên cái ghế tết dây thừng và bắn vào thái dương tự kết liễu cuộc đời mình. Không gian sân khấu ấy của Doãn Bằng đạt đến đồng thuận, bởi chính thẩm mỹ tối giản này đã kích hoạt diễn viên phải điều độ, tính toán rất chi tiết và kỹ lưỡng các động tác hình thể, và lời kịch phải được xử lý đến đáy đa nghĩa, trong đối thoại nhiều hàm ý của Ibsen, nhằm đạt tới chiều sâu của tiềm đài từ… Và tiết tấu vở kịch cũng phải được đẩy nhanh về phía cuối, để đạt được hiệu quả bi kịch. Tuy còn vài vết xước nhỏ trong xử lý đài từ, nhưng xử lý về hình thể nhân vật đã thật nhuần nhuyễn, dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Tuổi Trẻ đã thành công vượt bậc trong vở diễn này.
Cũng thật đáng tiếc, khi không có vở nào từ 4 vở nước ngoài đạt được cái mới quan trọng này, về sự thử nghiệm ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn.
Vụt sáng nhất trong thử nghiệm ngôn ngữ đạo diễn trong Liên hoan, phải kể đến NSND Nguyễn Tiến Dũng, đã đạo diễn 3 vở: Bản tình ca trên núi của Nhà hát Múa rối Việt Nam, Hoa khôi dạy chồng của Nhà hát Kịch Quân đội (kết hợp với Hồ Ngọc Hà) và vở rối Lời thề của Đoàn nghệ thuật Múa rối Hải Phòng.
Giải Đạo diễn xuất sắc duy nhất của Liên hoan cũng thuộc về đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng. Cách đây 3 năm, trong SKTNQT4, vở Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam đoạt giải Vàng và NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng đoạt giải Vàng duy nhất về đạo diễn. Sự có mặt rất đáng giá này của NSND Nguyễn Tiến Dũng đã chứng minh vai trò “giải cứu” của thế hệ đạo diễn mới đối với cuộc khủng hoảng khán giả đã kéo dài, nhất là sau cơn đại dịch Covid toàn cầu.
Trong Liên hoan SKTNQT5, ngoài đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng với thành tựu trội vượt, thì 1 HCV và 2 HCB cho 3 đơn vị sân khấu cũng chứng tỏ rằng, một thế hệ đạo diễn mới đã lộ diện. Đó là những gương mặt trẻ và mới nổi, thuộc thể loại kịch: NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Trịnh Mai Nguyên (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSND Nguyễn Trung Hiếu, Phùng Tiến Minh (Nhà hát Kịch Hà Nội), NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Chí Trung (Nhà hát Tuổi Trẻ), NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai (Trường ĐH SKĐA Hà Nội)...
Vượt khó để giải bài toán khủng hoảng về kịch bản
Trong 4 vở giải Vàng, chỉ có duy nhất một kịch bản được viết mới, đó là Thượng Thiên Thánh Mẫu của tác giả Lê Thế Song và Xuân Hồng; còn lại là kịch bản được viết lại, biên tập mới, hoặc đã được viết từ trước của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp và Đặng Lợi. Kịch bản của các vở được giải Bạc cũng không ra khỏi tình trạng này, khi 5 vở Bạc chỉ duy nhất Lời thề được hai tác giả Nguyễn Hiếu và Lê Chức viết mới. Từ hiện trạng kịch bản đã hầu như trở nên thưa vắng và cạn kiệt, có thể thấy rằng, việc tìm kiếm những kịch bản viết hay, thích hợp với sự thử nghiệm phải tiến hành đầu tiên trong chuỗi trình làm mới sự dàn dựng.
Và điều này đã là một hiện thực, khiến cho tất cả những người làm sân khấu Việt hôm nay phải nghĩ mưu và tính kế để thoát khỏi tình trạng hạn hán kịch bản hay, nhất là nội dung về cuộc đối đầu với đại dịch Covid, vẫn đang là một bi kịch lớn của nhân loại. Làm sao để các vở diễn phải thăng hoa được những bi kịch cuộc đời, như bi kịch về đại dịch Covid, bi kịch về sự tham nhũng, bi kịch về sự đổ vỡ lòng tin, sự yêu thương, sự tàn nhẫn của con người với môi trường tự nhiên… và nhiều sự thể mang tính thảm họa khác. Tất cả những sự kiện này nếu được đổ vào kịch bản sân khấu, với phương tiện cốt lõi là đối thoại thì sẽ tốt đẹp biết bao, khi cả thế giới hôm nay đã và đang phải tìm kiếm cách đối thoại để làm lành những thương đau.
Từ một Liên hoan SKTNQT vừa được tổ chức thành công ở Việt Nam, buộc phải liên hệ đến bi kịch của chính sự phát triển sân khấu Việt và sân khấu toàn cầu hôm nay, phải chăng là điều đáng nghĩ suy, đáng viết, và nhất là đáng đối thoại như bản chất đối thoại của bất cứ nền sân khấu nào trên trái đất này - cái trái đất đẹp như một “quả bóng xanh bay giữa trời xanh”, đẹp và buồn ngay cả khi được thi sĩ Xuân Diệu ví nó như “giọt lệ giữa không trung”.
Hy vọng đối thoại kịch, được thăng hoa trong sân khấu Việt, trước hết sẽ giúp cho người Việt đối thoại được với chính mình, và từ đó đối thoại với thế giới.
Tại sao không?
PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI