Sân khấu Kịch Lệ Ngọc khởi công dựng hai tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử
VHO-Ngày 6.4, Sân khấu Kịch Lệ Ngọc đã tổ chức khởi công dàn dựng hai vở diễn mới: Lá đơn thứ 72 và Truyền tích Chùa Một Cột. Đây là những tác phẩm sân khấu tiếp tục khai thác đề tài lịch sử - một trong những hướng đi chủ đạo của Sân khấu Kịch Lệ Ngọc.
Các thành phần sáng tạo vở trao đổi về thông tin dàn dựng hai tác phẩm
Vở Lá đơn thứ 72 được dàn dựng theo kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du, với sự tham gia dàn dựng của NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, người từng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, làm đạo diễn và NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đảm nhận thiết kế sân khấu.
Tác giả Hoàng Thanh Du cho biết, kịch bản Lá đơn thứ 72 khai thác câu chuyện có thật về một vụ án oan sai, được Bác Hồ yêu cầu điều tra lại. Chuyện kịch kể về câu chuyện một đảng viên, nguyên là cán bộ địa phương bị lĩnh án 8 năm tù vì tội giết người. Ông liên tục viết thư gửi Bác Hồ kêu oan. Sau 72 lá thư liên tiếp, lời cầu cứu của ông mới đến được với Bác. Có một điều đặc biệt ở người viết các lá thư này khiến Bác rất chú ý, đó là ông luôn chấp hành rất tốt các quy định của trại giam và năm nào cũng thiết tha dành số tiền ít ỏi mà bản thân có được để đóng Đảng phí, dù lãnh đạo trại giam không tiếp nhận. Bác cho rằng một đảng viên còn niềm tin mãnh liệt vào Đảng như thế, rất có thể anh ta bị oan thật, nên đã yêu cầu điều tra lại…
Trao đổi về vở diễn, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, đây là một trong những kịch bản hay của sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, làm sao để chuyển tải được Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh lên sân khấu là thách thức lớn với ê kíp sáng tạo.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức sân khấu, phối hợp âm thanh, ánh sáng, diễn xuất của diễn viên, ngôn ngữ của hoạ sĩ để tác phẩm này có ngôn ngữ của thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Hy vọng, vở diễn cũng sẽ là tác phẩm sân khấu đặc biệt chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NSND Lê Tiến Thọ cho hay.
Nói về vở diễn này, NSND Vương Duy Biên cho biết, khi đọc kịch bản, ông hình dung không gian sân khấu thể hiện Hà Nội mấy chục năm trước rất thanh bình. Ở đó có không gian nhà sàn trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – ngôi nhà sàn đơn sơ gắn với hình tượng Bác Hồ. Trên sân khấu còn có các cảnh về những chuyến đi vi hành của Bác. Bản thân NSND Vương Duy Biên đã tìm hiểu khá nhiều tư liệu về các chuyến đi nắm bắt tình hình, quan sát đời sống của người dân của Người và rất xúc động. Vì vậy, ông sẽ cố gắng thể hiện vào trong trang trí sân khấu để làm sao toát lên được hình ảnh Bác – Người lãnh tụ vĩ đại nhưng thật gần gũi, bình dị.
Ê kíp sáng tạo và các nghệ sĩ cùng các đại biểu tại Lễ khởi công dàn dựng
Song song với dàn dựng vở kịch Lá đơn thứ 72, Sân khấu Kịch Lệ Ngọc cũng khởi dựng vở Truyền tích Chùa Một Cột. Khai thác về di sản văn hoá, kiến trúc độc đáo của Việt Nam có từ thời Lý, vở diễn được NSƯT Lê Nguyên Đạt đạo diễn, kịch bản của Lê Thế Song – một trong những tác giả có nhiều tác phẩm được chọn dàn dựng biểu diễn nhiều trong vài năm trở lại đây. Truyền tích Chùa Một Cột là vở diễn dã sử, mang tính huyền tích nhưng thông qua tác phẩm, ê kíp sáng tạo mong muốn thế hệ trẻ hôm nay trân trọng, yêu quý hơn di sản độc đáo này. Thông qua truyền tích về sự ra đời của Chùa Một Cột, vở diễn tái hiện giai đoạn bách niên thịnh trị của đất nước ta dưới thời Lý. Từ đó, làm nổi bật hình tượng vua Lý Thái Tông - vị vua thứ hai của triều Lý với quan điểm trị nước chăn dân phải lấy nhân tâm làm trọng, cũng là người có nhiều công lao dẹp yên nội loạn với những bài học cảnh giác về tinh thần giữ nước, chống giặc ngoại xâm.Vở diễn đồng thời cũng mang đến hiểu biết đầy đủ hơn cùng niềm tự hào về Chùa Một Cột - biểu tượng độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công đã đánh giá cao những nỗ lực trong hoạt động của Sân khấu Kịch Lệ Ngọc
Là một đạo diễn của sân khấu TP.HCM được mời ra dàn dựng một vở đề tài về Hà Nội, NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ, ông vô cùng tâm đắc với kịch bản của tác giả Lê Thế Song bởi vở diễn gửi gắm nhiều thông điệp về đạo làm vua, làm người và đặc biệt là thông điệp về sức mạnh của tình đoàn kết, yêu thương để đánh đuổi thù trong, giặc ngoài đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Yếu tố văn hoá tâm linh về nguồn gốc ra đời của Chùa Một Cột theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ và câu chuyện nhà vua Lý Thái Tông mơ thấy được Phật Bà Quan Âm ngồi trên toà sen dắt vua lên toà cũng sẽ được tác giả và đạo diễn tạo điểm nhấn, hấp dẫn cho vở kịch.
Theo dự kiến, vở kịch Lá đơn thứ 72 sẽ được dàn dựng và hoàn thành trước dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19.5), vở kịch Truyền thuyết Chùa Một Cột sẽ được dàn dựng trong 2 tháng.
ĐÀO ANH