Sân khấu hồi sinh với nhịp sống mới
VHO- Bắt nhịp từ Tết Nguyên đán và đến nay, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại TP.HCM đang trên đà trở lại vô cùng mãnh liệt. Show diễn nào cũng đầy ắp khán giả, sân khấu sáng đèn liên tục khiến giới nghệ thuật hào hứng và càng khao khát được cống hiến, được làm nghề…
Vở kịch xiếc “Ba Tư huyền bí” đang biểu diễn thường xuyên tại công viên Gia Định đến ngày 13.2
Xiếc, rối thiếu nhi làm mãn nhãn khán giả nhí
Khi thực đơn giải trí dành cho thiếu nhi trong thời gian dịch bệnh chỉ gói gọn trên “màn ảnh nhỏ” thì mùa Tết này, các em đã được trải nghiệm trực tiếp loại hình nghệ thuật truyền thống xiếc rối. Trong đó, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam gần như chiếm lĩnh thị trường sân khấu dành cho khán giả nhí. Vở kịch xiếc đặc sắc Ba Tư huyền bí của Nhà hát đã biểu diễn liên tục tại công viên Gia Định từ Mùng 1 Tết đến nay, được khán giả đón nhận nồng nhiệt với mỗi suất diễn có từ 400-500 khách, ngày diễn 2 suất. Đại diện Nhà hát cho biết, sẽ tiếp tục duy trì lịch diễn Ba Tư huyền bí đến hết ngày 13 tháng Giêng (mỗi ngày 1 suất vào 19h). Bên cạnh đó, vở múa rối nước Cá chép hóa rồng và các trò rối cổ cũng được tổ chức bên trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chào đón hàng trăm khán giả mỗi ngày, đã mang lại không khí thật sự rộn ràng trong những ngày qua. Cá chép hóa rồng và các trò rối cổ cũng sẽ biểu diễn đến ngày 13.2, mỗi ngày 1 suất, riêng thứ Bảy và Chủ nhật là 2 suất/ngày.
Điểm mới của sân khấu này trong mùa Tết năm nay là việc đưa vào hoạt động khu trải nghiệm xiếc rối, đã tạo thêm không gian giải trí bổ ích dành cho thiếu nhi. Được biết, khuôn viên khu trải nghiệm được cải tạo từ bãi đất trống trước rạp xiếc tại công viên Gia Định. Các em nhỏ ngoài việc được xem nghệ sĩ biểu diễn, còn được học một số kỹ năng xiếc, rối cơ bản như: Múa rối tay, điều khiển rối nước, giữ thăng bằng đĩa trên đũa… Hiện có 9 trò chơi để các em có thể trải nghiệm, với thời gian kéo dài khoảng 45 phút. Mỗi khu vực sẽ có một nghệ sĩ đảm nhận để hướng dẫn các em. Ngoài ra, các em còn được chơi một số trò chơi dân gian. Trong thời gian đầu hoạt động, khu trải nghiệm thu hút 50-70 thiếu nhi mỗi suất.
Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chia sẻ: “Tín hiệu khá tốt trong những suất diễn vừa qua đã thật sự làm cho các diễn viên thấy ấm lòng sau thời gian dài ngưng diễn vì dịch Covid-19. Nhịp sống mới này cho thấy thị trường nghệ thuật giải trí đang hồi sinh từng ngày. Trong thời gian tới, Nhà hát sẽ thiết kế các show học đường để tìm đến trường học phục vụ các bạn nhỏ”. Theo ông Sơn, để có thể duy trì sân khấu truyền thống, việc hình thành thế hệ khán giả trẻ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc xem múa rối, trẻ con còn rất thích được tìm hiểu, thực hành. Nắm bắt tâm lý đó, mô hình trải nghiệm xiếc rối ra đời. “Chúng tôi vẫn đang thăm dò thị hiếu khán giả nhí cũng như phụ huynh, từ đó sẽ cải tiến thêm cho phù hợp, với mong muốn hình thành thêm không gian giải trí bổ ích cho thiếu nhi”, đạo diễn Nguyễn Phi Sơn bày tỏ.
Xiếc tre “À Ố Show” sẽ trở lại từ ngày 9-11.2
Nhà hát “full” ghế
Trong hai ngày 8 - 9.2, Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long trở lại với vở Mạnh Lệ Quân kỳ án tại Sân khấu Trịnh Kim Chi (Quận 6). Mặc dù không diễn ngay Tết và cũng không phải là cuối tuần nhưng cả hai đêm diễn đều “cháy” vé từ rất sớm. Vở có sự tham gia của NSƯT Vũ Linh sau thời gian dài rời xa ánh đèn sân khấu. Ngoài ra, Mạnh Lệ Quân kỳ án còn có sự góp mặt của NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Thoại Mỹ, Bình Tinh, Thái Vinh, Hoàng Đăng Khoa và nhiều nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ Bình Tinh bày tỏ niềm vui và xúc động cho biết, cô vô cùng hạnh phúc khi được khán giả thương, ủng hộ cho vở diễn, đồng thời hứa sẽ “cháy” hết mình để không phụ lòng yêu thương của công chúng. Ê kíp cũng cho biết dự kiến đoàn sẽ tăng cường thêm 1 suất để đáp lại sự yêu mến của khán giả mộ điệu.
Đầu tháng 1 vừa qua, chương trình nghệ thuật À Ố Show có ba suất diễn mở màn ấn tượng chào năm mới tại Nhà hát TP.HCM sau thời gian dài ngưng diễn vì dịch Covid-19. Tiếp nối thành công này, ba suất tiếp theo vào ngày 9 - 11.2 cũng đã lấp đầy Nhà hát. Đạo diễn - nhà sáng tạo Tuấn Lê chia sẻ: “Trước thời điểm dịch Covid-19, À Ố Show được biết đến với những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, còn khi biểu diễn trong nước, khán phòng của Nhà hát Thành phố chủ yếu là khán giả quốc tế… Bắt đầu đợt dịch, lúc này đã rất ít du khách nước ngoài rồi, nhưng khán phòng vẫn đông, các suất diễn đều “full” ghế. Điều thú vị là hầu hết khán giả là người Việt Nam, điều đó khiến chúng tôi rất hạnh phúc khi biết nhu cầu thưởng thức nghệ thuật - giải trí của người Việt rất lớn. Đặc biệt, khi quan sát, tôi nhận thấy cách phản ứng của khán giả Việt rất thoải mái, họ như được cuốn vào chương trình biểu diễn và xem rất nghiêm túc. Nếu như ngày xưa, gần cuối vở thì người Việt mình thường ra trước để tranh thủ lấy xe chẳng hạn, còn bây giờ họ ngồi đến phút cuối cùng, khi đèn sáng mới đứng lên, đây là những dấu hiệu cho thấy nếu chương trình nghệ thuật đầu tư nghiêm túc, hấp dẫn thì không lo chuyện thiếu khán giả”.
Ngay sau Tết Nguyên đán, lịch sáng đèn của hầu hết các nhà hát, sân khấu đã được ấn định đến hết tháng 2. Theo đó, Sân khấu Kịch Idecaf trở lại với 4 vở Cậu đồng, Tía ơi má dìa, Ngũ quý kỳ phùng và Mưu Bà Tú vào các ngày 10 - 13.2, sau đó, Idecaf sẽ trở lại vào các đêm từ 17 - 20.2. Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng công bố lịch diễn các ngày tiếp theo trong tháng 2 với sự trở lại của các vở Bao giờ sông cạn, 29 anh về, Bạch Hải Đường, Chờ thêm chút nữa vào các ngày 11 - 13.2 cùng những ngày cuối tuần trong tháng 2. Đây có thể nói là sân khấu biểu diễn nhiều vở nhất trong lần sáng đèn trở lại này.
Sân khấu Sen Việt có hai suất diễn vào đêm 12 và 14.2 (LễTình nhân) với vở Chuyện nhàÔng Hổ(tên trước đó là Mảnh vỡ). Vở cósựtham gia của NSƯT Hữu Quốc, Bình Tinh, Thái Kim Tùng, Hồng Thắm, Ngọc Vàng, Thu Cúc, Lan Anh… Sân khấu Thế giới Trẻ sẽ tiếp tục với loạt vở diễn ăn khách trước đây, như: Bật công tắc là yêu, Xóm nghèo bá đạo, Hồn ma cô đào hát và Ngược gió, liên tục từ ngày 8 - 13.2. Sau đó, các vở sẽ biểu diễn vào cuối tuần trong tháng 2.
THÙY TRANG