Sân khấu cải lương nhộn nhịp "vào mùa"
VHO- Sau khoảng thời gian dài tắt đèn, đóng cửa vì dịch bệnh, các sân khấu cải lương xã hội hóa TP.HCM đang hào hứng trở lại phục vụ khán giả. Tín hiệu đáng mừng là hầu hết các suất diễn đều kín chỗ và liên tục “cháy vé”…
Ê kíp sáng tạo vở “San Hà - Xã Tắc” kỳ vọng cải lương sẽ tiếp cận được thêm nhiều khán giả trẻ hơn nữa
Nổ “phát súng” đầu tiên cho sự trở lại là Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long với vở San Hà - Xã Tắc. Mặc dù bị hủy vào dịp Tết, nhưng tất cả khán giả đều giữ lại vé để có thể tới thưởng thức ngay khi được vở diễn ấn định thời gian. Nghệ sĩ Bình Tinh chia sẻ: “Chứng kiến rạp chật kín khán giả và nhiều người chấp nhận ngồi dưới đất, dọc theo lối đi trong khán phòng để được xem cải lương, cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Đây chính là nguồn động lực to lớn để anh em nghệ sĩ cố gắng bám nghề”. Sau thành công của đêm diễn đầu tiên, Bình Tinh cùng ê kíp quyết định tái diễn San Hà - Xã Tắc vào tối 24.4 tại rạp Hồng Liên để tiếp tục phục vụ giới mộ điệu. Đây là vở cải lương của tác giả Bạch Mai (mẹ ruột Bình Tinh), có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thoại Mỹ, Ngân Tuấn, Trọng Nghĩa, Bình Tinh, Hoàng Đăng Khoa, Thái Vinh, Hoài Nhung… Đạo diễn Bạch Mai cho biết: “Tôi dàn dựng San Hà - Xã Tắc để lại cho thế hệ sau của đoàn Huỳnh Long. Lần tái diễn này, tôi tin sẽ tiếp tục làm hài lòng khán giả yêu mến bộ môn tuồng cổ và hy vọng sẽ tiếp cận được thêm nhiều khán giả trẻ hơn nữa”.
Sau Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà cũng sáng đèn suất diễn đầu tiên trong năm 2021 với vở tuồng Tứ tử đậu đăng khoa (tác giả NS Bạch Long, đạo diễn NS Chí Linh) tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Tiếp đó, Sân khấu cải lương Đại Việt cũng sáng đèn vở Nàng Xê Đa (tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương Thể Hà Vân, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ). Còn tại phòng trà WE (TP.HCM), mini show của nghệ sĩ Thanh Hằng đã diễn ra tưng bừng với 250 ghế chật kín khán giả cùng những tràng vỗ tay không ngớt. Nối tiếp, vở tuồng cổ Thủy chiến cũng được diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Điều đáng nói ở đây là bên cạnh những khán giả “ruột” của cải lương, thì có rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến để thưởng thức các vở diễn đặc sắc.
Trong thời điểm cải lương đang gặp quá nhiều khó khăn, thiếu thốn từ cơ sở vật chất, kịch bản cho đến diễn viên thì những suất diễn được đông đảo khán giả ủng hộ chính là động lực để bộ môn nghệ thuật truyền thống này được “sống” dậy. Nhưng vui đó mà buồn cũng đó, dù vé bán sạch từ trước Tết và không đủ để đáp ứng cho những khán giả có nhu cầu đến xem vở diễn, nhưng sau suất mở màn, nghệ sĩ Bình Tinh đã phải bù lỗ hơn 30 triệu đồng chỉ vì muốn khán giả được “đã mắt, đã tai”. Cô tâm sự, biết chắc sẽ không thể hoàn lại vốn nhưng vẫn thực hiện vở cải lương này để tri ân người hâm mộ. Sau ảnh hưởng của dịch bệnh, đoàn quyết định bán vé với mức giá nhẹ hơn để “tất cả mọi tầng lớp đều được xem và được đến gần với sân khấu cải lương, nhất là các bạn trẻ. Tôi phải đi thuê từng bộ đồ để mang đến những phân cảnh chỉn chu nhất, hoành tráng nhất. Tôi không buồn vì lỗ, thậm chí là vui vì khi đến xem, nhiều khán giả đã nói: “1 triệu đồng một vé cũng đáng”. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc”, Bình Tinh tâm sự.
Gần đây, “ông bầu điên” Lê Nguyên Đạt đã khai trương Hội quán cải lương Sen Việt tại sân khấu 5B Võ Văn Tần để các nghệ sĩ biểu diễn vào đêm thứ Bảy và Chủ nhật. Hội quán hoạt động giống phòng trà là không bán vé mà chỉ tính tiền nước uống với mức giá hợp lý. Điều này sẽ giúp cải lương tiếp cận với công chúng trong một không gian gần gũi, ấm cúng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu kịch bản mới, phải diễn đi diễn lại các vở cũ cũng là một bài toán khó đối với các sân khấu cải lương hiện nay. Chính vì thế, theo ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát sẽ chủ động đặt hàng các tác giả để có nguồn kịch bản mới mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh trăn trở, khát vọng của người dân TP.HCM trong mục tiêu chung tay xây dựng thành phố trở thành thành phố văn minh, văn hóa, hiện đại, nghĩa tình.
Khó khăn là thế, thiếu thốn là thế, nhưng một khi đã yêu và say nghề thì các nghệ sĩ cải lương vẫn luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày để cải lương có được chỗ đứng trong lòng khán giả. Những suất diễn “cháy vé” chính là động lực thúc đẩy họ làm nghề một cách nghiêm túc, cập nhập những cái mới để công chúng dễ đón nhận và cùng chung tay bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
HỒNG HẠNH