Nỗ lực đưa tuồng đến với khán giả trẻ bằng đề tài cách mạng

VHO-Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa ra mắt vở Không còn đường nào khác (Tác giả Văn Sử, đạo diễn phục dựng: NSND Lê Tiến Thọ), cốt truyện dựa theo truyện ký cùng tên của Thiếu tướng Quân đội Trần Văn Phác, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) nói về cuộc đời hoạt động của nữ tướng Nguyễn Thị Định và phong trào Đồng khởi Bến Tre.

Nỗ lực đưa tuồng đến với khán giả trẻ bằng đề tài cách mạng - Anh 1

NSƯT Trần Long thể hiện vai Bác Hồ đã tạo ấn tượng rất đẹp

Không còn đường nào khác của tác giả Văn Sử cũng đã từng được cố đạo diễn Đoàn Anh Thắng  dàn dựng vào tháng 11.1986 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Khi đó việc dàn dựng đề tài hiện đại mới chỉ mang tính thử nghiệm của sân khấu tuồng truyền thống. Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam .

36 năm trôi qua nhưng sự trở lại của Không còn đường nào khác vẫn chiếm được cảm tình của những vị khán giả có mặt trong suất diễn tổng duyệt đầu tiên.  Xây dựng và thể hiện vai diễn về người thật, việc thật đã khó, không chỉ thể hiện lại cuộc đời của nữ tướng Nguyễn Thị Định mà trong vở còn có những cảnh diễn có sự xuất hiện của Bác Hồ gặp gỡ đồng bào miền Nam. Đặc biệt, ở bản diễn trước đây do cố đạo diễn Đoàn Anh Thắng dàn dựng, hình tượng Bác Hồ chưa được xây dựng như một nhân vật chính mà chỉ xuất hiện ở một thời khắc có ý nghĩa quan trọng nhất. Ấy là khi cách mạng miền Nam đang bị Mỹ – Diệm đàn áp vô cùng khốc liệt. Trong giây phút gian nguy cùng cực nhất, đồng chí Nguyễn Thị Định đã nghĩ tới Bác Hồ để mình thêm vững lòng tin vượt qua những khó khăn thử thách. Lần này phục dựng lại NSND Lê Tiến Thọ đã xử lý để nhân vật Bác Hồ  thoại và hát tuồng trong cảnh gặp gỡ đồng bào miền Nam. Theo ông, đây là lần đầu tiên Bác Hồ hát và diễn trên sân khấu tuồng. Sự táo bạo này lại được trao cho một nghệ sĩ rất trẻ nên đạo diễn và nghệ sĩ đã rất vất vả để luyện tập từ giọng nói cho tới phong thái và cử chỉ của Bác Hồ. Xử lý này đã tạo nên một điểm nhấn cho sự thành công của tác phẩm.

 

Nỗ lực đưa tuồng đến với khán giả trẻ bằng đề tài cách mạng - Anh 2

Lần đầu tiên có một nghệ sĩ tuồng hát và diễn vai Bác Hồ  

Đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ đã khai thác triệt để khi phục hồi và nâng cao thêm chất liệu các mảng trò cũng như đưa nhiều xử lý sân khấu hiện đại để làm mới Không còn đường nào khác. Đặc biệt là đạo diễn khai thác chiều sâu tâm lý biểu diễn cho nghệ sĩ thể hiện các nhân vật trong vở. Với những người đã từng xem bản diễn trước đây thì đều đánh giá rất cao bản diễn hiện tại bởi lẽ vở diễn đã được tác giả, đạo diễn và ê kíp dàn dựng mới bồi đắp cho đầy đặn hơn, chỉnh sửa để làm cho ra chất tuồng ở một vở đề tài hiện đại. Đạo diễn đã mở ra nhiều không gian mở trên sân khấu, làm đậm đặc chất tự sự, trữ tình của sân khấu truyền thống nhiều hơn. Có rất nhiều những lớp trò thú vị được đưa vào như lớp bà Ba Định đánh thằng Tức, lớp cắt vết bớt trên mặt, cảnh gia đình ông Hai Lửa bị quân Mỹ Diệm ủi nhà, cảnh cô Chín tắm suối gặp viên tỉnh trưởng dê gái... 

Nỗ lực đưa tuồng đến với khán giả trẻ bằng đề tài cách mạng - Anh 3

Bà Nguyễn Thị Định đã được khắc hoạ thành công trên sân khấu tuồng

Nỗ lực đưa tuồng đến với khán giả trẻ bằng đề tài cách mạng - Anh 4

 Đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ đã đưa nhiều trò diễn làm hấp dẫn hơn cho một vở đề tài cách mạng

Khi xem Không còn đường nào khác những người làm nghề đều ghi nhận sự nỗ lực của ê kip dàn dựng khi đưa tuồng gần hơn với cuộc sống bằng cách chắt lọc những tinh hoa, tinh tế của nghệ thuật truyền thống để tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm. Là một đạo diễn gạo cội của sân khấu tuồng, NSND Lê Tiến Thọ cũng bày tỏ mong muốn các tác giả cũng như các đơn vị nghệ thuật tuồng cần khai thác nhiều hơn các vở diễn đề tài hiện đại không phải chỉ tạo đất cho đạo diễn mà nghệ thuật tuồng có thể diễn những vấn đề nóng mang tính thời sự của hôm nay, chắc chắn sẽ có nhiều khán giả trẻ sẽ đến với tuồng nhiều hơn thay vì cứ diễn mãi đề tài dân gian, lịch sử... Bằng chứng là có rất nhiều bạn trẻ đến xem Không còn đường nào khác và họ đều rất bất ngờ rằng có thể gặp được các nhân vật có thật ở đời sống như Bác Hồ hay đặc biệt là tường tận hơn câu chuyện đầy huyền thoại của nữ tướng Nguyễn Thị Định trên sân khấu tuồng. Trên bình diện sân khấu tuồng truyền thống hiện nay đang lảng tránh mảng đề tài hiện đại, cách mạng thì rõ ràng việc dám dựng và dám diễn đề tài này đã là một sự dũng cảm đối với các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam. 

HIỀN LƯƠNG, Ảnh: KIÊN TRUNG

Ý kiến bạn đọc