Nhiều thế hệ nghệ sĩ múa rối tề tựu về mái nhà chung

VHO- Sáng 12.3, hàng trăm nghệ sĩ của ngành múa rối trên toàn quốc đã về tụ họp tại Nhà hát Múa rối Việt Nam nhân kỉ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra chỉ thị thành lập ngành nghệ thuật múa rối Việt Nam (12.3.1956 – 12.3.2021). Tại đây các nghệ sĩ múa rối đã cũng nhau chia sẻ những kỷ niệm của nghề và vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của loại hình nghệ thuật múa rối ngày hôm nay.

Nhiều thế hệ nghệ sĩ múa rối tề tựu về mái nhà chung - Anh 1

Hàng trăm nghệ sĩ múa rối cả nước đã về dự lễ kỷ niệm

Họa sĩ tạo hình Hữu Xim thuộc Đoàn múa rối Hà Sơn Bình (cũ) ngậm ngùi nhớ về thời kỳ khó khăn khi nghệ thuật hoạt động ở thời điểm bao cấp : “Năm 1976 Đoàn múa rối tỉnh Hà Sơn Bình là một trong 6 đoàn múa rối mạnh của cả nước tham gia Liên hoan nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp và giành giải đặc biệt với vở Hai cây phong do tôi thiết kế tạo hình. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó giải thưởng cho giải đặc biệt được nghệ sĩ Hà Nhân, lúc đó là Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đặc cách trao tặng giải này bằng hiện vật là một chiếc ô tô Hải Âu của Nga  28 chỗ. Thời buổi bao cấp, để mua một chiếc xe đạp cũng là khó khăn vậy mà một đơn vị nghệ thuật địa phương được đặc cách trao giải thưởng bằng ô tô là một việc làm vô cùng táo bạo”.  Nghệ sĩ Bách Bốn cũng bồi hồi nhớ về những năm tháng lưu diễn vô cùng vất vả của Đoàn Múa rối tỉnh Ninh Bình (cũ). Đoàn múa rối Ninh Bình có một phong cách riêng so với các đoàn múa rối khác đó là “rối chèo”, các chương trình biểu diễn của đoàn có sự phối hợp giữa sân khấu rối và chèo đã mang lại sức hấp dẫn rất riêng. “Sau ngày giải phóng, Đoàn múa rối Ninh Bình đã hành quân đi biểu diễn khắp dọc các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam và đi đâu cũng được sự đón nhận của khán giả. Khi ấy, đoàn chúng tôi chỉ có một chiếc xe ô tô của Liên Xô nhỏ chỉ đủ chở đúng 30 con người gồm cả diễn viên, hậu đài, hành chính. Chúng tôi phải chất đạo cụ, các phương tiện âm thanh, ánh sáng lên trên nóc ô tô”, nghệ sĩ Bách Bốn bùi ngùi.

Nhiều thế hệ nghệ sĩ múa rối tề tựu về mái nhà chung - Anh 2

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Nhiều thế hệ nghệ sĩ múa rối tề tựu về mái nhà chung - Anh 3

Các thế hệ nghệ sĩ cùng ôn lại kỷ niệm cũ

Có thể cảm nhận được niềm vui của các thế hệ nghệ sĩ ngành rối Việt Nam tại ngày hội của múa rối trong dịp kỷ niệm lần này. Cũng là một nghệ sĩ biểu diễn nhưng nghệ sĩ Bách Bốn chia sẻ ông và đồng nghiệp vô cùng vui mừng khi chứng kiến thế hệ nghệ sĩ múa rối đang đảm đương tại các nhà hát múa rối chuyên nghiệp ngày hôm nay như nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long.  “Lớp diễn viên trẻ hôm nay họ được trang bị kiến thức nghề nghiệp một cách bài bản. Họ không những biểu diễn được nhiều phong cách và nhiều hình thức sân khấu múa rối mà còn có khả năng diễn xuất, ứng biến rất tài tình. Trước kia múa rối chủ yếu là phục vụ cho khán giả thiếu nhi thì ngày nay với những sáng tạo mang tính bứt phá,  các chương trình biểu diễn những năm gần đây của Nhà hát Múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thu hút được nhiều đối tượng khán giả, trong đó có cả lớp thanh niên và cả lớp người lớn tuổi. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành múa rối Việt Nam”.  Được đào tạo về tạo hình múa rối tại Nga, họa sĩ Hữu Xim nhận định: “Tôi và các thế hệ nghệ sĩ đi trước vô cùng nể phục đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng bởi những phá cách, tìm tòi, nhất là vừa rồi được xem vở Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Rõ ràng thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ hôm nay đã vượt rất xa các bậc cha chú, đàn anh trong làng múa rối Việt Nam”.

Nhiều thế hệ nghệ sĩ múa rối tề tựu về mái nhà chung - Anh 4

Niềm vui của các nghệ sĩ

Đã thành thông lệ cứ vào dịp tháng 3 hằng nằm, các thế hệ những người làm múa rối trên cả nước lại về dưới mái nhà chung là Nhà hát Múa rối Việt Nam để cùng gặp gỡ, chia sẻ những niềm vui, trăn trở với nghề. Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết : “Đa dạng hóa các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ nhiều đối tượng khán giả đến xem múa rối là mục tiêu của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất vẫn là làm sao có thể đưa được sân khấu học đường vào các trường học. Lâu nay, Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn tự mày mò và tiếp cận khán giả thiếu nhi qua hệ thống các trường học cấp 1, cấp 2. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong sẽ có dự án sân khấu học đường và nhiều nguồn lực đầu tư  để có thể có được một sự quảng bá giới thiệu  một cách chiến lược, bài bản hơn.  Hiện nay, với các hợp đồng biểu diễn phục vụ khán giả thiếu nhi thường rất thấp chỉ đủ cho kinh phí đi lại xăng xe và thù lao diễn viên, xác định khán giả thiếu nhi không phải để kiếm doanh thu mà là đối tượng để chúng ta gửi gắm gìn giữ và phát triển nghệ thuật”.

Bền bỉ với tình yêu nghệ thuật, vượt qua mọi khó khăn của cơ chế thị trường, những người làm nghệ thuật múa rối vẫn đoàn kết, gắn bó để cùng gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa rối độc đáo lên một tầm cao mới. Bằng chứng là một loạt những chương trình nghệ thuật múa rối gần đây của  Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chinh phục được không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả và đồng nghiệp múa rối quốc tế cũng vô cùng ngưỡng mộ.

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc