Nghệ thuật biểu diễn: Làm sao để khán giả bỏ tiền mua vé?

VHO- Năm 2020 đã qua nhưng “di chứng” để lại vẫn tác động lớn đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị từ trung ương đến địa phương, nghệ thuật đã có những bứt phá và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…

Nghệ thuật biểu diễn: Làm sao để khán giả bỏ tiền mua vé? - Anh 1

 Cần có những dự án và đề án riêng cho từng loại hình Sân khấu truyền thống

 Tuy nhiên, từ những ý kiến chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2020 vừa qua, chúng ta hiểu rằng, dù bứt phá nhưng trên thực tế ngành nghệ thuật biểu diễn đã và đang tồn tại nhiều cái khó cần được tháo gỡ kịp thời.

Chính sách chưa theo kịp với thực tiễn

Điều khó khăn nhất đối với lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật hiện nay, theo Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN NSƯT Trần Ly Ly, chính là việc không được phép ký hợp đồng chuyên môn với các nghệ sĩ trẻ. “Ai cũng biết câu Thầy già con hát trẻ, vậy không được ký hợp đồng chuyên môn với các nghệ sĩ trẻ thì chúng tôi sẽ làm việc với ai đây?”. Bên cạnh đó, NSƯT Trần Ly Ly còn cho biết, số tiền đầu tư xây dựng cho một tác phẩm nghệ thuật được Bộ VHTTDL đặt hàng là tầm 2 tỉ đồng, một con số quá ít ỏi so với các show diễn ca nhạc thị trường.

Với các nhà hát nghệ thuật truyền thống thì bài toán thực hiện xã hội hóa cũng vô cùng gian nan. Một vở tuồng, chèo hay cải lương dẫu có được giải thưởng cao, được giới chuyên môn đánh giá tốt, nhưng để khán giả bỏ tiền ra mua vé lại là điều “bất khả thi”. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN cho biết, trong năm 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các nhà hát trực thuộc Bộ đã được tham gia chương trình tái khởi động nghệ thuật sau dịch bệnh, rất nhiều tác phẩm chất lượng cao đã được biểu diễn tại các sân khấu lớn của Thủ đô. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời này, chắc chắn cán bộ, nghệ sĩ của các nhà hát sẽ còn lao đao khi mà hàng loạt các hợp đồng bị hủy bỏ, mọi hoạt động tổ chức biểu diễn bị tê liệt và khán giả thì chưa thực sự sẵn sàng có tư tưởng trở lại rạp hát.

Còn với các Sở VHTTDL địa phương, điều lo lắng nhất hiện nay là việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào mô hình trung tâm nghệ thuật hoặc trung tâm VHTTDL. Các trung tâm văn hóa chủ yếu phục vụ tuyên truyền mang tính quần chúng nên việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào sẽ dẫn tới hiện tượng nghiệp dư hóa. Đại diện Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết, có những nơi sau khi sáp nhập, người làm nghệ thuật chuyên nghiệp được trả lương “cào bằng” với người làm phong trào quần chúng; chế độ bồi dưỡng, tập luyện và thù lao cho nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống cũng không còn được ưu tiên nữa…

NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ trăn trở, Quyết định 14/2015/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã quá lạc hậu so với cuộc sống hiện tại. Nếu cứ áp dụng theo ba-rem này thì nghệ sĩ khó có thể sống được bằng nghề.

Nghệ thuật biểu diễn: Làm sao để khán giả bỏ tiền mua vé? - Anh 2

 Vở “Cây gậy thần”, tác phẩm thử nghiệm kết hợp thành công giữa cải lương và xiếc của hai đơn vị Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN

Muốn “giải vây” cần có những giải pháp căn cơ

Theo NSND Triệu Trung Kiên, khối nghệ thuật truyền thống đang rất cần những giải pháp chiến lược mang tính căn cơ. Ví dụ như “phương thuốc” hữu hiệu nhất hiện nay đối với tuồng, chèo, cải lương... là những dự án, đề án thật cụ thể đối với từng loại hình. Ngay như Dự án sân khấu học đường, nếu chỉ giới thiệu ở sân trường thì sẽ khó có thể giúp cho lớp trẻ hiểu một cách tường tận những giá trị đích thực của nghệ thuật dân tộc. Cần phải đưa các em tới nhà hát, nơi “thánh đường của nghệ thuật” để các em được thưởng thức một cách trọn vẹn, đầy đủ với mọi điều kiện về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và sân khấu. Nếu không làm một cách bài bản để giới trẻ có thể thấy được cái hay, cái đẹp thực sự của nghệ thuật truyền thống thì họ sẽ không bao giờ lưu tâm, nói gì mua vé đến nhà hát xem biểu diễn. Mặt khác, việc kết hợp giữa du lịch với ngành nghệ thuật biểu diễn đã được đưa ra, nhưng những cái “bắt tay” vẫn vô cùng lỏng lẻo. Đã tới lúc tất cả phải chung tay để sản xuất ra những tác phẩm mang tính đỉnh cao, quy tụ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc để giới thiệu vào các tour du lịch, thay vì việc giới thiệu đơn lẻ từng loại hình như hiện nay.

Một số ý kiến khác thì thấy cần có những hội đồng nghệ thuật chuyên ngành của từng loại hình, quy tụ những gương mặt sáng giá, am hiểu sâu rộng để có được đánh giá thật sự chính xác, công tâm cho từng tác phẩm hoặc các tiết mục biểu diễn trong các cuộc thi, liên hoan để xác định đâu là “khuôn vàng, thước ngọc” thực sự.

Ở góc độ hội chuyên ngành, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cho rằng, Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn nên đề xuất nâng giá trị giải thưởng tại các cuộc thi và liên hoan để tạo động lực và kích thích sự sáng tạo cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ. Chia sẻ riêng với Văn Hóa, Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng Hoàng Thị Mai cho biết, để động viên các đơn vị nghệ thuật cũng như nghệ sĩ khi tham gia Cuộc thi sáng tác VHNT “Hải Phòng - Khát vọng vươn lên”, lãnh đạo TP Hải Phòng đã mạnh dạn chi thưởng hàng trăm triệu đồng cho cá nhân hoặc một tác phẩm sân khấu. Không những thế, địa phương này còn có những chế độ, chính sách ưu tiên cho nghệ thuật biểu diễn như Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”, tổ chức Hội nghị gặp gỡ tiếp xúc đặt hàng sáng tác với các tác giả sân khấu...

Chủ trì Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2020, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Pháp chế… và các đơn vị liên quan đều thấu hiểu những khó khăn của nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, để tháo gỡ không thể chỉ ngày một, ngày hai. Trước mắt, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Cục sẽ kiến nghị tăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Có cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm khuyến khích thế hệ trẻ theo học để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút các tài năng trẻ tâm huyết để xây dựng và phát triển lực lượng kế thừa trong sáng tác, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; Kiến nghị lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục xem xét có phương án, chính sách hỗ trợ để các đơn vị nghệ thuật trung ương có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ; Đồng thời có văn bản gửi cơ quan quản lý địa phương có kế hoạch, biện pháp hỗ trợ kinh phí nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật công lập trên toàn quốc phục hồi, phát triển hoạt động biểu diễn trong năm 2021, đảm bảo kế hoạch biểu diễn phục vụ nhân dân. 

THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc