Nghệ thuật biểu diễn: Lại đứng ngồi không yên
VHO- Những ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện trong cộng đồng khiến nhiều nhà hát và đơn vị biểu diễn đứng ngồi không yên. Lo lắng cho bao nhiêu công sức có nguy cơ đổ sông đổ bể cũng chưa nặng nề bằng nỗi lo khán giả thất vọng khi nhận những thông báo hoãn, hủy...
Chương trình nghệ thuật “Đêm huyền diệu” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc
Chính vì vậy, mỗi đơn vị nghệ thuật đã phải tự đo liều lượng hiệu ứng từ công chúng để quyết tâm tổ chức biểu diễn theo lịch đã lên, hoặc trực tiếp liên hệ với từng khán giả để báo dừng chương trình.
Vẫn diễn và áp dụng các biện pháp phòng dịch
Theo kế hoạch biểu diễn phục vụ khán giả và hướng về thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân mới Tân Sửu, một số chương trình của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ VHTTDL vẫn diễn ra, đó là: Nhà hát Kịch Việt Nam diễn vở Đêm trắng vào 27.1 tại Nhà hát Lớn, Như thế là tội ác tại Nhà hát Kịch VN, số 1 Tràng Tiền; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc diễn Đêm huyền diệu vào tối 28.1 tại Nhà hát Lớn; Liên đoàn Xiếc Việt Nam diễn Tự hào Việt Nam vào tối 30.1 tại Rạp Xiếc Trung ương; Nhà hát Tuổi Trẻ diễn chương trình Đất nước trọn niềm vui tại Rạp Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm…
Thông báo hoãn chương trình biểu diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam
Các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc những biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đến xem tại Nhà hát Lớn, Rạp Xiếc Trung ương, Rạp Tuổi Trẻ, khán giả được đo thân nhiệt từ xa, nhận khẩu trang miễn phí, rửa tay sát khuẩn… Từ Thái Nguyên về Nhà hát Lớn tại Hà Nội biểu diễn, các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã cống hiến cho khán giả một đêm nghệ thuật đầy ngoạn mục. NSƯT Lê Khánh Toàn, quyền Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Diễn ra đúng thời điểm dịch bùng phát trở lại, lãnh đạo và nghệ sĩ chúng tôi đều vô cùng lo lắng, cân nhắc không biết nên dừng hay đi tiếp. Vé thì đã phát hết, nếu hoãn thì sẽ có không ít khán giả tới xem mà phải về không. Đó là lý do mà chúng tôi vẫn thực hiện theo kế hoạch và cũng để gửi gắm niềm vui, sự phấn khởi của nhân dân khi hướng về Đại hội Đảng với niềm tin yêu”.
Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Vé xem đều đã gửi đi, vì vậy chúng tôi vẫn tổ chức biểu diễn theo kế hoạch và tăng cường các biện pháp phòng dịch. Khán giả sẽ ngồi cách ghế theo từng nhóm gia đình, cách ghế giữa từng khán giả. Bản thân khán giả cũng tự áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh một cách rất có ý thức”.
Tới thưởng thức các đêm nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng của Nhà hát Tuổi Trẻ hay của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, khán giả sẽ cảm nhận được sự công phu của ê kíp làm nghề. Chương trình được dàn dựng quy mô, hoành tráng, thể hiện được niềm tin, tinh thần lạc quan, đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mang tới cho người xem những ấn tượng mạnh mẽ. Chứng kiến khoảnh khắc hai lá cờ búa liềm và cờ Tổ quốc bay lượn trên không trung, phía dưới là hai con rồng cuốn tượng trưng cho hào khí Thăng Long mới thấy cảm phục tâm huyết cũng như công sức lao động nghệ thuật không mệt mỏi của các nghệ sĩ.
Kiểm tra thân nhiệt khán giả vào xem chương trình “Tự hào Việt Nam” tại Rạp Xiếc Trung ương
Nhiều chương trình biểu diễn phải tạm dừng
Tuy nhiên, sau rất nhiều cân nhắc, tính toán, không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có thể “ra quân” ở thời điểm nhạy cảm này. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Chúng tôi rất hiểu tâm lý của nghệ sĩ đều mong đợi cháy hết mình trên sân khấu và cả tâm lý của khán giả khi cầm tấm vé trên tay đều hân hoan muốn đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật. Nhà hát được sáng đèn là điều chúng tôi khao khát nhất lúc này. Tuy nhiên, vì an toàn cho khán giả, nhất là đối tượng xem múa rối phần đông là các cháu thiếu niên, nhi đồng nên Nhà hát đã quyết định hoãn biểu diễn và khán giả cũng rất ủng hộ quyết định này. Đây cũng là trách nhiệm của người nghệ sĩ mong muốn góp phần phòng, chống dịch với cộng đồng. Nghệ sĩ chúng tôi đặt niềm tin hoàn toàn vào Chính phủ, ngành Y tế và nhân dân sẽ chung tay kiểm soát, đẩy lùi dịch, để các nhà hát lại được tiếp tục phục vụ công chúng”.
Chương trình Tự hào Việt Nam của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Rạp xiếc Trung ương
Chương trình Đất nước trọn niềm vui của Nhà hát Tuổi Trẻ
Trong khi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng vừa thông báo dừng lưu diễn tại Bắc Ninh vào tối 30.1; Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng quyết định dừng biểu diễn Trăng đất Việt vào các tối 29 và 30.1; một số đơn vị khác như Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đang nghe ngóng tình hình và cho biết có thể sẽ dừng biểu diễn theo kế hoạch dù vé đã phát hành.
Quả thực, khối nghệ thuật biểu diễn đã và đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, nhưng các nhà hát, các đơn vị cũng rất nỗ lực để vượt khó bằng nhiều hướng đi mới. Tâm lý chung hiện nay là đều mong muốn các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương có những biện pháp hỗ trợ để khắc phục phần nào khó khăn trước mắt. Muốn biểu diễn cần phải có khán giả nhưng rõ ràng trước tình hình hiện nay thì việc tập trung đông người là bất khả kháng. Vì vậy, cần phải có “lời giải” gỡ khó cho ngành nghệ thuật biểu diễn không bị lùi lại phía sau…
THÚY HIỀN