Nghệ thuật bền bỉ đi qua “mùa dịch”

VHO- Dịch Covid-19 khiến hoạt động nghệ thuật biểu diễn đình đốn, nhưng không nản chí, vào những ngày của tháng 3, các đơn vị, nhà hát lại bắt tay vào thực hiện những kế hoạch còn đang dang dở, tiếp tục chiến dịch mới để đưa khán giả trở lại thói quen thưởng thức nghệ thuật.

Xác định mỗi đêm diễn sẽ khẳng định sự sống còn của mình, thời điểm này, những người làm nghệ thuật đã thực sự “lao” vào cuộc, tự đổi mới tìm tòi để làm sao tiếp cận được khán giả một cách nhanh nhất bằng những chương trình hấp dẫn, chất lượng cao.

Đồng loạt đỏ đèn trên các sân khấu

Nghệ thuật bền bỉ đi qua “mùa dịch” - Anh 1

Những suất diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam thu hút rất đông khán giả nhí

Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Hà Nội) cuối tuần qua đã có 3 buổi diễn thành công và sắp tới vào các ngày 25 và 26.3 với hai chương trình nghệ thuật mới: Trăng đất Việt Con yêu mẹ. Sự hào hứng của nhiều tầng lớp khán giả, đặc biệt là khán giả nhí đã cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của loại hình này. Ngày 12.3 vừa qua, hàng trăm nghệ sĩ của ngành múa rối trên toàn quốc đã về tụ họp tại Nhà hát Múa rối Việt Nam nhân kỉ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Ngành nghệ thuật Múa rối Việt Nam (12.3.1956 - 12.3.2021). Tại đây, các nghệ sĩ múa rối đã cũng nhau chia sẻ những kỷ niệm của nghề và vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của loại hình nghệ thuật dân tộc ngày hôm nay.

Cũng trong dịp cuối tuần, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã có một buổi trình diễn thành công buổi hoà nhạc với chủ đề Hy vọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình mở màn cho mùa diễn 2021-2022 có phần muộn màng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, Dàn nhạc cũng đã có một kế hoạch biểu diễn cả năm với hàng chục chương trình lớn kéo dài từ tháng 3.2021 đến tháng 1.2022.

Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam khai xuân tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô với chương trình biểu diễn nhân kỷ niệm 70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, tiếp nối là chương trình nghệ thuật tưởng nhớ 20 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi sẽ diễn ra vào ngày 29 và 30.3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Rạp Đông Kinh (79 Hàng Trống, HN) của Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN cũng sẽ mở lại phục vụ khách đi bộ từ 20.3. Nhà hát Tuồng VN vừa kịp khai trương suất diễn đầu tiên vào 13.3 tại phố cổ Hà Nội.

Nghệ thuật bền bỉ đi qua “mùa dịch” - Anh 2

 Chương trình hài kịch - ca nhạc “Thank Xuân 21” của Nhà hát Tuổi Trẻ

Tối 13.3, Chương trình hài kịch ca nhạc Thank Xuân 21 với những tiểu phẩm đặc sắc như Thanh xuân - Kiều, Chiếc hòm bí mật cùng các nhạc phẩm trữ tình, sôi động cũng đã được Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn suất đầu tiên, có rất nhiều đối tượng thanh niên, sinh viên đã đặt vé online để tới thưởng thức nghệ thuật.

Nghệ thuật bền bỉ đi qua “mùa dịch” - Anh 3

 Khán giả xếp hàng mua vé tại Rạp xiếc Trung ương

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN cho biết, từ 14.3 Rạp Xiếc Trung ương sẽ mở cửa đón khán giả trở lại sân khấu tròn 67-69 Trần Nhân Tông, HN với chương trình Trâu vàng du xuân hấp dẫn. Nhiều tiết mục xiếc người, xiếc thú, hề, ảo thuật đặc sắc sẽ được các nghệ sĩ xiếc cháy hết mình cống hiến cho khán giả. Các nghệ sĩ xiếc của Liên đoàn Xiếc VN và của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đang nỗ lực tập luyện để tham gia Liên hoan tài năng Xiếc toàn quốc tại Hà Nội do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức vào tháng 4 này.

Tiếp tục những sáng tạo mới…

Đi đầu trong việc khởi động biểu diễn trở lại, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thu hút được những suất diễn đông nghịt khán giả thiếu nhi. Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối VN “bật mí”: “Đa dạng hóa các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ nhiều đối tượng khán giả đến xem múa rối là mục tiêu của Nhà hát. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất vẫn là làm sao có thể đưa được Rối vào các sân khấu học đường một cách chiến lược, bài bản, dài hơi. Với đối tượng khán giả nhỏ tuổi, chúng tôi lấy giá rất thấp bởi xác định đây không phải để kiếm doanh thu mà là đối tượng để chúng ta gửi gắm, gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống”.

Nghệ thuật bền bỉ đi qua “mùa dịch” - Anh 4

Chương trình biểu diễn của Nhà hát nghệ thuật đương đại VN tại Cung hữu nghị Việt Xô

Nghệ thuật bền bỉ đi qua “mùa dịch” - Anh 5

Chương trình biểu diễn của Nhà hát Tuồng VN tại phố cổ Hà Nội

Nghệ thuật bền bỉ đi qua “mùa dịch” - Anh 6

Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng VN tại Nhà hát lớn

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch VN cũng cho biết, mặc dù năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nhưng đây vẫn là một năm mà Nhà hát đã tổ chức được nhiều suất diễn phục vụ khán giả nhất. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chắc chắn nghệ thuật biểu diễn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhưng không vì thế mà nghệ sĩ nản lòng. Riêng với bản thân Xuân Bắc, sau thành công của vở diễn Đêm trắng, tác phẩm ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh vẫn đang ấp ủ nhiều dự định mới và hy vọng sẽ sớm được giới thiệu đến công chúng trong tương lai gần.

Còn NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN thì tâm sự rất thật là đến thời điểm hiện tại, chị và các nghệ sĩ của đơn vị hài lòng sau những nỗ lực vừa khắc phục khó khăn do dịch bệnh, vừa đầu tư hiệu quả cho nghệ thuật. Dịch bệnh cũng khiến năng lượng sáng tạo của người nghệ sĩ sau khoảng thời gian “đóng băng” như chiếc lò xo bung nén. Những ngày cuối năm, khán giả yêu mến nhạc kịch được một bất ngờ lớn, thú vị với vở nhạc kịch Những người khốn khổ, khai thác từ tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo. Các đêm diễn Những người khốn khổ ở Nhà hát Lớn Hà Nội luôn chật kín khán giả. Từ tiền bán vé, nghệ sĩ có thêm thu nhập, nhưng có lẽ với họ, cảnh mọi người yên lặng lắng nghe, theo dõi và bàn luận, tán thưởng sau mỗi đêm diễn mới là niềm vui lớn nhất. 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc