Nghệ sĩ sân khấu: Trong dịch bệnh vẫn đong đầy cảm xúc
VHO- Thay vì án binh bất động trước đại dịch, thời gian qua, giới nghệ sĩ sân khấu đã và đang nỗ lực cố gắng thích nghi với trạng thái “bình thường mới” để mang lời ca, tiếng hát, nụ cười… đến với khán giả. Đặc biệt, tích cực sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật nhằm động viên, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, góp sức đẩy lùi “giặc Covid”.
Các nghệ sĩ cải lương với sắc màu cờ đỏ sao vàng trong MV “Niềm tin”
Thông điệp của các vở diễn được truyền tải gần gũi, giản dị, nêu bật tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong những thời khắc khó khăn của đất nước. Và trên hết là sự tôn vinh, biết ơn, trân trọng lực lượng tuyến đầu đã không quản nguy hiểm, khó khăn, vất vả vì sự bình yên của Tổ quốc.
Sức mạnh của nghệ thuật sân khấu
Người trong mắt bão của Đoàn kịch nói Hải Phòng (kịch bản Trần Tuấn Tiến, đạo diễn Trần Thị Hoàng Mai) là một trong những tác phẩm sân khấu đầu tiên thể hiện lời tri ân sâu sắc tới những “chiến binh” dũng cảm và tình người trong cuộc chiến cam go này. Nổi bật trong vở kịch là hình ảnh một nữ bác sĩ dù đã gần đến ngày sinh nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác tại khu cách ly; là đồng chí công an nghe tin cha mất nhưng vẫn nén nỗi đau ở lại đơn vị làm nhiệm vụ; hay hình ảnh các cụ già tằn tiện chắt bóp đồng lương hưu ít ỏi để đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch... Cùng với đó, Người trong mắt bão cũng khéo léo phê phán những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để buôn bán vật tư y tế không đạt chuẩn, đội giá nhiều lần hoặc một số người dân còn thiếu ý thức khi đăng tin tức giả mạo trên mạng xã hội để câu view bán hàng, không chấp hành thực hiện thông điệp 5K…
Tiếp đó, khán giả yêu sân khấu đã được thưởng thức vở kịch Cuộc chiến Covid do đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Minh Nguyệt. Đúng như tên gọi, vở diễn cho thấy hình ảnh những người lãnh đạo đã sát sao trong công tác phòng dịch, đưa ra chỉ thị quyết liệt và đúng đắn để khoanh vùng, chặn đứng nguy cơ lây lan, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Vở kịch cũng tái hiện hình ảnh đội ngũ y bác sĩ quên ăn quên ngủ, cắt cả mái tóc dài, hy sinh hạnh phúc riêng vì bệnh nhân, xung phong lên tuyến đầu mà không ngần ngại nguy cơ chính mình cũng bị lây nhiễm. Với sự đầu tư bài bản và dàn dựng sân khấu hoành tráng, nhiều tình tiết thắt nút hợp lý, Cuộc chiến Covid đã mang tới những cảm xúc khó quên cho khán giả. Đáng chú ý, vở kịch tạo ấn tượng bởi diễn xuất của dàn diễn viên tài năng cùng kỹ thuật công nghệ hiện đại đã mang tới hiệu ứng âm thanh, ánh sáng mới lạ. Khán giả thực sự “sởn da gà” trước cảnh tượng đại dịch nguy hiểm càn quét khắp mọi nơi, nín thở khi các bác sĩ giành giật mạng sống bệnh nhân ở ranh giới sinh tử.
Lan tỏa những hiệu ứng tích cực
Dịch bệnh bùng phát mạnh, sân khấu đành phải đóng cửa tắt đèn, nhưng thay vì ngồi đó “than trời trách đất” nhiều nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo và tìm cách để tiếp cận khán giả. Từ đó, những dự án nghệ thuật online đã ra đời với sức hấp dẫn mới, lạ. Điển hình, đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang nhanh chóng thể hiện tinh thần xung phong qua MV cải lương Niềm tin và Chúng con là chiến sĩ. Cả hai MV đã mang lại hiệu ứng tích cực, làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của nhiều khán giả yêu mến cải lương ngay tại nhà. “Bằng chuyên môn của mình, chúng tôi xem đây là dịp viết tiếp khúc quân hành ca cùng đội ngũ y bác sĩ, lực lượng bộ đội, tình nguyện viên để tiếp thêm sức mạnh xông pha trong cuộc chiến không khoan nhượng này”, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.
Trước đó, khán giả đã hết sức bất ngờ khi ở tuổi ngoài 70, NSND Bạch Tuyết vừa đeo khẩu trang, vừa trình bày sáng tác ca cổ Ông bà anh thời Covid-19 với một phong cách trẻ trung, tươi mới. Bài vọng cổ mang tinh thần lạc quan với những ca từ dí dỏm như “ông tặng cho bà không phải là một đóa hoa mà tặng chai nước rửa tay”, “ông bà thường đi dạo quanh, cả hai đều đeo chiếc khẩu trang xanh”… NSND Bạch Tuyết tâm sự: “Đọc tin tức hằng ngày, chứng kiến cả nước, toàn dân căng mình chống dịch mà nước mắt cứ chảy ràn rụa. Xúc cảm trong tôi dâng trào và chỉ trong 15 phút tôi đã viết xong lời ca cổ cảm tác từ bài Ông bà anh”.
Hay kịch cổ động theo kiểu “đặc sệt” sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng khiến khán giả thích thú dù mỗi clip chỉ vỏn vẹn vài phút. Trong Chuyện cách ly nhà bà Hai, nghệ sĩ Ái Như hóa thân thành nhân vật bà Hai (vở Nửa đời ngơ ngác). Bà nằm trên bộ ván xung quanh chất đủ thứ mì gói, bánh tráng, dầu ăn, su hào, giấy vệ sinh… Suốt clip, bà Hai phàn nàn cô Út mua nhiều đồ tích trữ quá xá, cái gì cũng có sẵn đâu cần rinh về chật nhà, ăn không hết hư hao. Bà còn cằn nhằn: “Ở trong nhà, ở trong nhà giùm tui 2 tuần cái đi!”. Với Phòng dịch mùa Covid cùng cô Uyên, Ái Như trong hình dáng ngộ nghĩnh của cô Uyên khùng (vở Người điên trong ngôi nhà cổ) vừa tự làm khẩu trang bằng miếng vải và sợi nilông, vừa mắng Tư Thẹo bảo mình đeo khẩu trang là không lây bệnh. Dựa trên những vở kịch làm nên tên tuổi của sân khấu Hoàng Thái Thanh, các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả những tình huống, câu chuyện “dở khóc dở cười” nhưng lại rất thật và có sức lan tỏa, động viên tinh thần mạnh mẽ trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.
HỒNG HẠNH
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)