Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V: Sân khấu Hải Phòng tự tin “đối thoại” với khán giả

VHO- Sự xuất hiện của 3 đơn vị: Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Đoàn Kịch nói Hải Phòng, CLB Sân khấu Biển Hẹn tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V đã tạo nhiều bất ngờ và ấn tượng với đồng nghiệp trong nước cũng như quốc tế. Ba chương trình với ba phong cách khác nhau, nhưng đều mới mẻ, hấp dẫn và khác biệt đã đóng góp nhỏ cho thành công của Liên hoan lần này.

Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V: Sân khấu Hải Phòng tự tin “đối thoại” với khán giả - Anh 1

Hội thảo về các vở diễn thử nghiệm của Sân khấu Hải Phòng

Từ những thử nghiệm thành công…

Trao đổi với Văn Hóa, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định: “Sau những kỳ cuộc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp gần đây, chúng ta thấy rất rõ sự trưởng thành của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên sân khấu Hải Phòng. Sân chơi thử nghiệm không đơn giản, nhưng Hải Phòng đã tự tin dàn dựng tới 3 vở diễn đều mang tính thử nghiệm là yếu tố đặc biệt của sự kiện năm nay”.

Đoàn kịch nói Hải Phòng mang tới vở Đến bờ bên kia (tác giả Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai); CLB Sân khấu Biển Hẹn với vở Tâm sự âm dương (tác giả Nguyễn Hoàng Nam, đạo diễn NSƯT Lê Hải); Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng với vở Lời thề (tác giả Nguyễn Hiếu - NSƯT Lê Chức, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng). Trong đó, kịch bản Đến bờ bên kia của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng được dàn dựng, biểu diễn tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008 và gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí bị đánh giá là một thử nghiệm thất bại. Việc tiếp tục lựa chọn kịch bản này là thử thách lớn đối với đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai và các nghệ sĩ Đoàn kịch nói Hải Phòng. Đáng mừng là Đến bờ bên kia lần này đã chinh phục được đông đảo khán giả.

Bối cảnh vở diễn là ở trên một chuyến đò với nhiều tầng lớp nhân vật: Trí thức, nhà sư, lái buôn, lái đò, trẻ con, kẻ cướp… Các nhân vật đều đeo mặt nạ, trừ đứa bé. Đò vừa rời bến thì một tên cướp đột nhiên xuất hiện và xin lên theo. Khi đến gần bờ, chú bé vô tình nhét tay vào chiếc bình cổ của hai tên lái buôn và không rút ra được. Lo sợ mất chiếc bình quý, hai tên buôn liên tục uy hiếp mẹ cậu bé. Trước tình hình đó, tên cướp đã đập vỡ chiếc bình với lý lẽ “Trẻ con là tương lai đấy!”. Thưởng thức Đến bờ bên kia, người xem cảm nhận được sự đấu tranh, giằng xé giữa thiện và ác trong bản ngã của con người. Điều có thể ghi nhận ở vở diễn là sự thử nghiệm từ việc giải mã chìa khóa giá trị tư tưởng đến những thử nghiệm trong diễn suất của nghệ sĩ.

Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V: Sân khấu Hải Phòng tự tin “đối thoại” với khán giả - Anh 2

Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng biểu diễn vở “Lời thề”

Đến với với vở Tâm sự âm dương của CLB Sân khấu Biển Hẹn, tính thử nghiệm thể hiện rất rõ từ việc NSƯT Lê Hải vừa đóng nhân vật trung tâm, vừa đóng vai trò đạo diễn. Sân khấu cũng trở thành nhân vật trong vở kịch, với thiết kế trang trí uyển chuyển khi là lăng mộ, khi lại là chiếc gương, tạo nhiều đất diễn cho diễn viên thể hiện.

Người xem đặc biệt thú vị trước Lời thề của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng. Vở diễn đã vượt xa cách dàn dựng quen thuộc của sân khấu múa rối khi phục dựng lại “Lễ hội Minh thề”, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã có từ lâu đời, diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm tại Đình chùa Hòa Liễu, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Nhân vật chính trong vở là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, người đã tiếp thu lễ thề của các đời trước để xây dựng nên Lễ hội Minh thề, với nội dung chính là lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Một vở rối dài khai thác đề tài lịch sử đã tạo cho Lời thề một thế mạnh riêng. Những con rối que nặng từ 5 - 7kg với tạo hình sinh động cùng kỹ thuật biểu diễn điêu luyện của các nghệ sĩ múa rối Hải Phòng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng nghiệp và khán giả. Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cùng ê kíp sáng tạo đã thực sự thổi hồn vào các con rối, biến chúng thành những nhân vật lịch sử từ quá khứ nay hiển hiện trước mắt người xem bằng xương, bằng thịt…

Đây cũng là lần đầu tiên sân khấu thử nghiệm không sử dụng phông cảnh màn, mà hoàn toàn là màn hình led, mượn "chuyện xưa, tích cũ" để nói về công cuộc chống tiêu cực của xã hội đương thời.

Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V: Sân khấu Hải Phòng tự tin “đối thoại” với khán giả - Anh 3

 Đoàn kịch nói Hải Phòng với vở Đến bờ bên kia

Đến chủ trương làm nghệ thuật đúng đắn

Tại cuộc tọa đàm bên lề Liên hoan, những vị đại biểu ở Trung ương và Hà Nội như NSND Trịnh Thuý Mùi, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, NSND Lê Tiến Thọ... đều đánh giá cao sự thành công của các đơn vị sân khấu Hải Phòng. Vì sao Hải Phòng tự tin tham dự tới 3 chương trình tại Liên hoan lần này, các nghệ sĩ đều vững vàng về chuyên môn và đảm đương được những vai diễn khó, phức tạp mang tính thử nghiệm? Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thuý Mùi, đó là do TP Hải Phòng đã luôn có chỉ đạo đúng đắn và đầu tư thích đáng cho các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp.

Trong 3 năm vừa qua, sân khấu cả nước chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị phải ngừng hoạt động không thể biểu diễn thì các đoàn nghệ thuật của Hải Phòng vẫn “sống khoẻ” với Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng”. Sự kết hợp hài hòa và phát huy thế mạnh của truyền hình với công nghệ kỹ thuật số và nghệ thuật sân khấu đã giúp khán giả có thêm lựa chọn là các chương trình nghệ thuật qua kênh sóng của Đài PT và TH Hải Phòng. Chương trình đã trở thành thương hiệu, là điểm hẹn văn hóa, là món ăn tinh thần của nhân dân cả nước và TP nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V: Sân khấu Hải Phòng tự tin “đối thoại” với khán giả - Anh 4

Lãnh đạo Thành phố và Sở VHTT Hải Phòng và các đại biểu chúc mừng các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn thành công

Được triển khai từ tháng 11.2019, sau 3 năm thực hiện, đến nay đã có 37 chương trình được tổ chức thành công và nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của giới nghề cũng như khán giả về hình thức, nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật. Đặc biệt, có 5 số đã được phát trên sóng VTV1. Chương trình sau đó còn được tài trợ các suất diễn phục vụ nhân dân, ưu tiên bà con vùng sâu, vùng xa, hải đảo là nơi ít có cơ hội được xem biểu diễn trực tiếp.

Không sáp nhập chung theo mô hình Trung tâm VHNT tỉnh hay Nhà hát nghệ thuật truyền thống, TP Hải Phòng vẫn giữ nguyên 5 đoàn nghệ thuật công lập và hiện đều đang hoạt động hết công suất. Sân khấu Hải Phòng còn mời thêm nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ từ Trung ương và các thành phố lớn tới để hợp tác dàn dựng những tác phẩm quy mô, chất lượng cao. Có thể thấy, tầm nhìn của lãnh đạo Thành phố, Sở VHTT đã mang lại cơ hội cho nghệ thuật ở địa phương phát triển, mà nhân dân là những người được hưởng lợi nhất từ chủ trương đúng đắn này. 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc