Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ: Vun bồi những hạt mầm nghệ thuật truyền thống

VHO- Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai năm 2023 đã chính thức khai mạc tại Trà Vinh với sự hội ngộ của hơn 500 diễn viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật. Sự kiện do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp UBND và Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh tổ chức.

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ: Vun bồi những hạt mầm nghệ thuật truyền thống - Anh 1

 Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao hỗ trợ mỗi đơn vị tham gia Liên hoan 50 triệu đồng

Nghệ thuật sân khấu Dù kê ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào Khmer. Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, Dù kê đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Việt Nam; tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; giáo dục, bồi dưỡng các giá trị nhân văn, tạo sự gắn kết giữa các cá nhân, các dân tộc trong xã hội; góp phần phục vụ công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc; tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Loại hình nghệ thuật tồn tại hơn thế kỷ

Do tác động nhiều mặt của cơ chế thị trường, sân khấu Dù kê đang gặp nhiều thách thức, khó khăn và có nguy cơ ngày càng mai một trong đời sống cộng đồng. Trước thực tế đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh, Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai vào năm 2023 nhằm đánh giá lại hiện trạng hoạt động nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer để nâng cao chất lượng, từng bước chuyên nghiệp hóa nghệ thuật sân khấu Dù kê, đồng thời động viên các nghệ sĩ, nghệ nhân, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào Khmer và gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình bày tỏ, năm nay, tỉnh Trà Vinh vinh dự được chọn đăng cai tổ chức Liên hoan. Ngay sau khi nhận được văn bản của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTTDL chủ trì phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị thật tốt các nội dung để phối hợp tổ chức. Qua quá trình theo dõi, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, sự nỗ lực cố gắng của Sở VHTTDL, sự quan tâm hỗ trợ, chia sẻ của các cấp, các ngành, sự đầu tư dàn dựng, tập luyện của các Đoàn nghệ thuật... Qua đó cho thấy Liên hoan lần này không chỉ là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tài năng, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi học tập kinh nghiệm, mà còn là dịp để đánh giá thực trạng và tìm hướng đi, nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo đối với loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê ở Nam Bộ nói chung, của từng địa phương trong vùng nói riêng ngày càng phát triển và phù hợp với đời sống đương đại.

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ: Vun bồi những hạt mầm nghệ thuật truyền thống - Anh 2

Vở  Hoàng tử Vê Son Đo” (tác giả Thạch Khône; đạo diễn NSƯT Thạch Sung, NSƯT Thạch Thị Hà) của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh

Tạo điểm nhấn để các địa phương chú ý đầu tư cho văn hóa Khmer

Liên hoan năm nay diễn ra từ ngày 1 - 7.4 tại Trường ĐH Trà Vinh, với sự góp mặt của hơn 500 diễn viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật Dù kê các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Hội đồng giám khảo liên hoan là các chuyên gia: PGS.TS Trần Trí Trắc, Ủy viên Ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; Đạo diễn, NSƯT Trần Thắng Vinh; Đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng; NSƯT Sơn Lương; Soạn giả Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh.

Qua 13 vở diễn, khán giả sẽ được thưởng thức các tiết mục Dù kê độc đáo cả dân gian, lịch sử lẫn hiện đại. Bên cạnh những vở mang màu sắc huyền thoại hay lịch sử như: Hoàng tử Vê Son Do, Tướng quân Rit Thi Sắc, Chây Sô Ra Vông, Chuyện tình giữa tiên nữ và người phàm, Chuyện tình nàng Sô Vanl Pu Pa thì cũng có những vở diễn khai thác đề tài hiện đại, mang tính thời sự, đậm đặc hơi thở cuộc sống như: Bài học đắt giá, Giữ vững biển đảo quê hương, Hoa cau tình thắm

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh, đồng Trưởng Ban tổ chức chia sẻ, vì nhiều lý do khách quan khác nhau nên kể từ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất tại Sóc Trăng năm 2013, đến nay sau 10 năm Liên hoan mới trở lại. “Người dân Khmer Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng rất muốn có những liên hoan, hội thi để nghệ nhân, nghệ sĩ các đoàn trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và phong cách biểu diễn. Mong chờ suốt thời gian quá lâu như vậy, nên giờ đây chúng tôi nhận thấy các tỉnh đều háo hức tham gia với lực lượng đông đảo, chất lượng các vở diễn dự thi theo đánh giá ban đầu của Hội đồng giám khảo, từ chủ đề tư tưởng đến đề tài nội dung đều tốt, đa dạng, đầu tư rất nghiêm túc”, ông Sum cho biết.

Cũng theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh, Liên hoan cũng là dịp để đào tạo đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công, diễn viên kế thừa, góp phần vun bồi những hạt mầm mới, thúc đẩy sự phát triển của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo và đặc sắc của đồng bào Khmer. Quan trọng hơn, Liên hoan cũng giúp đánh giá đúng thực trạng loại hình sân khấu Dù kê ở Nam Bộ trong thời điểm này, để trên cơ sở đó, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng như Sở văn hóa các tỉnh trong khu vực sẽ trao đổi, phối hợp đề xuất những giải pháp tích cực hơn, tạo điểm nhấn để các địa phương chú ý đầu tư cho văn hóa Khmer, làm cho loại hình nghệ thuật Dù kê được nâng cao chất lượng, đảm bảo phù hợp với đời sống tinh thần của đồng bào và ngày càng phù hợp với đời sống thực tiễn. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc