Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ: Hội ngộ sau 10 năm vắng bóng
VHO- Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ hai năm 2023 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 1 - 7.4 tại Trường ĐH Trà Vinh. Như vậy, sau 10 năm kể từ Liên hoan lần thứ nhất được tổ chức năm 2013 tại Sóc Trăng, các nghệ sĩ Dù kê Khmer Nam Bộ mới lại có dịp hội ngộ.
BTC họp báo chia sẻ thông tin về Liên hoan
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, Liên hoan là hoạt động mang tính nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam Bộ, với mục đích bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có Dù kê. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để đào tạo đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công, diễn viên kế thừa, góp phần vun bồi những hạt mầm mới, thúc đẩy sự phát triển của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo và đặc sắc này.
Tham dự Liên hoan có sự góp mặt của hơn 500 diễn viên đến từ 13 đơn vị nghệ thuật nhà nước và tư nhân, đông hơn Liên hoan lần thứ nhất. Đây là sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền của BTC, đặc biệt là sự nhiệt tình, đam mê, trách nhiệm với bộ môn Dù kê Khmer của các nghệ sĩ ở dải đất miền Tây Nam Bộ. Họ coi đây là hoạt động giao lưu nhằm học hỏi lẫn nhau, cũng là một cách truyền nghề của thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu cho lớp trẻ chứ không đơn giản chỉ là đến Liên hoan để thi diễn tài năng.
Theo quy chế của BTC, các tác phẩm tham dự Liên hoan phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng. Tác phẩm phải giữ được các đặc trưng của loại hình nghệ thuật Dù kê Khmer Nam Bộ; ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc; lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam nói chung, của đồng bảo Khmer Nam Bộ nói riêng trong công cuộc chống ngoại xâm thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN tươi đẹp; ca ngợi Đảng và Bác Hồ, ca ngợi đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ bảo vệ và phát triển đất nước... Đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội, thể hiện rõ các chức năng, nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ trong tác phẩm.
Nhìn vào danh sách các đơn vị tham gia mới thấy được sự nỗ lực của các nghệ sĩ. Liên hoan không chỉ quy tụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Nhà nước như Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, Nhà hát Cao Văn Lầu, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, mà còn có sự tham gia của các đơn vị xã hội hóa như Đoàn Nghệ thuật Khmer Răksamây Chandara (Trà Vinh), Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Dù kê Sơn Nguyệt Quang, Doanh nghiệp tư nhân đoàn Ánh Bình Minh, Doanh nghiệp tư nhân đoàn Nghệ thuật Dù kê tập thể Ron Ron (Sóc Trăng), đặc biệt là Đoàn Nghệ thuật Khmer Chùa Svay Siêm Thmây (Trà Vinh), Đội Văn nghệ quần chúng - Ấp Cây khô (Cà Mau) và Đoàn Nghệ thuật Khmer - Trường ĐH Trà Vinh…
Có thể nói đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi sự tham gia của rất đông các đơn vị nghệ thuật cho thấy sức sống mãnh liệt của sân khấu Dù kê trong đời sống tinh thần của người dân Tây Nam Bộ; và vì thế, Liên hoan lần này được ví như ngày hội lớn của những nghệ sĩ Dù kê.
Các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Dù kê Ánh Bình Minh trình diễn trích đoạn một vở tuồng cổ
Với 13 vở diễn thuộc 13 đơn vị nghệ thuật, khán giả sẽ được thưởng thức các tiết mục Dù kê cả dân gian, lịch sử lẫn hiện đại. Bên cạnh những vở mang màu sắc huyền thoại hay lịch sử như Hoàng tử Vê Son Do, Tướng quân Rit Thi Sắc, Chây SôRa Vông, Chuyện tình giữa tiên nữ và người phàm, Chuyện tình nàng Sô Vanl Pu Pa thì cũng có những vở diễn khai thác đề tài hiện đại, mang tính thời sự đậm đặc hơi thở cuộc sống như Bài học đắt giá, Giữ vững biển đảo quê hương, Hoa cau tình thắm… Đây chính là sự phong phú, đa dạng về nội dung mà các đơn vị nghệ thuật mang tới Liên hoan.
BTC cho biết sẽ trao Bằng chứng nhận kèm tiền thưởng cho các vở diễn, diễn viên đoạt HCV, HCB và giải Xuất sắc cho các thành phần sáng tạo: Tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa (nếu có).
Có thể nói, sau 10 năm kể từ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất được tổ chức năm 2013 tại Sóc Trăng, các nghệ sĩ Dù kê Khmer mới lại có dịp hội ngộ lần thứ 2, đây là sự cố gắng rất lớn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật Dù kê Khmer, cũng như các giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống khác. Hy vọng, một tuần diễn ra Liên hoan sẽ là hoạt động văn hóa sôi động và vô cùng ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của người dân Trà Vinh nói riêng và bà con đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
“Nghệ thuật Dù kê Khmer là loại hình nghệ thuật mang tính đặc trưng, độc đáo, cần được bảo tồn, giữ gìn để phát triển cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của dân tộc. Từ Liên hoan lần 2 này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam quyết định sẽ duy trì tổ chức 3 năm một lần để đáp ứng hoạt động biểu diễn, giao lưu, truyền nghề, bảo tồn, quảng bá và phục vụ nhân dân”, NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ.
Giám đốc Sở VHTTDL Dương Hoàng Sum cũng thông tin về tiến độ chuẩn bị cơ sở vật chất của đơn vị đăng cai đến nay đã hoàn tất. Chương trình khai mạc, bế mạc cũng như công tác đón tiếp các đoàn cũng được chuẩn bị chu đáo cho Liên hoan.
THÙY TRANG; ảnh: THÚY BÌNH