Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng: “Thắp lửa” cho nghệ thuật múa thăng hoa

VHO- Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần VII - năm 2022 do Hội nghệ sĩ Múa TP.HCM tổ chức đang diễn ra tại Nhà hát TP từ ngày 24 - 26.10. Với những giá trị đã được tạo dựng thành công sau 6 kỳ tổ chức, Liên hoan mong muốn sẽ tiếp tục khẳng định, từng bước xây dựng thương hiệu, bản sắc của loại hình nghệ thuật bằng ngôn ngữ hình thể này.

Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng: “Thắp lửa” cho nghệ thuật múa thăng hoa - Anh 1

Tác phẩm “Âm vang Cao Nguyên” của Vũ đoàn Bạch Dương tái hiện không khí đại ngàn trên sân khấu nghệ thuật Múa

 TS.NSND Hà Thế Dũng, NSND Tô Nguyệt Nga, NGƯT Nguyễn Bá Thái, NSƯT Tạ Thùy Chi và biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng là những người “cầm cân nảy mực” trong Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan năm nay. BTC cho biết, Liên hoan không hạn chế đề tài, hình thức và thể loại; không giới hạn sử dụng các chất liệu ngôn ngữ múa. Tác phẩm dự thi có thời lượng từ 5-10 phút. Âm nhạc sử dụng cho tác phẩm múa là sáng tác mới hoặc sưu tầm, biên tập lại, rõ ràng về xuất xứ...

Nâng tầm nghệ thuật múa cho Thành phố

Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng giám khảo TS.NSND Hà Thế Dũng cho biết: “Tác phẩm tham dự Liên hoan phải là một tác phẩm trọn vẹn, có cấu trúc, có ý tưởng, ngôn ngữ rõ ràng, có câu chuyện mà các bạn muốn chuyển tải tới công chúng; khuyến khích sử dụng âm nhạc Việt Nam, phục trang biểu diễn có thể cách điệu sao cho phù hợp với tác phẩm múa nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt đặc trưng của dân tộc…”. NGƯT Nguyễn Bá Thái cũng bày tỏ: “Các bạn được tự do sáng tạo và đưa âm nhạc vào tác phẩm, tuy nhiên âm nhạc phải phục vụ chủ đề tư tưởng của tác phẩm, thông điệp chạm vào trái tim người xem. Vấn đề chúng tôi quan tâm là làm thế nào tác phẩm đó được phổ biến rộng rãi tới công chúng, đặc biệt, nói về không gian văn hóa TP.HCM sẽ được ưu tiên, khuyến khích trong Liên hoan lần này”.

Nhiều năm qua, TP.HCM luôn là cái nôi sản sinh ra nhiều vũ đoàn, công ty tư nhân chuyên về múa, đáp ứng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội trên địa bàn TP và các tỉnh, thành. Lực lượng diễn viên, biên đạo múa trẻ hiện nay tại TP.HCM rất đông đảo, năng động, nhiệt huyết với nghề, đã và đang góp phần quảng bá các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải trí của công chúng nhiều lứa tuổi. Cũng từ hoạt động thực tiễn của các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập là các vũ đoàn, nhóm múa, tiếp nối thành công của 6 lần Liên hoan được tổ chức vào các năm 2007, 2009, 2011, 2013, 2017, 2020, Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM tiếp tục tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng lần này với mong muốn nâng cao hơn kỹ năng nghề nghiệp, mở rộng quan điểm, tư duy, kiến thức và kinh nghiệm làm nghệ thuật cho các biên đạo, diễn viên múa trẻ.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của hơn 150 diễn viên thuộc 20 đoàn, vũ đoàn múa công lập và ngoài công lập của TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam với gần 50 tác phẩm. Đêm Tổng kết báo cáo, trao giải được tổ chức vào 27.10 tại Nhà hát TP. Đây cũng chính là “thương hiệu” của Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM, bởi trong 63 Hội Nghệ sĩ Múa của các tỉnh, thành trong cả nước, và ngay cả Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng chưa lần nào tổ chức được Liên hoan.

“Điểm sáng” của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều cho biết, mục đích và tiêu chí lớn nhất của Liên hoan là tạo sự thăng hoa trong các lĩnh vực sáng tác, biên đạo và biểu diễn múa. “Sự sáng tạo trong nghệ thuật sẽ luôn làm cho mỗi kỳ Liên hoan thêm sôi động, đa dạng, phong phú và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động nghệ thuật của mình… Liên hoan lần VII càng ý nghĩa hơn và là “điểm sáng” khi diễn ra đúng vào thời điểm Thành ủy TP.HCM xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hiện đang được triển khai lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP bày tỏ.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh, Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM với nét riêng độc đáo, hấp dẫn, ngày càng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng trình diễn của các diễn viên và góp phần thúc đẩy sức sáng tạo của các biên đạo múa, xây dựng nghệ thuật múa TP.HCM ngày một chuyên nghiệp. Từ Liên hoan có thể thấy, những người trẻ đã nhanh nhạy cập nhật thông tin và những kiến thức mới, đặc biệt là múa hiện đại, để đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng, góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá, lan tỏa trong đời sống hiện đại và tiếp cận dần với quy chuẩn của các liên hoan múa khu vực và trên thế giới. “Các cấp lãnh đạo TP luôn khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo, để các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung cũng như tác phẩm lĩnh vực múa hướng đến các chủ đề về TP.HCM, về biên cương, hải đảo và đặc biệt là hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy bày tỏ.

Đã gần đi đến hồi kết, Liên hoan cho thấy sự đa dạng trong đề tài, chủ đề tư tưởng rõ ràng, hình thức thể hiện phong phú, sáng tạo. Nội dung tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống nhiều màu sắc của xã hội và con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn. BTC sẽ trao 5 giải A, 7 giải B và 9 giải C cho tác phẩm; 3 giải A, 4 giải B và 5 giải C cho nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc