Lên sân khấu... học ngữ văn
VHO- Với mong muốn tạo sân chơi nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương, vừa qua, khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã tổ chức chương trình “Sân khấu hóa tác phẩm văn học”, qua đó, khơi gợi chất sáng tạo và định hướng những giá trị chân - thiện - mỹ cho các bạn trẻ.
Vở kịch “Ngã ba Đồng Lộc” của những diễn viên không chuyên đã chạm đến trái tim khán giả
Chương trình đã mang lại những phút giây thư giãn và hơn hết là giúp khán giả được sống, được hòa mình vào những tác phẩm văn học kinh điển. Tại sân khấu, các bạn sinh viên không những áp dụng kiến thức về chuyên môn mà còn sáng tạo, đầu tư và dàn dựng công phu các tiết mục biểu diễn. Các bạn đã mang đến cho người xem những màn trình diễn, hóa thân hấp dẫn và rất chuyên nghiệp. Đó là 7 tác phẩm với nhiều thể loại, mang cả màu sắc phương Đông và Tây như: Xương rồng nơi xa khơi (chuyển thể từ Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu); Tấm Cám (truyện cổ tích); Người thầy đầu tiên (Chyngyz Torekulovich Aytmatov); Mị (Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài)… Với sự sáng tạo độc đáo và khả năng trình diễn duyên dáng, dàn “diễn viên” trẻ đã khiến cả hội trường phải trầm trồ khen ngợi và xen lẫn là những tràng vỗ tay, tiếng cười thích thú. Bởi, không đơn giản là mang các tác phẩm văn học lên sâu khấu để dàn dựng thành kịch, mà bằng tư duy của người trẻ, các bạn còn đan xen những “miếng” hài hợp lý để khán giả không bị nhàm chán. Hơn thế, bằng chính tài năng diễn xuất bẩm sinh, nhiều gương mặt đã để lại ấn tượng mạnh khi lấy đi những giọt nước mắt của người xem. Qua đó, nhiều bạn đã thể hiện được khả năng ứng biến cũng như xử lý tình huống trên sân khấu một cách linh hoạt.
Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngữ văn, ThS Hồ Trần Ngọc Oanh chia sẻ: “Thế mạnh của các bạn sinh viên ngành Văn là luôn học hỏi, tìm tòi và có khả năng sáng tạo cao. Chính vì thế, trong các hoạt động ngoại khóa cũng như các giờ học trên lớp, các em luôn biết vận dụng những kiến thức chuyên môn để chuyển thể các tác phẩm văn học thành tác phẩm sân khấu, với những yếu tố kịch hóa đầy độc đáo và thú vị. Với định hướng ứng dụng thực tiễn, thực hành, trong những năm gần đây, chương trình đào tạo của ngành luôn đổi mới để bám sát nhu cầu nguồn nhân lực cần có sau khi ra trường và giúp truyền tải những thông điệp tích cực mà văn chương mang lại”.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học sẽ giúp học sinh chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm để cảm nhận về các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm, sau đó tái hiện trên sân khấu học đường. Ngoài ra, các em còn tự mình sáng tạo trong cách diễn xuất, để làm sao diễn tả được sâu sắc tính cách, nội tâm của nhân vật mà mình thủ vai. Với những học sinh không tham gia diễn xuất cũng cần đọc văn bản thật kĩ và cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật được tái hiện trên sân khấu lớp học rồi đưa ra nhận xét của mình. Từ đó, các tiết học ngoại khóa theo hình thức sân khấu sẽ thực sự tạo ra hứng thú để các em học tập có hiệu quả hơn. Phương pháp này cũng góp phần tạo dựng cho học sinh thói quen đọc sách để “thẩm thấu” tác phẩm.
Phương pháp học này là một trong những hình thức sáng tạo nhất giúp người xem thâm nhập và sống cùng với tác phẩm, phá vỡ sự ngăn cách giữa độc giả với văn chương. Chính vì thế, những giây phút trải nghiệm trên sàn diễn, nhưng đồng thời cũng là lớp học thật sự bổ ích, lý thú, qua đó sinh viên càng hiểu hơn về những giá trị nhân văn, vẻ đẹp bất hủ của văn chương, cũng như thêm yêu thích ngành học mà mình đã chọn.
B.TRƯỜNG