Kịch xiếc lần đầu góp mặt

VHO- Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTT Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 25.9 đến 2.10 với sự tham gia của 13 đơn vị sân khấu trên địa bàn Hà Nội và cả các đơn vị sân khấu xã hội hóa ở phía Nam.

Kịch xiếc lần đầu góp mặt - Anh 1
 

 BTC họp báo về Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V Ảnh: Q.Tấn

Sự tham dự của các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp đã khẳng định vị thế của Liên hoan đối với giới nghề, đồng thời cũng là niềm vui của những người nghệ sĩ khi được diễn, được kéo cánh màn nhung để khán giả đến với họ.

Luôn là sân chơi uy tín

Đã thành thông lệ, Liên hoan được tổ chức định kỳ 2 năm một lần và luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị sân khấu trên khắp cả nước. Điều thú vị là bên cạnh những đơn vị sân khấu công lập như Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Quân đội, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Cải lương Việt Nam… còn có sự góp mặt của các đơn vị sân khấu xã hội hóa như Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt, Sân khấu Sen Việt, Hội Sân khấu TP.HCM, Sân khấu Lệ Ngọc…

Như những cuộc thi, liên hoan sân khấu mang tính chất toàn quốc, Liên hoan sân khấu Thủ đô là sự kiện văn hóa lớn, là hoạt động nghề nghiệp, đồng thời là cuộc biểu dương lực lượng của các đơn vị sân khấu nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi cho đội ngũ nghệ sĩ nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, khác với những cuộc liên hoan khác, các tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô có sự góp mặt của nhiều loại hình nghệ thuật và sự đa dạng phong phú về khai thác đề tài.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, các tác phẩm góp mặt tại Liên hoan đều được thẩm định về mặt nội dung, nghệ thuật và là những vở diễn được đầu tư, chăm chút ở mức độ cao. Anh chị em nghệ sĩ rất trông đợi vào cuộc hội tụ nghề nghiệp này vì đây là một trong những sân chơi lớn, có đối tượng khán giả Thủ đô vốn là những khán giả khó tính, đòi hỏi khắt khe ở chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung kịch bản. BTC lựa chọn các nhà chuyên môn uy tín, công tâm để có được những đánh giá chính xác nhất. Bà cũng hy vọng và tin tưởng, thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ chứng tỏ sức thanh xuân của mình trong nghệ thuật và thế hệ khán giả trẻ sẽ đến với sân khấu ngày càng đông đảo hơn.

Kịch xiếc lần đầu góp mặt - Anh 2

 Một màn biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội

Như những con tằm nhả tơ...

Tại cuộc họp báo thông tin về Liên hoan ngày 16.9 vừa qua, lãnh đạo và nghệ sĩ của nhiều đơn vị đã chia sẻ niềm vui, sự hào hứng khi có cơ hội được diễn. NSND Lệ Ngọc bày tỏ: “Nghệ sĩ chúng tôi rất mong có những sân chơi nghệ thuật như Liên hoan Sân khấu Thủ đô, một sự kiện được tổ chức định kỳ và là điểm hẹn mà những người làm nghề yêu quý, trân trọng. Sân khấu Lệ Ngọc tham gia Liên hoan không phải vì muốn có giải thưởng, huy chương mà cái được chính là nghệ sĩ chúng tôi như những con tằm nhả tơ chỉ mong có được cơ hội để làm nghề và tiếp cận khán giả. Sân khấu Lệ Ngọc có nhiều vở diễn về Hà Nội, nhưng chúng tôi lựa chọn vở Huyền tích Chùa Một Cột (tác giả Lê Thế Song, đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai) tham gia Liên hoan vì đây là đề tài lịch sử, với mong muốn khán giả trẻ sẽ luôn yêu quý, trân trọng lịch sử nước nhà. Vở đã diễn hơn 30 suất và đáng mừng là khán giả luôn thích thú đón nhận”.

Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng dàn dựng 3-4 vở và luôn phải có vở về đề tài Hà Nội. Những năm trở lại đây, khâu đào tạo tác giả cho sân khấu cũng gặp khó khăn vì không có thí sinh đăng ký, chính vì vậy mà số lượng cây bút viết cho sân khấu ngày càng khan hiếm, viết về Hà Nội càng khó hơn. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có kế hoạch, chiến lược đào tạo lâu dài lực lượng tác giả và lý luận cho ngành sân khấu…”, NSND Trung Hiếu chia sẻ.

Kịch xiếc lần đầu góp mặt - Anh 3

Vở Huyền tích Chùa Một Cột (tác giả Lê Thế Song, đạo diễn : NSƯT Bùi Như Lai) của Sân khấu Lệ Ngọc

Đến với Liên hoan lần này có sự góp mặt của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội, một đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn, từ việc không có nhà hát, rạp biểu diễn cho tới cơ sở vật chất, đội ngũ và nhân lực đều thiếu thốn. Giám đốc Nhà hát Bùi Thế Anh cho biết: “Được sự động viên của BTC, chúng tôi đã cố gắng để tham gia Liên hoan và mạnh dạn đưa đề tài Hà Nội vào ngôn ngữ xiếc. Để tìm một sân khấu phù hợp với mình ở Hà Nội là vô cùng khó, nhưng được sự giúp đỡ của Nhà hát Kịch Hà Nội, chúng tôi sẽ diễn ở Rạp Công nhân... Mong khán giả đón nhận một gương mặt được coi là non trẻ tại Liên hoan”.

Trao đổi tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết, BTC Liên hoan sẽ xây dựng kế hoạch giúp các đơn vị nghệ thuật có cơ hội biểu diễn cũng như thông tin đến người dân Thủ đô bằng nhiều cách để các suất diễn thu hút được đông đảo khán giả. Qua việc tổ chức Liên hoan, cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ hội để nắm bắt được thực lực của sân khấu Thủ đô để đưa ra những giải pháp đầu tư trọng điểm, nhằm khắc phục, khơi thông những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội.

13 vở diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V sẽ diễn ra tại nhiều nhà hát, rạp biểu diễn như: Rạp Đại Nam, Rạp Công nhân, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Quân đội, Trường Đại học VHNT Quân đội... Đây là cơ hội quý giá để khán giả được thưởng thức những tác phẩm, những vở diễn chất lượng của giới nghệ thuật sân khấu nước nhà. 

 BTC Liên hoan sẽ xây dựng kế hoạch giúp các đơn vị nghệ thuật có cơ hội biểu diễn cũng như thông tin đến người dân Thủ đô bằng nhiều cách để các suất diễn thu hút được đông đảo khán giả. Qua việc tổ chức Liên hoan, cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ hội để nắm bắt được thực lực của sân khấu Thủ đô để đưa ra những giải pháp đầu tư trọng điểm, nhằm khắc phục, khơi thông những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội.

(Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội PHẠM THỊ MỸ HOA)

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc