Khi sân khấu “xe duyên” công nghệ

VHO- Trước đây, khán giả Việt vẫn quen với hình ảnh sân khấu là một sàn diễn vài chục mét vuông với những bối cảnh tồn tại từ đầu đến cuối vở diễn, vì vậy cũng khó tránh khỏi cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Thế nên, thời gian qua giới làm nghề ở nước ta đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào tác phẩm sân khấu để tạo dấu ấn mạnh hơn với người xem.

Khi sân khấu “xe duyên” công nghệ - Anh 1

 Tác phẩm sân khấu “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” kết hợp ăn ý giữa sân khấu truyền thống và công nghệ

 Tuy nhiên, nếu sử dụng không khéo hay lạm dụng quá mức sẽ biến sân sân khấu thành tác phẩm điện ảnh “nửa vời”.

Thỏa mãn cả nghe và nhìn

Màn hình LED xuất hiện trên sân khấu sớm nhất có lẽ là trong vở kịch Cánh đồng bất tận của đạo diễn Minh Nguyệt. Để diễn tả một không gian sông nước mênh mông của miền Tây Nam Bộ, trong khi diện tích sàn diễn 5B thì lại quá bé, Minh Nguyệt đã “bấm bụng” thuê màn hình LED với cái giá khá “chát”. Thế nhưng kết quả được đền bù rất xứng đáng, khán giả đã đắm mình vào những cảm xúc chân thật, gần gũi nhất với nhân vật, thậm chí nhiều người phải ồ lên kinh ngạc vì sự mới lạ này. Và rồi các trang thiết bị hiện đại cho sân khấu như dựng cảnh, thiết kế sân khấu điện tử, hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc, tiếng động bắt đầu len lỏi vào các sàn diễn cải lương, kịch nói… Nếu như trước kia, thiết kế sân khấu truyền thống tạo bối cảnh còn thiếu thốn, sơ sài thì ngày nay mọi bối cảnh dễ dàng được thực hiện khi ứng dụng công nghệ; âm thanh ngày càng nâng cấp giúp khán giả “đã tai, đã mắt”. Hơn thế nữa, nó còn giải quyết giúp cho “ông bà bầu” khi mặt bằng gò bó, nhỏ hẹp, mà cảnh trí sân khấu lại cồng kềnh tốn nhiều thời gian chuyển cảnh.

Mới đây nhất, tác phẩm Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung được đạo diễn trẻ Hoàng Tấn phối hợp giữa nghệ thuật sân khấu và công nghệ kỹ thuật điện ảnh hiện đại, với kỹ thuật trình chiếu màn hình LED và gauze, giúp tạo nên một không gian thưởng thức mới lạ với sân khấu 3D có chiều sâu, cảnh chồng cảnh; cảnh và người hòa hợp - điều mà những phân đoạn không thể hiện được trên sân khấu như bơi xuồng giữa dòng sông lớn, đụng độ với tàu của giặc, hay nhân vật lặn sâu dưới đáy biển để tìm bức tượng gỗ… tất cả đã tạo nên những màn diễn cực kỳ sinh động. Chính sự sáng tạo này đã giúp giảm tải phần nào sự nghiêm cẩn, khô khan thường thấy ở những tác phẩm chính kịch; đồng thời giúp khán giả thưởng thức “mãn nhãn” về phần nhìn và “mãn nhĩ” về phần nghe.

Tương tự, Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong những chương trình gần đây cũng đã chịu khó đầu tư, sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 thay vì chỉ có sân khấu tròn truyền thống. Liên đoàn đã dàn dựng sân khấu nổi 4D, kết hợp sử dụng 3 loại sân khấu khác nhau nhằm tạo hiệu ứng nghe, nhìn mới lạ đối với khán giả. Hơn thế nữa, muốn nâng cao một động tác kỹ thuật xiếc, người nghệ sĩ phải mất hằng năm tập luyện, chính vì vậy việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu như ánh sáng, hình ảnh hay thiết kế đạo cụ là vô cùng quan trọng và cần thiết để tạo nên một tiết mục biểu diễn xiếc đỉnh cao, độc đáo, hấp dẫn và thu hút khán giả.

“Hiện đại” hay “hại điện”?

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ làm nghề lại cho rằng, sân khấu không nên quá lệ thuộc vào công nghệ bởi tính duy nhất, độc đáo của mỗi vở diễn trước hết phải thể hiện bằng chính sự tương tác giữa người diễn và người xem thông qua diễn xuất và sự thăng hoa của diễn viên. Khi sử dụng màn hình LED đến mức chiếm lĩnh thiết kế sẽ làm mất đi chất riêng của sân khấu, nếu không thì khán giả đã đi xem phim thay vì tìm đến sàn diễn. Thật vậy, cho dù sân khấu có hiện đại nhưng nếu áp dụng không đúng cách thì vô tình đạo diễn đang gián tiếp “hại chết” tác phẩm của mình. Như không khí của một sân khấu kịch kinh dị, màn hình LED dường như chẳng có tác dụng gì. Bởi với không gian u ám của một cảnh kinh dị, ngay cả một tiếng động nhỏ hay cánh màn phất phơ cũng đủ tạo hiệu ứng “thót tim” cho khán giả. Nhưng những điều đó sẽ hoàn toàn trả về con số 0 nếu dùng màn hình LED để xử lý.

Có thể thấy, khán giả đến với sân khấu 5B vì sự trẻ trung, chân thật trong diễn xuất; đến với Idecaf bởi sự điêu luyện và chuyên nghiệp của những nghệ sĩ tài năng. Công chúng yêu sân khấu Hoàng Thái Thanh lại vì những tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc; còn đến với Phú Nhuận để bước vào không gian ma quái, kinh dị hoặc trở về với khu vườn văn học kinh điển VN và thế giới… Mỗi sân khấu, mỗi loại hình đều có những nét riêng độc đáo và cuốn hút. Thiết kế hòa điệu với diễn xuất của nghệ sĩ để cho ra không gian trong cảm thức của người xem, thăng hoa hơn không gian thực bên ngoài. Nhưng cũng phải dành lời khen tặng cho vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn, dù hiện đại nhưng anh đã dung hòa được yếu tố sân khấu và phim ảnh, khi có những đoạn thì tả thực, có đoạn thì “bắt” khán giả phải tưởng tượng nhân vật đang chui hầm ra sông. Có thể thấy, sự kết hợp ăn ý giữa sân khấu và công nghệ tạo được sự chừng mực, tôn vinh lẫn nhau, không bị bội thực màn hình và không xóa nhòa đặc trưng vốn có của sân khấu.

Việc ứng dụng công nghệ vào sân khấu như một chút “gia vị” vào “món ăn” cho thực khách. Nêm nếm “gia vị” nhiều hay ít, có làm cho khán giả thỏa mãn hay không là tài năng của người dàn dựng. Song có một quy tắc bất di bất dịch là tất cả những phương tiện hỗ trợ này đều phải nhằm một mục đích duy nhất là làm nổi bật chủ đề tư tưởng cho tác phẩm, nếu không nó sẽ trở thành dư thừa, vô bổ, thậm chí làm hỏng cả vở diễn. 

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc