Khi địa phương hỗ trợ: Nghệ thuật “có đất dụng võ”

VHO- Sau một thời gian dài ngừng hoạt động tổ chức biểu diễn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa có một chuyến lưu diễn thành công tại các huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình.

Khi địa phương hỗ trợ: Nghệ thuật “có đất dụng võ” - Anh 1
 

Nghệ sĩ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc biểu diễn

Người dân thì có cơ hội được xem những tác phẩm nghệ thuật chất lượng của một nhà hát hàng đầu Việt Nam, còn nghệ sĩ thì hào hứng khi có cơ hội để trở lại với khán giả, khởi động cho một mùa biểu diễn mới bằng những hoạt động ấn tượng, khó quên.

Hết F0 là lên đường

Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, Sở VH&TT Ninh Bình đã tạo điều kiện để Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn phục vụ nhân dân tại 6 huyện, thành phố là Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Tam Điệp. Do dịch bệnh nên hai năm nay bà con không còn được thưởng thức nghệ thuật thường xuyên, bởi vậy đoàn đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt cũng như tình cảm đặc biệt từ khán giả.

Vừa kết thúc chuyến lưu diễn trở về Hà Nội, nhưng dư âm đối với những cán bộ, nghệ sĩ tham gia lưu diễn thì vẫn y nguyên những cảm xúc dâng trào trong mỗi người. Phó trưởng đoàn Đoàn biểu diễn đương đại của Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ Hồ Liên chia sẻ: “Lịch diễn liên tục các tối trong tuần lễ vừa qua, việc dựng sân khấu, di chuyển tới điểm diễn khá vất vả… nhưng tất cả cán bộ, nghệ sĩ của chuyến lưu diễn lần này đều phấn khởi, hào hứng, bởi mọi mệt nhọc, khó khăn chẳng là gì khi được trở lại với ánh đèn sân khấu. Điều đặc biệt là không chỉ Tỉnh, Sở VH&TT mà tới lãnh đạo các huyện, các tổ chức đoàn thể từ Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... đều đón tiếp đoàn rất trọng thị, nồng hậu. Ninh Bình đã có một chiến dịch quảng bá giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của Nhà hát trước khi đoàn đến. Vì vậy, đến nơi nào chúng tôi cũng được đông đảo bà con tới xem, cổ vũ”.

Ở tất cả những địa phương Nhà hát tới biểu diễn đều có nhà văn hóa riêng, được xây dựng khá tiện nghi đáp ứng được yêu cầu cho nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, từ âm thanh, ánh sáng, sân khấu và có thể phục vụ tới cả nghìn người. Điều này cho thấy Ninh Bình đã rất quan tâm chú trọng tới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân.

Tham gia hai vai diễn trong các vở Bệnh sĩ Nghêu Sò Ốc Hến, nghệ sĩ Tống Minh Tùng hào hứng kể: “Ngay từ khi có lịch biểu diễn, Ban giám đốc Nhà hát đã quán triệt với chúng tôi rất rõ là phải chuẩn bị thật kỹ càng. Dẫu diễn ở Thủ đô hay về địa phương thì vẫn phải đảm bảo chất lượng của một Nhà hát tầm cỡ quốc gia”. Giám đốc Nhà hát, NSƯT Xuân Bắc vừa âm tính sau gần hai tuần mắc Covid-19 cũng đã cùng với các nghệ sĩ đưa nghệ thuật về địa phương với mong muốn thu hút thật nhiều khán giả đến với sân khấu kịch nói.

Khi địa phương hỗ trợ: Nghệ thuật “có đất dụng võ” - Anh 2

Nhà văn hóa ở các huyện, thành phố của Ninh Bình luôn chật kín người xem với nhiều thành phần, tuổi tác

Đi hàng chục cây số chỉ để được xem kịch

Điều làm nghệ sĩ Tống Minh Tùng ấn tượng là dù 20h mới mở màn nhưng rất nhiều khán giả đến trước hàng tiếng đồng hồ để ngồi đợi. Có những khán giả ở cách xa địa điểm biểu diễn tới mấy chục cây số, việc di chuyển không dễ dàng nhưng họ vẫn có mặt ở nhà văn hóa từ sớm và ra về cuối cùng. Kết thúc buổi biểu diễn, nghệ sĩ và khán giả đều nán lại rất lâu để giao lưu và chụp ảnh kỷ niệm. Có buổi, khi NSƯT Xuân Bắc vừa diễn xong một màn vào cánh gà thì thấy cả một đoàn khán giả ùn ùn kéo ra ngoài. Sau mới biết là họ rủ nhau vào hậu trường sân khấu để được gặp, nói chuyện với các nghệ sĩ mà họ yêu mến lâu nay. Bộ phận tổ chức biểu diễn phải ra giải thích là kết thúc chương trình, toàn bộ các nghệ sĩ sẽ có màn gặp gỡ, giao lưu với khán giả, lúc ấy, bà con mới hiểu và yên tâm trở về chỗ ngồi.

“Hai năm rồi chúng tôi mới được đi lưu diễn ở địa phương nên ai cũng xúc động. Mặc dù Hà Nội đang là địa bàn có tỷ lệ người mắc Covid-19 cao trong cả nước, nhưng từ lãnh đạo các huyện, thành phố cho tới người dân Ninh Bình đều vượt qua sự e ngại và tới xem rất đông. Mỗi đêm diễn xong nhận được hàng tràng pháo tay cổ vũ, khán giả ào lên sân khấu chúc mừng, sự nồng hậu ấy cho thấy cuộc sống đang trở lại bình thường, nhất là đối với những người làm nghệ thuật”, nghệ sĩ Hồ Liên bộc bạch.

Chiến dịch tổ chức biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được lên kế hoạch với hàng chục những vở diễn ở các thể loại hài kịch, chính kịch để đáp ứng mọi nhu cầu của khán giả, có thể kể đến Đêm trắng, Điều còn lại, Thiên mệnh, Người tốt nhà số 5, Bão tố Trường Sơn, Bệnh sĩ, Nghêu Sò Ốc Hến, Như thế là tội ác, Cô gái và chiếc xe máy… Trao đổi về phương hướng hoạt động của Nhà hát trong năm 2022, Giám đốc, NSƯT Xuân Bắc cho biết: “Ban giám đốc Nhà hát luôn ý thức trách nhiệm và vai trò là đơn vị hàng đầu của nghệ thuật kịch nói Việt Nam, và vì vậy, việc xây dựng những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao là mục tiêu trọng tâm. Chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm nguồn xã hội hóa để dàn dựng thêm nhiều chương trình, vở diễn mới. Trong năm 2022, nếu tình hình cho phép, Nhà hát sẽ đẩy mạnh tăng số buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài nước, tối thiểu phải có hai chương trình lưu diễn nước ngoài phục vụ kiều bào, giao lưu văn hóa nghệ thuật và lưu diễn xuyên Việt. Khai thác hiệu quả các vở diễn đã được dàn dựng…”. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc