Khép lại chung kết giải Trần Hữu Trang 2022: “Kẻ tám lạng, người nửa cân"
VHO- Sau 5 đêm thi đầy ấn tượng, vòng chung kết “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022” đã chính thức khép lại. Với sự đầu tư bài bản, công phu và kỹ lưỡng, các thí sinh đã mang đến những phần trình diễn đầy cảm xúc, sáng tạo, tươi mới nhưng vẫn gìn giữ được trọn vẹn giá trị, nét tinh túy của bộ môn nghệ thuật cải lương truyền thống.
Phần dự thi của thí sinh Nguyễn Văn Khởi được đánh giá cao
Ngày 31.10 tới đây, tại Nhà hát TP.HCM, đêm tổng kết, công bố và trao giải sẽ được diễn ra, với 30 huy chương (10 vàng và 20 bạc) sẽ được trao cho các nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc.
“Làm nóng” đời sống cải lương
Có thể thấy, từ khi cuộc thi “Tài năng diễn viên cải lương Trần Hữu Trang” được nâng tầm thành giải thưởng cấp quốc gia, BTC đã liên tục cải tiến nội dung thi nhằm tăng thêm sự hấp dẫn và cơ hội rèn nghề cho các diễn viên tham dự, nhờ đó, số lượng thí sinh đăng ký tham gia đã tăng dần lên qua từng năm.
Năm nay, bên cạnh sự xuất hiện của những gương mặt mới thì việc góp mặt của những tên tuổi như: NSƯT Tâm Tâm, NSƯT Lê Trung Thảo, NSƯT Thu Vân, các “chuông vàng” Võ Minh Lâm, Nguyễn Văn Khởi, Nhật Nguyên… đã mang đến một mùa giải hấp dẫn, một “cuộc đua” vô cùng gay cấn. Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến băn khoăn trước việc đánh giá những thí sinh đã đạt danh hiệu NSƯT, thí sinh giành giải Bạc ở mùa trước tiếp tục tham dự kỳ thi năm nay so với các thí sinh mới. Là thành viên của Hội đồng ban giám khảo, NSƯT Quế Trân cho biết, chị không áp lực và cũng không nhát tay khi chấm chọn thí sinh đã có danh hiệu, thâm niên làm nghề. Theo chị, với nghệ thuật biểu diễn, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố cảm xúc mà nghệ sĩ chuyển tải đến người xem. Khi đi thi, đã là thí sinh thì bất kỳ ai cũng đều bị chi phối bởi sức khoẻ, tâm lý… Vì thế, nếu ai làm tốt, giữ tinh thần tốt thì sẽ đạt được kết quả cao.
Qua 5 đêm thi, các thí sinh đã mang đến 27 tiết mục ấn tượng với nhiều màu sắc sinh động, phong phú. Không chỉ trau dồi nhuần nhuyễn về kỹ năng, họ còn đầu tư công phu về mặt hình ảnh, trang phục và cả phần phụ diễn. Là người theo suốt quá trình tập và thi của toàn bộ thí sinh, Nhà giáo Ưu tú Diệu Đức, Trưởng ban Tư vấn nghệ thuật cho biết, các tiết mục đã nhận được sự chăm chút của đạo diễn và sự nỗ lực không mệt mỏi của diễn viên. Cùng với đó, Hội đồng tư vấn cũng góp phần quan trọng hỗ trợ cho chất lượng của từng trích đoạn được nâng lên. “Những nỗ lực ấy đã được đền đáp, có những trích đoạn gây được ấn tượng mạnh, mang tới cảm xúc sâu sắc cho người xem. Thậm chí, có những thí sinh đã gây bất ngờ ngay với cả Hội đồng tư vấn dù theo dõi xuyên suốt trong quá trình tập luyện và biết được những khó khăn mà thí sinh đó đang gặp phải, tuy nhiên khi đứng trên sàn diễn họ đã cháy hết mình và thật sự tỏa sáng”, NGƯT Diệu Đức bày tỏ.
Đi thi là chín, đi học là… mười
Ngoài những nghệ sĩ thường xuyên được mài dũa trên sân khấu thì những gương mặt trẻ, thậm chí có thí sinh chưa từng học qua diễn xuất, khi đến với cuộc thi đã thực sự “lột xác”. Có những vai diễn không đúng sở trường, không đúng khả năng chuyên môn của mình, nhưng các nghệ sĩ vẫn mạnh dạn chọn để thử thách bản thân và đã gây ra những hiệu ứng bất ngờ cho khán giả.
Là diễn viên phía Bắc duy nhất lọt vào chung kết, nghệ sĩ Phương Nga (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đã mang đến nét diễn sang trọng, lịch lãm với nhân vật Thị Lộ trong trích đoạn Đêm cuối cùng của danh nhân. Phương Nga với phần thể hiện nội tâm đang bị giằng xé trước nỗi đau ba họ vì Thị Lộ mà bị họa diệt vong đã chiếm trọn tình cảm của khán giả và nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt. Trong phần trả lời câu hỏi từ Hội đồng báo chí, Phương Nga bày tỏ: “Nếu không giành được giải thưởng thì Phương Nga vẫn sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi vào mùa tới, thậm chí là mùa tới nữa cho đến khi nào có được thành tích như bản thân đã đề ra. Năm 2020, Phương Nga lần đầu đến với cuộc thi nhưng không may mắn, tuy nhiên Phương Nga tâm niệm ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó nên không bao giờ từ bỏ niềm đam mê cháy bỏng của mình”.
Một gương mặt “tuy cũ mà mới” cũng khiến khán giả và Ban giám khảo đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đó là nghệ sĩ Đông Hồ. Sau hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội, Đông Hồ đã thử thách bản thân để thỏa niềm đam mê cải lương từ thời niên thiếu trước khi tuổi tác, sức khỏe cản bước. Ở tuổi 52, anh quyết định tham gia cuộc thi, dù phải cạnh tranh với những nghệ sĩ cải lương có thâm niên, nhưng anh đã xuất sắc tiến vào vòng chung kết. Đông Hồ chia sẻ: “Mục tiêu lớn nhất của mình khi tham gia tranh tài tại cuộc thi lần này là được sống với những vai diễn mình thích, thỏa mãn niềm đam mê của tuổi trẻ. Được tập luyện, được biểu diễn cải lương đã là niềm vui lớn đối với mình, và còn vui hơn nữa khi mang niềm đam mê này đến được với đông đảo khán giả tại Nhà hát Trần Hữu Trang”.
Gần 10 năm mới trở lại dự thi giải Trần Hữu Trang, nghệ sĩ Minh Trường đã chọn thi Kép lão thay vì sở trường là Độc - mùi. Minh Trường cho biết, vì không phải dạng vai sở trường nên anh phải tập trung hơn, nghiên cứu kỹ nhân vật, tập luyện nhiều hơn và bổ sung thêm rất nhiều kỹ năng: “Tham gia giải, tôi có cơ hội tiếp cận, học hỏi những dạng vai mới. Đúng là chỉ trong các cuộc thi mới có động lực để làm những điều mà bình thường mình khó có thể làm được”. Còn với NSƯT Lê Trung Thảo, việc học hỏi và tự hoàn thiện bản thân đã thôi thúc anh tiếp tục chinh phục giải Trần Hữu Trang dù đã “vô duyên” với chiếc huy chương vàng suốt 9 lần dự thi. “Lần này đúng nghĩa là “tự biên tự diễn”, mình viết, mình dựng, mình hát. Qua quá trình đó, tôi thấy mình trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn các kỹ năng để làm nghề lâu dài”, Lê Trung Thảo chia sẻ.
Rõ ràng, các nghệ sĩ tham gia “Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2022” không chỉ nhằm mục đích gặt hái huy chương mà đây là cơ hội để họ được thể hiện tốt nhất năng lực của mình với giới chuyên môn, với khán giả, qua đó nhìn nhận lại để thấy bản thân đã tiến bộ thế nào hay còn thiếu sót điều gì trên bước đường làm nghề.
THẢO MY; ảnh: THÙY TRANG