Hết mình để Rối không còn “kén khán giả”
VHO- Trầm mình dưới làn nước buốt lạnh dưới 10oC hàng tiếng đồng hồ, để rồi mải mê điều khiển con rối khiến mồ hôi lại ướt sũng, vất vả là thế nhưng không một nghệ sĩ nào kêu ca, kể khổ, bởi với họ đó là chuyện thường ngày phải đối diện. Vở rối nước Con yêu mẹ được Nhà hát Múa rối Việt Nam công diễn đúng vào thời điểm Hà Nội gió mùa Đông Bắc đang về.
Nghệ sĩ rối nước ngâm mình trong làn nước lạnh buốt để cống hiến cho khán giả những màn diễn thăng hoa
Sau chiến thắng vang dội của Thân phận nàng Kiều, công chúng lại tiếp tục được thưởng thức vở rối mới với cách dàn dựng sinh động, hấp dẫn, hướng tới đối tượng khán giả “nhí”, giúp các em không chỉ được tiếp cận với nghệ thuật múa rối truyền thống mà còn học theo những hành động đẹp của nhân vật. Ngay sau đêm mở màn, Nhà hát đã liên tiếp ký hợp đồng nhiều suất diễn ngay trong dịp cuối năm...
Khi nghệ thuật lấy cảm hứng từ tình yêu gia đình
Rời Nhà hát sau buổi diễn đầu tiên khi đêm đã gần qua, diễn viên Thùy Linh, vai chính bé Bông của Con yêu mẹ, vội vã trở về với tổ ấm cách nhà hát gần 20 cây số khi cả nhà đã say giấc nồng. Thùy Linh chia sẻ: “Em rất may khi không chỉ ông xã mà bố mẹ chồng cũng rất thấu hiểu cho những vất vả của nghệ sĩ múa rối, tạo mọi điều kiện để em được đi biểu diễn. Nếu không có sự chia sẻ của gia đình chắc em khó trụ lại với nghề”. Linh thổ lộ, những ngày tập vào thời tiết lạnh thì hầu hết các nghệ sĩ đều bị đau xương khớp, cột sống, đây là căn bệnh nghề nghiệp khó tránh nhưng không vì thế mà anh chị em kêu ca mặc dù cường độ tập luyện liên tục có khi tới 3 buổi trong ngày.
Con yêu mẹ kết hợp hai loại hình rối nước và rối cạn với ê kíp sáng tạo: Tác giả Minh Nhật; Đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng; Tạo hình con rối NSƯT Thế Khiển, Tổ tạo hình Nhà hát cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật truyền thống - Nhà hát Múa rối Việt Nam. Điều gì khiến NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam lại lựa chọn dựng Con yêu mẹ, một vở diễn dành riêng cho đối tượng là khán giả nhí? Đạo diễn chia sẻ: “Xuất phát từ thực tế trong các hoạt động như Ngày hội gia đình Việt Nam, Ngày quốc tế Thiếu nhi 1.6..., Ban tổ chức rất muốn mời Nhà hát biểu diễn những chương trình mang đề tài gia đình. Tuy nhiên, đến nay Nhà hát mới có dịp dàn dựng một vở dài về đề tài này. Chúng tôi mong muốn qua Con yêu mẹ, các em nhỏ vốn đang bị cuốn hút bởi các trò chơi điện tử trên smart-phone sẽ có những cảm xúc thiêng liêng chân thật về gia đình như chúng ta đã từng có khi xưa”.
Vở rối mang thông điệp giản dị và thân quen: Gia đình lànơi nuôi dưỡng mỗi con người từlúc chào đời tới lúc trưởng thành, là cội nguồn yêu thương và cóvai tròto lớn trong việc xây dựng, phát triển xã hội. Thông qua giấc mơ của nhân vật bé Bông, khán giả sẽ được hòa mình vào thế giới của thiên nhiên với những chú ếch đàn giỏi, hát hay, những điệu múa uyển chuyển của đàn bướm xinh đẹp rực rỡ sắc màu và đặc biệt là câu chuyện dí dỏm về mẹ con nhà gà... Nhiều trò diễn truyền thống được thực hiện trên sân khấu rối nước đã được sáng tạo, đổi mới, phá cách, tạo nên không gian nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn các em nhỏ.
Một nét đặc biệt là phần âm nhạc có sửdụng những ca khúc thiếu nhi quen thuộc của nhiều thế hệ như: Nhật ký của mẹ, Chú Ếch con, Cho con, Chỉ có một trên đời, Đàn gà con, Đội kèn tí hon… Thật thú vị khi những ca khúc tuổi thơ từ thời “ông bà” lại được khán giả nhí ngày hôm nay tiếp nhận một cách vô cùng hào hứng.
Sân khấu lộng lẫy sắc màu của “Con yêu mẹ”
Nâng nghệ thuật rối nước truyền thống lên một tầm cao mới
Vở diễn sử dụng rối nước truyền thống kết hợp rối dây, rối que, rối mặt nạvới nhiều sáng tạo trong cách thiết kế để các khớp tay, chân con rối có thể chuyển động mềm mại, linh hoạt như người thật. Đây cũng là lần đầu tiên khán giả yêu thích bộ môn này được tận mắt thấy các nhân vật rối vừa chớp mắt, vừa mở miệng. Một điều đặc biệt nữa là thay cho việc sử dụng chất liệu gỗthì toàn bộ các con rối trong vở đều được chế tạo bằng cao su, vẫn đạt hiệu quả về trang trí, tạo hình cũng như điều khiển nhưng quan trọng nhất là có được giá trị sử dụng lâu dài, không bị xỉn màu, gãy vỡ như con rối bằng gỗ. Đây thực sự là phá cách đầy hiệu quả và là tâm huyết của các nghệ sĩ trong suốt quá trình tìm tòi, thử nghiệm, cống hiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đối tượng phục vụ chính của Con yêu mẹ là các em thiếu nhi, tuy nhiên, một lần nữa tác phẩm đã chứng minh quan điểm làm nghệ thuật của Nhà hát Múa rối Việt Nam, dẫu là đối tượng khán giả nào thì chất lượng nghệ thuật và sự sáng tạo vẫn đặt lên hàng đầu. Đó là lý do không chỉ thiếu nhi mà bản thân những phụ huynh đến xem Con yêu mẹ cũng không thể rời mắt và luôn xuýt xoa, thán phục tài nghệ của các nghệ sĩ, những người không những bảo tồn mà còn phát triển các loại hình múa rối, đặc biệt là rối nước truyền thống lên một tầm cao mới. Nhân vật rối ngày hôm nay cử động được nhiều động tác phức tạp hơn, được thiết kế thẩm mỹ và sinh động hơn và đặc biệt là chuyển tải được hiệu quả hơn ngôn ngữ nghệ thuật và ý tưởng của tác phẩm.
Ngay trong thời gian tập luyện và tổng duyệt, nhiều khán giả đã tỏ ra vô cùng thích thú với Con yêu mẹ, vì thế Nhà hát đã ký được nhiều hợp đồng biểu diễn vào dịp các ngày lễ lớn cuối năm. Dịch bệnh Covid-19 cùng cái lạnh buốt của mùa đông Hà Nội không làm các nghệ sĩ nản lòng, họ hăng hái tập luyện và nhiệt tình cống hiến, sẵn sàng ngâm mình trong làn nước lạnh để phục vụ khán giả. Xây dựng một chương trình nghệ thuật thiếu nhi theo đơn đặt hàng của Bộ VHTTDL, Con yêu mẹ đã thực sự đánh trúng vào thị hiếu khán giả, có những tìm tòi bứt phá hiệu quả, mang lại sự mới mẻ đáng ghi nhận cho sân khấu múa rối.
THUÝ HIỀN