Hát Bội qua lăng kính mới cửa người trẻ
VHO- Nghệ thuật truyền thống qua lăng kính của người trẻ đã thật sự gợi mở ra những phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị vốn có. Đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại, là cái nhìn đầy sáng tạo của một lớp người mới trước một thành trì làm nên bản sắc dân tộc.
Dự án “Bội Tự” là sự kết hợp đầy hấp dẫn giữa nghệ thuật Hát Bội và bảng chữ cái tiếng Việt
Mới đây, Nguyễn Phương Vy (SV năm thứ tư, chuyên ngành Thiết kế đồ họa, ĐH Mỹ thuật TP.HCM) đã “thổi” một làn gió mới đầy hấp dẫn vào bộ môn nghệ thuật truyền thống Hát Bội thông qua hệ thống bảng chữ cái tiếng Việt, dự án mang tên “Bội Tự”.
Những khái niệm cơ bản nhất
Có thể thấy, chất liệu nghệ thuật truyền thống luôn là nguồn cảm hứng vô tận khi có thể khai thác ở nhiều khía cạnh và thể hiện qua nhiều cách khác nhau. Đặc biệt, Hát Bội là một trong những loại hình vô cùng ấn tượng về thị giác, từ trang phục biểu diễn, hóa trang, cho đến những chiếc mặt nạ nhiều màu sắc được người nghệ sĩ tỉ mỉ vẽ lên…
Nguyễn Phương Vy rất tâm đắc với dự án
Phương Vy chia sẻ: “Lúc đầu mình nghĩ Hát Bội là một điều gì đó rất xa lạ với giới trẻ chúng mình. Tuy nhiên sau khi có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc nhiều hơn, mình nhận thấy Hát Bội vẫn bền bỉ sống và đến gần với các bạn trẻ qua các chương trình biểu diễn tại các trường học, ở Thảo Cầm Viên hay lăng Lê Văn Duyệt. Có khá nhiều bạn trẻ đến đó để ký họa và xem biểu diễn. Tuy không còn phổ biến như thời kỳ hoàng kim, nhưng Hát Bội vẫn tồn tại, được gìn giữ và yêu mến cho đến tận ngày nay”. Chính vì thế, với mong muốn hiểu hơn về văn hóa truyền thống và chia sẻ nó đến gần hơn với mọi người, Phương Vy đã quyết định lồng ghép Hát Bội vào bảng chữ một cách mới lạ và đa dạng, đặc biệt phù hợp với sở thích của bản thân là Typography (Nghệ thuật chữ). Qua đó, tổng hợp những thông tin cơ bản về bộ môn Hát Bội để người xem qua ít nhiều có thể nắm được những khái niệm cơ bản nhất về loại hình nghệ thuật này, nhất là các bạn trẻ.
Hát Bội là bộ môn bao gồm đa dạng các lĩnh vực nghệ thuật từ văn học, hóa trang, thiết kế trang phục, vũ đạo, ca hát và sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Qua đó, Hát Bội vừa thỏa mãn khán giả từ phần nghe đến phần nhìn. Với chuyên ngành theo học là thiết kế đồ họa, Phương Vy đã chú trọng vào nghệ thuật thị giác để thể hiện phần nhìn thông qua màu sắc, hình ảnh, tính biểu tượng…
Tín hiệu đáng mừng
Dự án “Bội Tự” gồm 2 phần, đó là typeface (kiểu chữ) được lấy cảm hứng từ lông chim trĩ trên chiếc mão trong trang phục Hát Bội và các chữ cái cơ bản trong bảng chữ cái tiếng Việt được cách điệu, lồng ghép hình ảnh minh họa thể hiện cho nội dung của cụm chữ có ký tự đó đứng đầu. Phương Vy đã bắt đầu dự án từ khâu tìm hiểu thông tin để tìm ra các cụm chữ bắt đầu bằng các ký tự cơ bản trong bảng chữ tiếng Việt, sau đó là hình ảnh thể hiện và bắt đầu phác họa. Những hình ảnh được lồng ghép đều được suy nghĩ tính toán kỹ lưỡng, để làm sao vừa thể hiện được ý nghĩa nhưng vẫn giữ được form chữ. Sau khi phác họa lên máy vector hóa, chỉnh sửa, dàn layout và chắt lọc nội dung, các chữ cái cách điệu sẽ được Vy “khoác” lên mình bảng màu retro nhằm tạo cảm giác, hơi hướng truyền thống. Ví dụ như chữ K sẽ đại diện cho “kép”, dùng để chỉ nghệ sĩ nam trên sân khấu, hình ảnh minh họa cho chữ chính là hình tượng nhân vật Ngô Tôn Quyền; hay chữ M sẽ đại diện cho “mão”, một vật dụng dùng cho hầu hết các nhân vật trong Hát Bội, hình ảnh chiếc mão được uốn cong, tô vẽ vô cùng bắt mắt…
Nhắc đến những khó khăn trong khoảng thời gian “thai nghén” thực hiện dự án, Phương Vy cho biết đó là quá trình tìm tư liệu và hình ảnh để cách điệu các con chữ. “Mình nghĩ Hát Bội khó tiếp cận vì đây là loại hình nghệ thuật lâu đời nên nguồn tư liệu khá hiếm và rải rác ở nhiều nơi, các loại hình nghệ thuật khác ra đời sau thì được ghi chép nhiều hơn. Trong quá trình làm mình đã tìm được hai nguồn tư liệu lớn nhất là Sổ tay Hát Bội – Huỳnh Ngọc Trảng và Nghệ thuật Sân khấu Hát Bội – Lê Văn Chiêu. Bên cạnh đó, mình còn ghi chép những nội dung được giới thiệu trong buổi xem hát trực tiếp và chụp lại hình ảnh hóa trang, trên sân khấu làm tư liệu thực hiện dự án”, chủ nhân dự án “Bội Tự” chia sẻ. Và sau một thời gian gắn bó với dự án đầy tâm huyết, Phương Vy đã nhận được những đánh giá cao từ giới chuyên môn, cũng như lời khen ngợi từ phía cộng đồng mạng.
Đây là tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều người trẻ tìm đến với nghệ thuật truyền thống hơn. Chính sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, người trẻ đã sáng tạo và mang đến những góc nhìn mới, qua đó đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng mà vẫn giữ được hồn cốt vốn có. “Để gìn giữ và phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc nói chung và Hát Bội nói riêng, cần sự chung tay góp sức của rất nhiều người, không chỉ trong lĩnh vực thiết kế. Mỗi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau cùng góp sức với khả năng của mình thì các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống mới có thể tiếp cận rộng rãi đến với công chúng”, Phương Vy chia sẻ.
HỒNG HẠNH