Để tài năng trẻ có đất dụng võ

VHO- Có một thực tế từ nhiều năm nay là trong các kỳ liên hoan hay cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, thường thiếu vắng những gương mặt đạo diễn trẻ, nhất là đối với sân khấu phía Bắc…

Để tài năng trẻ có đất dụng võ - Anh 1

 Người trẻ giành chiến thắng “áp đảo” tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020

Việc những đạo diễn “gạo cội” đứng tên dàn dựng hoặc “ẩn danh” làm cố vấn cho một vở diễn là rất phổ biến và đây cũng là lý do khiến đạo diễn trẻ ít có cơ hội để thể hiện mình ở sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp.

Chưa hẳn đã có niềm tin…

Những năm gần đây, dù các liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức thường xuyên hơn với những “cơn mưa” huy chương, giải thưởng; song đằng sau những hoạt động bề nổi, không thể phủ nhận bước đi của sân khấu vẫn còn chậm nhịp so với hiện thực. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này đó là các đơn vị nghệ thuật “chạy đua” tìm chọn đạo diễn có tên tuổi, uy tín để hy vọng vở diễn của mình sẽ tạo được sự chú ý và… nể nang từ phía Hội đồng giám khảo. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai cho rằng, khi các đơn vị nghệ thuật sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, họ sẽ phải tính rất kĩ, sợ khoản đầu tư đổ xuống sông xuống biển nên tên tuổi các tác giả, đạo diễn thành danh là sự an toàn để lựa chọn.

Để tài năng trẻ có đất dụng võ - Anh 2

Thế nhưng, điều đáng bàn là có không ít những vở diễn mặc dù đã “chọn mặt gửi vàng” nhưng khi ra công diễn vẫn bị đánh giá là chất lượng kém. Tham gia vào Ban tổ chức của nhiều cuộc thi sân khấu, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi nhận định: “Thực trạng một đạo diễn có tên tuổi đứng tên nhiều vở diễn là phổ biến ở nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu. Trong 1 năm mà có đạo diễn dàn dựng tới 10 vở thì chất lượng không thể đồng đều vì không đủ thời gian sáng tạo”. Nhà báo Nguyễn Thế Khoa thì cho rằng: “Trong một cuộc thi mà đạo diễn dàn dựng tới cả chục vở thì dĩ nhiên sẽ có vở hay và vở kém. Việc dàn dựng chớp nhoáng chưa đến 1 tháng đã xong một tác phẩm sân khấu thì làm sao có thể đảm bảo chất lượng? Đây là một tiêu cực lớn của ngành sân khấu hiện nay”.

Ngại “trao gửi” những vở diễn mang đi thi thố lấy giải thưởng cho đạo diễn trẻ, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật sử dụng lực lượng này cho những vở diễn tầm tầm, thậm chí nhiều vở dựng xong để rồi cất kho. Không có cơ hội để lựa chọn tác phẩm mà mình tâm huyết, nhiều đạo diễn trẻ đành chấp nhận làm những vở đặt hàng theo kiểu đầu tư ít ỏi, gây dựng dần thương hiệu cho mình, mong đến lúc nào đó được giao nhiệm vụ lớn hơn… Dù đã được gọi là đạo diễn nhưng cơ hội để làm nghề chưa thực sự rộng mở nên họ cứ loay hoay trong những ý tưởng không biết có thực hiện nổi không trong điều kiện khó khăn của sân khấu hiện thời.

Để tài năng trẻ có đất dụng võ - Anh 3

 Với vở “Thân phận nàng Kiều” tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2019, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc

Cần thiết phải có những tên tuổi đạo diễn riêng

Dù lực lượng đạo diễn trẻ tốt nghiệp hằng năm không hề nhỏ nhưng những người trụ lại được với nghề chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thực tế, nhiều đạo diễn ra trường đã phải bươn chải qua đủ thứ công việc để “nuôi” niềm đam mê của mình. Không ít người đành từ bỏ sân khấu để bắt tay với truyền hình hay điện ảnh, thậm chí bỏ hẳn nghề sang làm lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận là không phải nhà hát hay đơn vị nghệ thuật nào cũng khép cửa với các gương mặt mới này. Bởi lẽ, đa phần các đạo diễn sân khấu hiện nay đều xuất thân là những diễn viên tài năng và “điêu luyện” trong nghề. Đó là lý do gần đây ở một số cuộc thi và liên hoan sân khấu đã xuất hiện các “nhân tố mới”, thậm chí, có những cuộc thi đạo diễn trẻ đã “áp đảo” các giải thưởng như Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020, giải đạo diễn xuất sắc được trao cho đạo diễn, NSƯT Trần Lực với vở Bạch đàn liễu; đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh với vở Người tốt nhà số 5... Bên cạnh những đạo diễn ở độ tuổi sung sức và đã được khẳng định qua nhiều tác phẩm như: NSND Nguyễn Tiến Dũng (Múa rối), NSND Tống Toàn Thắng (Xiếc), NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Triệu Trung Kiên (Cải lương), NSƯT Trần Lực (Kịch)… thì sự đóng góp của những gương mặt đạo diễn mới gần đây cũng đã thổi vào niềm tin về một thế hệ “kế nghiệp” của sân khấu đương đại như: NSND Tự Long, NSƯT Lê Tuấn Cường (Chèo), NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Bùi Như Lai (Kịch nói)…

Để tài năng trẻ có đất dụng võ - Anh 4

Đã tới lúc, mỗi nhà hát, mỗi đơn vị nghệ thuật cần phải xây dựng cho mình những tên tuổi đạo diễn riêng để làm nên bản sắc của mình. Điều này có thể thấy rất rõ ở những đơn vị như: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ… Hai gương mặt đạo diễn trẻ, sớm thành danh của Nhà hát Cải lương Việt Nam là NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Triệu Trung Kiên là những ví dụ điển hình. Tài năng và lòng yêu nghề của họ đã được Ban giám đốc và tập thể các anh chị em nghệ sĩ ủng hộ, giúp họ trở thành những đạo diễn sáng giá nhất của sân khấu Cải lương hiện nay.

Con đường “ khẳng định” mình của các đạo diễn trẻ còn rất nhiều gian nan. Cùng với tài năng và sự cố gắng của từng đạo diễn thì lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng cần có sự đổi mới tư duy ngay từ khi lựa chọn ê kíp sáng tạo. Sẽ không thua thiệt nếu như họ biết đặt lòng tin cho đạo diễn trẻ đúng chỗ, đúng người và đúng thời điểm. Sự thành công và khẳng định tài năng của một số gương mặt đạo diễn trẻ hiện nay chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo của nhiều đơn vị sân khấu cũng như hội đồng nghệ thuật ở từng đơn vị nghệ thuật phải nhìn nhận lại nếu thực sự họ mong muốn làm mới chính mình để tiếp cận khán giả đương đại. 

 THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc