Để giải thưởng liên hoan sân khấu không mang tính hình thức...
VHO- Liên tiếp hai năm đại dịch, ngành sân khấu đã phải gánh chịu những tác động nặng nề. Đến lúc này, giới nghề vẫn chưa thể dự đoán được bao giờ sân khấu có thể sáng đèn, phục vụ bình thường trở lại, và điều quan trọng là liệu công chúng yêu nghệ thuật có “quên” mất thói quen đến nhà hát?
Trao đổi với Văn Hóa, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Giang Mạnh Hà đã chia sẻ những nhận định cũng như những giải pháp căn cơ giúp sân khấu “hút” khán giả trở lại.
Sân khấu những năm gần đây đã gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động tổ chức biểu diễn vì ảnh hưởng của đại dịch. Vì thế sự phục hồi để các nhà hát trở lại hoạt động bình thường vẫn đang là bài toán nan giải?
- NSND Giang Mạnh Hà: Đúng là hiện nay các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp chưa thể lên kế hoạch biểu diễn định kỳ, dài hơi, cụ thể bởi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo đánh giá sân khấu đang có chiều hướng phục hồi với nhiều dự án, chương trình nghệ thuật được triển khai và giới thiệu.
Có thể cảm nhận sự khao khát được cống hiến, được quảng bá những tâm huyết sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới sân khấu. Và bản thân khán giả sau một thời gian quá dài không được đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật, họ cũng có nhu cầu được gặp lại những nghệ sĩ mà họ yêu mến. “Cung” và “cầu”, hai điều kiện cần và đủ đó đã tạo nên luồng sinh khí mới cho sân khấu, giúp cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn được hồi sinh sôi động hơn. Xác định năm 2022 khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dự kiến phối hợp với Bộ VHTTDL và các địa phương, các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động quan trọng. Tôi tin diện mạo của sân khấu sẽ có nhiều đột phá, nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phong phú về thể loại và đề tài sáng tạo.
Có không ít ý kiến cho rằng, nhiều cuộc liên hoan, trại sáng tác chỉ là hình thức và mang lại ít giá trị thật sự cho nghệ thuật. Ông bình luận thế nào về điều này?
- Tổ chức liên hoan ngoài mục đích thi thố thì còn là cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Cho rằng tổ chức liên hoan gần đây trở nên hình thức theo tôi là chưa chính xác, bởi lẽ, việc tham gia các cuộc thi, liên hoan cũng là động lực để các đơn vị nghệ thuật đầu tư dàn dựng công phu hơn, nghiêm túc hơn.
Giải thưởng ở các cuộc liên hoan cũng là ghi nhận, đánh giá thương hiệu, uy tín của từng đơn vị nghệ thuật. Để các giải thưởng có giá trị và không mang tính hình thức thì chính bản thân Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật của các cuộc thi, liên hoan cũng phải đổi mới cách thức tổ chức, thực sự công tâm, khách quan, lấy giá trị nghệ thuật là cốt lõi thì mới có thể kích thích và tạo động lực cho nghệ thuật phát triển.
Tổ chức trại sáng tác là tạo sân chơi, không gian sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ các tác giả sân khấu. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã mở rộng mời thêm các nhà văn tham gia nhằm nâng cao chất lượng kịch bản. Tuy nhiên, để tạo nên sự đột phá và hiệu quả thì phụ thuộc phần lớn vào nội lực và tài năng của bản thân các nhà biên kịch. Họ phải tự thay đổi, trau dồi để cho ra đời tác phẩm phù hợp với yêu cầu của các đơn vị nghệ thuật cũng như tạo sức hấp dẫn đối với khán giả. Qua các trại sáng tác, Hội cũng định hướng và đề nghị các tác giả quan tâm hơn đến vấn đề thời sự đương thời. Khi người cầm bút thâm nhập thực tế, rung cảm, hòa mình vào đời sống xã hội, cảm nhận được những khao khát cháy bỏng, những mong muốn, trăn trở của người dân thì họ mới viết được kịch bản hay, có chất lượng...
“Thượng Thiên Thánh Mẫu” của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực đổi mới khi kết hợp hai loại hình Xiếc - Cải lương
Nghệ thuật sân khấu đang bị coi là ngày càng đi vào lối mòn, thiếu sự đột phá trong sáng tạo. Cần phải làm gì để thay đổi thực trạng đó, thưa ông?
- Có thể nói, từ khâu nhà hát, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật sân khấu… đều đang quá cũ kỹ, lạc hậu và xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, rất khó để có được sự đột phá trong sáng tạo nghệ thuật. Chúng ta thiếu những nhà hát hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới nghệ thuật. Theo tôi, văn hóa nghệ thuật lâu nay chưa được quan tâm chỉ đạo, đầu tư tương xứng; khi xử lý những vấn đề liên quan đến văn hóa, ý kiến của các chuyên gia cũng chưa được coi trọng đúng mức. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách” vẫn chưa tạo được động lực cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Có thể thấy, sân khấu hiện đang khủng hoảng về nhân lực ở mọi thành phần, từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn cho đến những nhà quản lý, nhà lý luận phê bình... Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các chính sách đãi ngộ của Nhà nước.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” và có những chỉ đạo trực tiếp để giới văn nghệ sĩ có niềm tin về sự phát triển của văn hóa. Chúng tôi được biết, Chính phủ cho phép Bộ VHTTDL nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản tạo động lực cho những người làm nghệ thuật biểu diễn. Rất mong cơ quan soạn thảo Nghị định nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật để có chế độ, chính sách đặc thù, phù hợp, cụ thể tới từng loại hình nghệ thuật khác nhau, quy định về đào tạo chuyên sâu…
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án tập trung nguồn lực phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn. Tôi cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt của các đơn vị nghệ thuật hiện nay là làm sao tìm ra được cách thức thể hiện mới, sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Giải thưởng ở các cuộc liên hoan cũng là ghi nhận, đánh giá thương hiệu, uy tín của từng đơn vị nghệ thuật. Để các giải thưởng có giá trị và không mang tính hình thức thì chính bản thân Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật của các cuộc thi, liên hoan cũng phải đổi mới cách thức tổ chức, thực sự công tâm, khách quan, lấy giá trị nghệ thuật là cốt lõi thì mới có thể kích thích và tạo động lực cho nghệ thuật phát triển. (NSND GIANG MẠNH HÀ) |
THUÝ HIỀN (Thực hiện)