Để giải thưởng liên hoan sân khấu không mang tính hình thức
VHO- “Để giải thưởng Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 nói riêng và các đợt liên hoan nghệ thuật biểu diễn nói chung không mang tính hình thức và thực sự chất lượng, Bộ VHTTDL đã xem xét, thành lập Hội đồng nghệ thuật gồm những nhà chuyên môn có uy tín, phẩm chất, tài năng và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn. Hội đồng sẽ “cầm cân nảy mực” công tâm, khách quan, trước tiên là vì uy tín của chính họ”…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Văn Hóa.
P.V: Thưa Thứ trưởng, Hội đồng nghệ thuật có vai trò quan trọng để tạo nên thành công của một cuộc liên hoan nghệ thuật. Một hội đồng khách quan, công tâm sẽ giúp nghệ sĩ có thêm niềm tin để bước vào liên hoan với tinh thần cạnh tranh sáng tạo lành mạnh. Với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc 2022, Thứ trưởng có thể chia sẻ về thành phần của Hội đồng nghệ thuật lần này?
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Những năm qua, Bộ VHTTDL đã liên tục tổ chức theo định kỳ các cuộc liên hoan cho từng loại hình nghệ thuật. Ðiều này là cần thiết, bởi qua mỗi kỳ cuộc, diện mạo sân khấu phần nào sẽ được thể hiện và nhìn nhận một cách rõ nét hơn. Chúng tôi hiểu rất rõ Hội đồng nghệ thuật có vị trí quan trọng, nên trong Quy chế chấm, xét giải Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng. Theo đó, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 phải là những nhà chuyên môn có phẩm chất đạo đức, công tâm, trong sáng; có uy tín và tài năng nghệ thuật; là NSND, NSƯT, có ảnh hưởng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn và xã hội, đặc biệt phải là người am hiểu về loại hình nghệ thuật Chèo.
Bảy thành viên trong Hội đồng nghệ thuật có đầy đủ các thành phần: Tác giả, nhà nghiên cứu phê bình - đào tạo, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ biểu diễn… Liên hoan lần này sẽ có những nhân tố mới chưa từng tham gia xét giải, họ là nghệ sĩ nổi tiếng, đang hoạt động nghệ thuật sung sức, để qua đó tạo nên những lối tư duy và quan niệm mới mẻ. Nhằm đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, Hội đồng sẽ đánh giá, thảo luận, bàn bạc dân chủ, xét giải thông qua hình thức chấm điểm độc lập bằng phiếu kín. Kết quả là điểm trung bình cộng của các thành viên. Thành viên nào chấm cao hoặc thấp hơn 1,5 điểm so với trung bình cộng của toàn Hội đồng thì điểm số đó sẽ bị loại bỏ.
Không chỉ Bộ VHTTDL mà nhiều ngành, nhiều địa phương cũng tổ chức liên hoan nghệ thuật theo định kỳ. Tuy nhiên, đã có không ít “điều ra tiếng vào” về giải thưởng hoặc đánh giá của hội đồng nghệ thuật. Thứ trưởng có thể chia sẻ về hiện tượng này?
- Khi tham dự bất kỳ một cuộc thi, liên hoan nghệ thuật nào, các đơn vị hay cá nhân nghệ sĩ, diễn viên đều mong muốn có giải. Nhưng, cũng cần phải nhìn nhận rằng sẽ có những vở diễn hay hơn, những vai diễn nổi bật hơn hoặc có những thành phần sáng tạo xuất sắc hơn trong mặt bằng chung. Và vì vậy, để tìm ra được tác phẩm, nghệ sĩ xuất sắc là vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật. Họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để “so bó đũa chọn cột cờ” một cách chính xác. Giải thưởng ở các cuộc liên hoan cũng là ghi nhận, đánh giá thương hiệu, uy tín của từng đơn vị.
Để giải thưởng có giá trị và không mang tính hình thức thì chính bản thân Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật cũng phải đổi mới cách thức tổ chức, thực sự công tâm, khách quan, lấy giá trị nghệ thuật là cốt lõi thì mới có thể kích thích và tạo động lực cho nghệ thuật phát triển. Tôi tin, ở vị trí “cầm cân, nảy mực”, Hội đồng nghệ thuật năm nay sẽ chấm một cách công bằng, khách quan, trước tiên là vì uy tín của chính họ. Không chỉ Hội đồng mà bản thân các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ cũng cần khắt khe với chính mình trong việc đánh giá khen chê các tác phẩm tại Liên hoan. Đặc biệt, nghệ thuật không bao giờ có đỉnh cao nhất, nếu chúng ta tự hài lòng và cho rằng tác phẩm của mình là “số 1” thì sẽ không thể có những tác phẩm vượt trội hơn.
Vở “Cánh diều lạc gió” của Nhà hát Chèo Việt Nam
Trước thềm Liên hoan, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ đều quan tâm tới tiêu chí chấm điểm trao giải. Có điểm ưu tiên nào cho tác phẩm và thành phần sáng tạo không, thưa Thứ trưởng?
- Về tiêu chí xét giải thưởng cho vở diễn, BTC khuyến khích các tác phẩm đề cao cái đẹp, giá trị nhân văn; mang tính dự báo, có tác động tích cực tới đời sống xã hội, nhận thức của khán giả yêu nghệ thuật và mọi tầng lớp nhân dân; có nội dung hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Về nghệ thuật và hình thức thể hiện, Hội đồng Nghệ thuật sẽ không chấm điểm, xét giải đối với các vở diễn phá vỡ nguyên tắc, đặc trưng của loại hình nghệ thuật Chèo. Tác phẩm dự thi phải đạt tính thẩm mỹ cao về hình tượng nghệ thuật và giá trị nhân văn, khắc họa rõ nét đặc trưng của Chèo truyền thống; thể hiện rõ các chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật là nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ…
Một trong những bất cập lâu nay đó là ở quy định giải thưởng vở diễn và giải thưởng cho diễn viên không vượt quá 35% tổng số vở tham gia, trong đó, số lượng HCV không được vượt quá 35% tổng cơ cấu giải thưởng. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này mang tính hành chính chủ quan và quá nguyên tắc, không xuất phát từ tinh thần liên hoan là nhìn nhận, đánh giá về giá trị nghệ thuật. Xin Thứ trưởng bật mí về tiêu chí chấm giải của Hội đồng giám khảo Liên hoan năm nay liệu có đi vào lối mòn?
- Quy định là vậy nhưng việc xét giải thưởng cũng sẽ căn cứ vào chất lượng của từng liên hoan. Với những liên hoan có số lượng vở diễn đạt giá trị nghệ thuật cao và vượt trội thì Hội đồng nghệ thuật sẽ đề xuất với Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cân nhắc tăng thêm số lượng giải cho phù hợp. Ban chỉ đạo cũng đã thống nhất quan điểm nếu như mặt bằng chất lượng các vở tham gia không đạt chất lượng cũng sẽ không cầu toàn để trao cho đủ số lượng giải thưởng.
Thời gian gần đây, những người làm nghệ thuật Chèo đã có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này, sự lan tỏa của Chèo đối với đời sống xã hội rất mạnh so với các loại hình sân khấu truyền thống khác. Con số kỷ lục 27 vở diễn với 16 đơn vị tham gia Liên hoan lần này là một tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi cảm nhận sự khao khát được cống hiến, được quảng bá những tâm huyết sáng tạo của giới nghề. Tôi tin Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 sẽ có những đột phá, nở rộ nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Tổng kết Liên hoan, Hội đồng nghệ thuật cũng cần đánh giá một cách cụ thể giúp cho các đơn vị nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý nhà nước có những giải pháp tháo gỡ để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại.
Khi tham dự bất kỳ một cuộc thi, liên hoan nghệ thuật nào, các đơn vị hay cá nhân nghệ sĩ, diễn viên đều mong muốn có giải. Nhưng, cần phải nhìn nhận sẽ có những vở diễn hay hơn, những vai diễn nổi bật hơn hoặc có những thành phần sáng tạo xuất sắc hơn trong mặt bằng chung. Và vì vậy, để tìm ra được tác phẩm, nghệ sĩ xuất sắc là vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật. Họ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng để “so bó đũa chọn cột cờ” một cách chính xác. Giải thưởng ở các cuộc liên hoan cũng là ghi nhận, đánh giá thương hiệu, uy tín của từng đơn vị. Để các giải thưởng có giá trị và không mang tính hình thức thì chính bản thân Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật cũng phải đổi mới cách thức tổ chức, thực sự công tâm, khách quan, lấy giá trị nghệ thuật là cốt lõi thì mới có thể kích thích và tạo động lực cho nghệ thuật phát triển. (Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG) |
THÚY HIỀN (thực hiện)