Đề án “Xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu”: Tác phẩm sân khấu ra đời phải là sản phẩm đặc biệt
VHO- Trong bối cảnh sàn diễn đang ở giai đoạn trầm lắng, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống rất khó tiếp cận lớp trẻ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang hoàn thiện đề án “Xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu”, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng và xây dựng mô hình đặc trưng của sân khấu từng vùng, miền...
Vở “Búp bê không biết khóc” do nhóm NSƯT Ngọc Trinh thực hiện tạo được ấn tượng tốt trong lòng khán giả
Để tiếp cận được lớp khán giả đương đại, việc đào tạo trong thưởng thức nghệ thuật là điều vô cùng cần thiết. Sân khấu học đường phải thật sự đóng vai trò nâng cao giá trị con người qua việc tham gia tích cực các hoạt động văn hoá nghệ thuật, trong đó, mô hình sân khấu trong trường học và tác phẩm dành cho công chúng đúng độ tuổi là rất quan trọng.
Cần dẹp bỏ tư tưởng than vãn
Năm qua là một năm đặc biệt trong lịch sử sân khấu và các hoạt động nghệ thuật. Già nửa đầu năm trôi qua không có chương trình biểu diễn sân khấu nào được tổ chức bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng đây lại là giai đoạn sân khấu có khoảng lặng để tìm kiếm hướng đi mới phù hợp. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong buổi làm việc với Liên chi Hội Sân khấu khu vực TP.HCM cho biết, đề án “Xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu” đã được Ban chấp hành Hội nhất trí cao. Theo đó, từng khu vực trên cả nước sẽ thiết kế mô hình đưa sân khấu đến với công chúng trẻ mang tính đặc thù của sân khấu vùng miền. Bà nhấn mạnh: “Càng bị đẩy vào thế khó, người làm sân khấu cần dẹp bỏ tư tưởng than vãn để bắt tay vào thực hiện ngay những việc cần thiết, vận dụng sáng tạo độc đáo để đưa sân khấu trở lại với những đêm diễn chật kín khán giả, mà trong đó phải có số đông người trẻ”.
Từ tháng 5.2020, Bộ VHTTDL đã có một chiến dịch hỗ trợ các nhà hát Trung ương bằng việc đưa các tác phẩm tiêu biểu nhất biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trong “tình hình mới”, chưa phải là hướng đi bền vững để xây dựng lớp khán giả tương lai cho sàn diễn. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng, nếu cứ dựng và diễn theo lối mòn, phát vé mời để khán giả đến xem thì xin đừng than vãn là vì sao họ không bỏ tiền mua vé. Các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL phải đi đầu trong việc thay đổi tư duy làm vở chất lượng và chạm được tới cảm xúc của công chúng đương đại. Cần phải thiết lập những trọng điểm để xây dựng cho chuẩn đề án này theo phân khúc sân khấu của từng khu vực, làm sao để nét đặc trưng của nghệ thuật ở từng nơi đang có thế mạnh sẽ xoay đúng quỹ đạo khán giả trẻ yêu thích. “Để đạt được chuẩn mực đó, cần phải đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, hình thức dàn dựng và điều cần thiết chính là gieo vào lòng khán giả khái niệm về thánh đường sân khấu”, ông nhấn mạnh.
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ, đã là nghệ sĩ thì ai cũng muốn sáng tạo và cống hiến để có những tác phẩm chất lượng, có doanh thu cao. Nhưng làm được như vậy không đơn giản, ví dụ như trên lĩnh vực sân khấu truyền thống, khi muốn sáng tạo mới cũng phải giữ bản sắc của dân tộc, nếu không thì lại mang tiếng là “gieo vừng ra ngô”. Ông cho rằng, trong sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, tác phẩm sân khấu ra đời phải là sản phẩm đặc biệt, mà đã là sản phẩm thì phải quảng cáo, nhưng quảng cáo của sân khấu dường như đang bị bỏ quên. Nhiều lý do khiến sân khấu gặp khó khăn, từ kinh phí, loại hình cho đến chất lượng, trong đó có đầu tư rạp bãi, trang thiết bị đang ở mức thiếu chuyên nghiệp. “Nhìn vào lực lượng chính để sáng tạo ra tác phẩm, chúng ta không có nhiều tác giả và đạo diễn trẻ có sức bứt phá lớn, có sức cạnh tranh với những loại hình nghệ thuật, giải trí khác. Sân khấu của ta lâu nay thiên về sáng tác và dàn dựng đề tài lịch sử, ít quan tâm tới những vấn đề xã hội nóng bỏng, vì vậy vắng khán giả, nhất là người trẻ là điều tất yếu”, NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ.
Khủng hoảng khán giả trẻ
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nghệ thuật sân khấu Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng “khủng hoảng khán giả trẻ” khi thị hiếu thẩm mỹ của nghệ sĩ chưa tìm được quỹ đạo chung với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng đương đại. “Tôi cho rằng khán giả là một trong những thành tố nội sinh cơ bản của nghệ thuật sân khấu nhưng lâu nay ít được quan tâm so với tác giả, đạo diễn, diễn viên… Muốn chấn hưng
lại nghệ thuật sân khấu thì trước hết nên đầu tư chiến lược cho khán giả trẻ bằng giáo dục thẩm mỹ sân khấu ngay từ trong học đường”, PGS.TS Trần Trí Trắc nói. Theo phân tích của ông, khán giả Việt Nam đương thời có sự phân hóa lớn về thị hiếu thẩm mỹ theo vùng miền, nếu khán giả trẻ được tiếp cận sân khấu từ trong học đường theo từng cấp độ học vấn sẽ góp phần định hướng xã hội.
Để xây dựng khán giả cho sân khấu vùng miền, thì sân khấu học đường phải thật sự đóng vai trò nâng cao giá trị con người qua việc tham gia tích cực các hoạt động văn hoá nghệ thuật, trong đó mô hình sân khấu học đường và tác phẩm dành cho đúng độ tuổi rất quan trọng. NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, mỗi vùng miền xây dựng mô hình tiếp cận khán giả trẻ khác nhau sẽ góp phần tạo nên một thế hệ khán giả yêu nghệ thuật sân khấu. Chính cách làm mới trong đề án tiếp cận khán giả trẻ, tạo tính tương tác cao qua hàng loạt các chương trình “Sân khấu học đường” được đầu tư, chăm chút đúng với tiêu chí của từng vùng miền, đồng thời các đơn vị nghệ thuật sẽ dàn dựng các tác phẩm đúng chuẩn dành cho người trẻ, bà tin hướng đi tích cực này sẽ giúp nghệ thuật sân khấu tăng cường phát triển nguồn lực khán giả tương lai.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM chia sẻ, cần thiết giải mã thành công chủ trương xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu. Trong xã hội phát triển, khán giả hôm nay am hiểu về công nghệ, có trình độ kiến thức nên họ có nhiều lựa chọn về hình thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, hơn lúc nào hết, sân khấu đang phải đối mặt với thực trạng thưa vắng người xem. “Đổi mới tư duy xây dựng khán giả không thể cứ áp đặt mà phải hướng đến sự hấp dẫn để kéo họ đến với sân khấu. Đây là nhiệm vụ sống còn của các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay”.
Theo các nhà chuyên môn, cần phải phân khúc khán giả trẻ trên một biểu đồ chuẩn xác. Có sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước để tăng cường việc đưa học sinh, sinh viên đến sân khấu thì đề án này mới khả thi. Đồng ý là đề án sẽ giao cho từng khu vực thiết kế mô hình xây dựng khán giả trẻ theo cách của mình, nhưng tính chủ động tìm đến với họ không nằm ở sự ban phát. Làm sao phải tiếp cận dần nhưng không biến chất về nghệ thuật của từng loại hình sân khấu mới là cốt lõi. Làm được điều này rất cần sự đối thoại và phản biện trong mỗi đề án đưa sân khấu vùng miền đến với khán giả trẻ.
Trong sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, tác phẩm sân khấu ra đời phải là sản phẩm đặc biệt, mà đã là sản phẩm thì phải quảng cáo, nhưng quảng cáo của sân khấu dường như đang bị bỏ quên. Nhiều lý do khiến sân khấu gặp khó khăn, từ kinh phí, loại hình cho đến chất lượng, trong đó có đầu tư rạp bãi, trang thiết bị đang ở mức thiếu chuyên nghiệp. (NSND LÊ TIẾN THỌ) |
THÁI LUÂN