Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền: Người "gác đền" của sân khấu chính kịch đã ra đi...

VHO-Tin đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền đã ra đi được những người làm nghệ thuật sân khấu truyền đi với biết bao sự tiếc nuối. Nhắc đến lịch sử phát triển của nghệ thuật sân khấu không thể không nhắc đến đạo diễn - NSND Ngô Xuân Huyền. Ông như một tượng đài sừng sững của nghệ thuật sân khấu.

Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền: Người

Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Văn Hóa 

Đạo diễn cá tính trong sáng tạo

Không chấp nhận kiểu dựng vở xô bồ, chỉ dựng những kịch bản mà mình say mê là lý do khiến một số người cho Xuân Huyền là gàn khi từ chối nhiều cơ hội để kiếm tiền. Chính nguyên tắc "cực đoan" ấy khiến Xuân Huyền tạo nên một phong cách riêng không trộn lẫn với ai. Đó cũng là lý do vì sao khi các đơn vị nghệ thuật dàn dựng chính kịch, đạo diễn đầu tiên mà họ nghĩ đến không ai khác ngoài ông. 

Xuất thân là diễn viên của Đoàn tuồng Liên khu V nên Xuân Huyền đã giành nhiều tâm huyết để giúp người diễn viên thổi lửa cho các hình tượng nhân vật của mình. Những năm 60 của thế kỷ trước, ông thường sắm những nhân vật phản diện, nhất là hay đóng tây, thực dân bởi vóc dáng cao lớn, da trắng và chất giọng vang khỏe. Cho đến khi đi học đạo diễn ở Liên Xô, 6 năm học trở về với vai trò là một đạo diễn ông mới phát huy được tài năng thực sự của mình. Với số lượng hơn 300 vở diễn với đủ các loại hình sân khấu: Kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca... Khi ra đi, về với cát bụi, Xuân Huyền có quyền tự hào khi nhìn lại chặng đường lao động sáng tạo nghệ thuật của mình. Những vở diễn đầy tính triết lý xã hội sâu sắc của đạo diễn Xuân Huyền đã thấm đẫm vào tâm trí của khán giả : Đi đến một mùa xuân, Othello, Tôi tìm tôi, Bến bờ xa lắc, Lời thề thứ 9, Ám ảnh xanh, Nhà có ba chị em gái, Vòng đời, Cát bụi...

Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền: Người

Cảnh trong vở Bến bờ xa lắc của Nhà hát Tuổi Trẻ do đạo diễn, NSND Xuân Huyền dàn dựng

Xem tác phẩm Xuân Huyền dàn dựng thấy rõ sự trau chuốt, kỹ lưỡng và cả tâm huyết của ông. Vở diễn nào ông cũng chú trọng đề cao và làm nổi trội tính tư tưởng và gửi gắm những thông điệp đầy nhân văn về cuộc sống với xã hội. Người xem thấy được những trăn trở, những bức xúc của thời đại và của mình trong đó. Một dạo, sân khấu chính kịch ngậm ngùi nhường ngôi cho sân khấu hài, các nhà hát đua nhau dựng hài thì bảng hiệu đều không có tên Xuân Huyền dàn dựng. Kiêu, dĩ nhiên rồi! Nhiều câu ông nói, bạn bè, đồng nghiệp vẫn tủm tỉm trích dẫn trong lúc trà dư tửu hậu, kiểu như: “Làm hay mới dễ chứ làm dở khó lắm. Muốn dở cũng không dở được!”. Ở ngoài trông ông như một công chức chỉn chu, rụt rè, luôn ý thức về chiều cao, đi bao giờ cũng chúi đầu về phía trước cho khiêm tốn với mọi người. Ông chỉ mạnh mẽ, quyết liệt khi nói về nghệ thuật hay khi nói về những tác phẩm mà ông dàn dựng. Xuân Huyền không bao giờ ngại dựng những kịch bản gai góc, mỗi vở diễn của ông đều ngồn ngộn chất hiện thực, nóng hổi tính thời đại và sâu lắng những triết lý cuộc đời. Từng hình tượng, chi tiết kịch đều được ông lựa chọn cẩn trọng, tinh tế. Với cách thể hiện sáng tạo, bứt phá vấn đề của ông đặt ra luôn lay thức người xem, tạo nên sự chú ý của dư luận.

Cũng có lúc Xuân Huyền dựng những vở hài kịch như Người yêu tôi là Hoa hậu, Thầy Khóa làng tôi, Vợ giỏi dạy chồng ngu, Phương thuốc thần kỳ... những cái hài ông thể hiện lại có một lối đi riêng. Ông luôn tận dụng tối đa các trò, miếng để chọc cười khán giả. Yếu tố hài trong các vở của ông chỉ có tính chất điểm xuyết và nó thường ý nhị, sâu sắc chứ không chỉ cốt cù khán giả một cách nhạt nhẽo.  Xem hài ông dựng, người ta thấy thấm cái chất chua cay, sâu xa từ những tiếng cười mà ông tạo ra. Chia sẻ về cách dựng vở của riêng mình, đạo diễn Xuân Huyền đã từng nói :”Sân khấu của tôi, không bao giờ chỉ là trò chơi, trò giải trí, hoặc chỉ là mua vui đơn thuần; mà qua mấy chục mét vuông sàn diễn, tôi muốn mang đến cho cuộc đời những niềm vui, nỗi buồn, cũng như những khát vọng chân chính của con người”.

Thổi đam mê sáng tạo cho trò

Được tin đạo diễn  Xuân Huyền ra đi rất nhiều những nghệ sĩ thành danh là NSND, là đạo diễn nổi tiếng đã thốt lên những tiếc nuối: “Thầy tôi đã ra đi”. Họ chia sẻ trên facebook cá nhân, trên tin nhắn để cùng thương tiếc về một tài năng đầy tâm huyết với nghệ thuật. Xuân Huyền là một giảng viên của Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, đạo diễn đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc, mà trong số họ, không ít người đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu NSND, NSƯT -  hiện đang là các gương mặt sáng giá trong nghệ thuật biểu diễn, cũng như trong công tác quản lý các đơn vị sân khấu cả nước… Khó có thể kể hết những tên học trò của NSND Ngô Xuân Huyền  như: NSND Hoàng Dũng,  NSND Lê Khanh,  NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Quốc Trượng, NSND Thu Quế, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, NSND Hương Thơm, NSND Tự Long, NSƯT Chí Trung, NSƯT Phạm Cường, NSƯT Đức Hải, NSƯT Xuân Bắc...

Trong các cuộc trò chuyện trao đổi về nghề với những diễn viên sân khấu nổi tiếng, họ thường nhắc đến NSND Xuân Huyền với một thái độ vô cùng trân trọng. Với họ ông không chỉ là một đạo diễn mà còn là một người thầy thổi lửa đam mê sáng tạo để người nghệ sĩ tạo nên những hình tượng trên sân khấu khiến người xem phải nhớ, phải yêu. Nhờ con mắt xanh tinh đời của đạo diễn mà nhiều nghệ sĩ đã có những vai diễn “để đời”, ghi dấu ấn trong cuộc đời làm nghệ thuật của họ. NSƯT Đức Khuê mặt nhầu nhầu chưa ai biết tới bỗng làm người xem cười nghiêng ngả với vai lão giám đốc Phước Sinh đàng điếm sống gấp trong Người yêu tôi là hoa hậu của Nhà hát Tuổi Trẻ. NSƯT Phạm Cường vốn dĩ hay vào vai người tốt bỗng hóa thân thành lâm tặc khén tiếng Trần Văn trong Tiếng gọi của Đoàn kịch Quân đội. Vai diễn tạo dấu ấn đầu tiên và cũng là vai làm người trong ngành tuồng tâm phục khẩu phục của NSND Ánh Dương chính là Othello (Nhà hát Tuồng Việt Nam). NSND Trung Hiếu cũng phải cảm ơn con mắt tinh tường của thầy Huyền khi giao cho anh vai nhà văn trong Cát bụi. Vượt qua cái dáng vẻ chuyên vào vai chính diện, Trung Hiếu đã lột xác trở thành một nhân vật lưu manh và đểu cáng khiến người xem ghê sợ.

Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền: Người

Câu lạc bộ Nhà báo Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đến thăm đạo diễn, NSND Xuân Huyền khi ông ở trên giường bệnh

Họa sĩ, NSND Lê Huy Quang, người đã cộng tác với đạo diễn Ngô Xuân Huyền  với liên tục hàng chục năm qua chia sẻ: Trong công việc sáng tạo, Xuân Huyền không bao giờ áp đặt ý đồ cho họa sĩ; ngược lại, anh tận dụng và sử dụng triệt để trang trí một cách sáng tạo và hiệu quả nhất. Với Xuân Huyền, trang trí không tĩnh mà phải động; trang trí không chỉ làm đẹp sân khấu mà quan trọng hơn, là phải tham gia vào vở diễn, tác động trực tiếp, hiệu quả vào diễn xuất của diễn viên. Xuân Huyền là một trong số không nhiều đạo diễn, nắm vững các thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng, tự sự trữ tình của nghệ thuật truyền thống; nên không gian sân khấu của anh được mở rộng thoáng đãng, giản dị mà vẫn bề thế, lộng lẫy; không nệ vào tả thực mà vẫn vừa đủ để nói lên một cách rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc và gợi cảm chủ đề của vở diễn…Đó cũng chính là phong cách đạo diễn độc đáo của Xuân Huyền, để anh bao giờ cũng tạo ra một dấu ấn rất riêng, một diện mạo riêng, không bao giờ bị trộn lẫn vào vở diễn của người khác”. NSND Hoàng Dũng từng kể lại rằng, khi bước lên bục giảng, ông không bao giờ chấp nhận trò vào lớp sau thầy. Thế nhưng, trong một vở kịch, Hoàng Dũng khi đó còn là “lính mới”, rụt rè xin thử một lối diễn khác, ông thầy vốn hét ra lửa lại kiên nhẫn bỏ ra mấy ngày quan sát, và quyết định thuận theo trò. Xuân Huyền không thích sự dễ dãi và luôn nghiêm túc trong nghệ thuật. Đạo diễn luôn khắt khe với những người cộng tác với vì ông không muốn có chi tiết thừa trong vở kịch nhưng lại tôn trọng sự sáng tạo. Ngô Xuân Huyền luôn tâm niệm rằng, khán giả bỏ tiền ra để mua sự thật, chứ không phải để mua cái giả trên sân khấu…

Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền: Người

Vở Cát bụi của Nhà hát Kịch Hà Nội do đạo diễn, NSND Xuân Huyền dàn dựng

   Đối với đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền, cuộc đời như là “cát bụi” – như cách mà ông muốn nói thông qua vở kịch cuối cùng trong chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “NSND Xuân Huyền – Mùa xuân và Sân khấu kịch Việt Nam” với 5 đêm diễn các vở kịch do ông dàn dựng, chương trình do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với gia đình đạo diễn tổ chức năm 2012. Đây cũng coi là một trong những hoạt động cuối cùng khi đến tuổi già, đối diện với bệnh tật khi ông bị tai biến. Mọi thứ xa hoa ở cuộc đời rồi sẽ phù du, cái còn lại sẽ là một tấm lòng, một niềm tin, một lý tưởng… Đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền đã ra đi về cát bụi nhưng những tác phẩm của ông và cả những kí ức về nhân cách, về con người nghệ sĩ của ông sẽ còn mãi trong lòng đồng nghiệp và những khán giả yêu nghệ thuật sân khấu.

Lễ viếng đạo diễn, NSND Ngô Xuân Huyền tổ chức từ 8h00 đến 10h00 ngày 30.11.2020 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (Hà Nội). 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc