Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang: Sân chơi không chỉ dành cho đào, kép chính
VHO- Vừa qua, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã diễn ra vòng sơ tuyển (khu vực TP.HCM) cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020. Có thể nói, đây là cuộc tranh tài khá đặc biệt vì tạo sân chơi cho tất cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không phân biệt độ tuổi. Bên cạnh đó, hạng mục dự thi cũng không chỉ ưu tiên cho đào, kép chính mà mở rộng cho nhiều dạng vai.
Nghệ sĩ Nhã Thy vai Bùi Thị Xuân trong trích đoạn “Nữ tướng Bùi Thị Xuân”
Cuộc thi do Sở VHTT TP.HCM phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) và Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức.
Nhiều đổi mới tạo nên sức hấp dẫn
Tham gia cuộc tranh tài là các thí sinh hầu hết đều đã thành danh trên sân khấu Cải lương và được khán giả mến mộ; nhiều nghệ sĩ đã đạt những thành tích xuất sắc tại các cuộc thi tài năng trên sân khấu chuyên nghiệp. Vòng sơ tuyển cuộc thi diễn ra tại ba địa điểm là TP.HCM từ ngày 3-5.10 (dành cho thí sinh khu vực từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ); tại TP Hà Nội vào ngày 8.10 (dành cho thí sinh từ Thừa Thiên Huế trở ra các tỉnh thành phía Bắc) và TP Cần Thơ từ 12-14.10 (dành cho thí sinh khu vực miền Tây Nam Bộ). Vòng chung kết sẽ diễn ra ở TP.HCM từ 26-30.10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Lễ công bố, trao giải thưởng và công diễn dự kiến vào ngày 3.11.
Tại vòng sơ tuyển, Hội đồng giám khảo gồm có NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Thoại Miêu; ngoài ra còn có Hội đồng tư vấn chuyên môn góp ý, gồm: NGƯT Diệu Đức, NSƯT Phượng Loan và NSƯT Lê Tứ. BTC sẽ trao 30 huy chương (10 HCV và 20 HCB) cho các thể loại vai: Kép mùi, đào mùi; kép độc, đào lẳng; kép lão, đào mụ; kép hài, đào hài... “Việc xác lập giải thưởng đa dạng thể loại là một đổi mới nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thường đảm nhiệm những vai phụ có điều kiện phát huy tài năng và khẳng định sự đóng góp của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật”, đại diện BTC cho biết.
Một nét mới nữa của cuộc thi là BTC không khống chế độ tuổi thí sinh nhằm thu hút các nghệ sĩ có thời gian dài đóng góp cho sân khấu Cải lương, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa từng được khẳng định tài năng trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp. Cho nên, trong danh sách thí sinh có những gương mặt lão thành như Thanh Sơn, Linh Trung, Khánh Tuấn và có những diễn viên tuy ngày thường hay đóng vai mùi nhưng đã chọn thi vai lẳng độc như Kim Ngân, Hà Như, Tô Tấn Loan, Kim Nhuận Phát, Thanh Toàn, Thúy My…
Theo BTC, cuộc thi ghi nhận sự tham gia nhiệt tình của nhiều nghệ sĩ, với sự đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng về chuyên môn đã bước đầu tạo nên tín hiệu đáng mừng. Nhiều nghệ sĩ đã thành danh trên sân khấu cải lương, được đông đảo khán giả mến mộ và nhiều nghệ sĩ trẻ đã đạt những thành tích xuất sắc tại các cuộc thi cũng đăng ký tham gia. Trong số thí sinh còn có những nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Điều này cho thấy sức thu hút, hấp dẫn của cuộc thi là rất lớn.
Gắn kết hoạt động sân khấu Cải lương trên cả nước
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang” theo định hướng nâng tầm quốc gia, mở rộng quy mô tổ chức ra toàn quốc nhằm góp phần phát triển lĩnh vực nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Cải lương nói riêng. Từ đó, một lần nữa khẳng định sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật Cải lương vẫn luôn đồng hành với nhịp sống thời đại. Đây còn là một trong những hoạt động trọng tâm trong Kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2020 của TP.HCM “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
BTC thông tin, ngoài mục đích tìm kiếm các tài năng, tăng cường cho lực lượng nghệ sĩ kế thừa, cuộc thi còn tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các nghệ sĩ, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả. Cuộc thi tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề, sức sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích sự phấn đấu đối với các nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn, qua đó, xây dựng đội ngũ kế thừa... Thành tích của các nghệ sĩ, diễn viên đạt được từ cuộc thi sẽ được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật của cá nhân trong các đợt xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” do Nhà nước phong tặng.
Tại sân chơi chuyên nghiệp này, công chúng sẽ một lần nữa được thưởng thức những trích đoạn kinh điển như Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bên cầu dệt lụa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Ánh Nguyệt, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Câu thơ yên ngựa, Rạng ngọc Côn Sơn, Bến nước Ngũ Bồ... Đây là những trích đoạn nổi tiếng từng được nhiều nghệ sĩ diễn và để lại dấu ấn trong lòng khán giả, cho nên thí sinh càng bị thử thách, phải tìm ra cái mới để vượt lên những “cái bóng” trước đây.
Ghi nhận sau những tiết mục tham gia dự thi, khán giả đã thật sự được thỏa mãn, đắm mình trong không gian nghệ thuật truyền thống với các tiết mục đặc sắc. NSND Trọng Hữu cho biết, chưa thể có được đánh giá toàn diện, tuy nhiên, sau các tiết mục đầu, cho thấy các nghệ sĩ đã thể hiện quá tuyệt vời. “Các bạn có sự đầu tư nghiêm túc trong ca, diễn xuất, kịch bản cũng được dàn dựng hấp dẫn. Hy vọng sân chơi chuyên nghiệp này sẽ là bệ phóng để các nghệ sĩ phát triển tài năng và tạo sức lan tỏa, gắn kết hoạt động sân khấu Cải lương trên khắp mọi miền đất nước”, NSND Trọng Hữu bày tỏ.
THÙY TRANG