“Cuộc chiến Covid” nóng trên sân khấu kịch

Sân khấu kịch Lệ Ngọc vừa ra mắt vở diễn Cuộc chiến Covid (Tác giả Minh Nguyệt, đạo diễn NSND Lê Hùng), vở diễn đã tái hiện hiện khá chân thực và xúc động về một đề tài nóng, mang tính thời sự mà cả xã hội đang quan tâm. Năm 2020 qua đi và đại dịch Covid-19 vẫn còn đang tồn tại ở nhiều quốc gia nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và an toàn, trở thành điểm sáng của công cuộc chống dịch tầm cỡ thế giới…Cuộc chiến Covid đã khai thác khá sắc nét hình ảnh những con người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

 

“Cuộc chiến Covid” nóng trên sân khấu kịch - Anh 1

Tái hiện sinh động hình tượng người bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch

 

Đầy tinh thần công dân, mong muốn tôn vinh một chiến thắng đẹp (cho tới thời điểm hiện nay) của dân tộc với dịch bệnh đang làm cả thế giới chìm trong màu sắc đen tối, giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc, nghệ sĩ Văn Hải chia sẻ: "Chúng tôi là những nghệ sĩ của sân khấu Lệ Ngọc, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, cũng là những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch Covid. Một năm vừa qua, đã trải qua rất nhiều thăng trầm của công việc chống dịch và VN chúng ta cũng là một trong những nước thành công trong chống dịch. Bạn bè thế giới cũng ghi nhận nhân dân Việt Nam tuyệt vời".

Có thể nói một sân khấu kịch xã hội hoá dám xây dựng một đề tài mang tính tuyên truyền, phản ánh cuộc chiến đấu dũng cảm của toàn Đảng, toàn dân chống lại đại dịch trên mọi mặt trận là điều quá táo bạo. Diễn tả một đề tài lớn mà toàn xã hội đang quan tâm với những hiện hữu tồn tại trong cuộc sống quả là không dễ dàng.  Đạo diễn, NSND Lê Hùng vẫn chắc tay nghề khi khéo léo không đi vào các chi tiết chuyên môn ngành nghề như nghề bác sĩ, công an mà xoáy sâu vào nêu bật lên tinh thần của người Việt Nam. Người Việt Nam lá lành đùm lá rách, người Việt Nam thương nhau trong lúc hoạn nạn. Từ Đảng, Chính phủ cho tới người dân ở phố Trúc Bạch, người dân ở HN người ta thương nhau thế nào để cùng vượt qua Covid. NSND Lê Hùng đã trình làng một vở diễn khá hấp dẫn, đời thường, đủ cung bậc bi hài và quan trọng là đã làm dấy lên một tinh thần tự hào Việt Nam rất xúc động.

“Cuộc chiến Covid” nóng trên sân khấu kịch - Anh 2

Người dân ở mọi tầng lớp đều đồng lòng chống dịch

 Với sự trợ lực của màn hình LED, của âm nhạc, tiếng động, tác phẩm đã khắc họa khá toàn diện cuộc chiến của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam. Cuộc chiến không tiếng súng mà đầy khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới đã có hàng triệu người chết trong cô đơn, trong đau đớn, dằn vặt vì căn bệnh lây lan qua đường hô hấp này. Nhưng Việt Nam, một nước nhỏ, tiềm lực kinh tế còn yếu… lại bỗng chốc nổi lên như biểu tượng của niềm tin, hi vọng nhờ vào sự đồng lòng, quyết tâm và ý thức của tất cả mọi công dân. Có được thành quả đó chính là vì lãnh đạo nhanh chóng đưa ra chính sách quyết liệt, rõ ràng để ngăn chặn sự lây lan, sự tuyên truyền sâu rộng, minh bạch của hệ thống truyền thông, sự đồng lòng nhất trí của toàn thể quân dân và đặc biệt là những hi sinh to lớn của đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh nhân vật Đức (Văn Hải thủ vai), vị lãnh đạo tận tâm, lao tâm khổ tứ quên ăn quên ngủ cho công tác chống dịch. Rồi hai mẹ con cùng là bác sĩ: bác sĩ Tú Anh (Lệ Ngọc), Nga (Khương Thủy) kiệt sức trong khu cách ly liên tục có những ca bệnh trở nặng, lại đau đớn vì không thể về tiễn người thân đã mất… Bên cạnh đó còn là những nét phác thảo về tình cảm chia sẻ, đùm bọc của người dân với những người phải vào khu cách ly… Bên cạnh đó thì đạo diễn cũng đã đan cài vào những màn diễn tâm lý là  những cảnh hài hước thú vị như hai bà cụ và anh xích lô, chàng trai với cô gái trong khu cách ly… 

“Cuộc chiến Covid” nóng trên sân khấu kịch - Anh 3

Những người ở chiến tuyến đầu chống dịch

 

NSND Lệ Ngọc tâm sự: “Để thể hiện tốt hình ảnh bác sĩ và cả bệnh nhân, chúng tôi đã xuốngBệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để học động tác, xem cử chỉ của người trong phòng bệnh. Khi tập chúng tôi cũng mặc đầy đủ quần áo y tế, khẩu trang, găng tay, mũ chống giọt bắn…

Đã có những giọt lệ rơi, những tràng pháo tay khi cảnh diễn lên cao trào. Công lao đó thuộc về đạo diễn, về tập thể các nghệ sĩ, sự sáng tạo và đầu tư của những người điều hành Sân khấu Lệ Ngọc, một sân khấu tư nhân. 

NGỌC CAO, Ảnh : LÊ TUẤN

Ý kiến bạn đọc