Chuyển động với những khát khao mãnh liệt
vho- “Bởi cuộc sống người H’mông rất hồn nhiên, rất đẹp, vì thế, cả quãng đời thơ ấu được gắn bó với những mỏm đá, bìa rừng, khe suối, vách núi chênh vênh nên phong cảnh vùng cao Lai Châu luôn ở trong mình, đi cùng mình đến tận bây giờ, và tạo cho mình cảm xúc trên sàn diễn”.
Sùng A Lùng trong trang phục dân tộc H’mông
Chàng trai H’mông với cái tên không lẫn vào đâu được, Sùng A Lùng đã lý giải cho sự mê hoặc người xem bởi bản năng hoang dại trong những tác phẩm múa của mình. Đạt giải A hạng mục diễn viên đồng thời cũng là giải A cho hạng mục tác phẩm tại Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng vào cuối tháng 11.2020 một lần nữa đã khẳng định tài năng và sự đam mê của chàng trai này là không giới hạn.
Đôi chân dẻo dai đi tìm con chữ
Tuy nhiên, không phải tới bây giờ Sùng A Lùng mới tỏa sáng, nét độc đáo của vai diễn Tú Bà trong Ballet Kiều hồi giữa năm 2020 cùng hàng loạt tác phẩm trước đó đã cho thấy anh là một trong những diễn viên múa hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Sùng A Lùng, theo tiếng H’Mông nghĩa là “Rồng”, một vật linh huyền bí đầy sức mạnh, quyền uy. Và, tên như đã vận vào người, chàng trai ấy cũng luôn mang theo khát khao mãnh liệt trong từng bước đi của cuộc sống lẫn trên sàn diễn. Quan sát từng động tác múa của Sùng A Lùng, người xem như bị thôi miên không chỉ bởi kỹ thuật chuyên nghiệp của một diễn viên được đào tạo bài bản, mà đó còn là sự nhập vai một cách xuất thần. Sự điêu luyện cộng với đam mê kết hợp bản năng đã hòa quyện, dẫn dắt cơ thể đi theo thứ ngôn ngữ mà Lùng đưa ra một cách thuyết phục đến ma mị. Sinh năm 1993 ở bản Chảng Phàng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), học hết lớp 1 ở bản, từ năm lớp 2, Sùng A Lùng đã biết tự lập khi một mình đi lên xã học. Đường đến trường dài hàng chục cây số, cứ hai tuần, Lùng lại đi bộ leo qua các dốc núi về nhà cõng gạo lên trường. Từ lớp 2 đến lớp 5, sáng nào Lùng cũng dậy sớm nấu cơm ăn rồi đi học, học xong buổi chiều tranh thủ vào rừng nhặt rau, hái củi…
Sùng A Lùng vai Tú Bà trong vở Ballet Kiều
Cứ thế, quãng đường núi dẫu dài hun hút cũng không làm khó được bước chân của cậu bé H’Mông ham học mà chỉ khiến đôi chân ấy cứ ngày một dẻo dai hơn. Không chỉ học chữ, Sùng A Lùng còn có năng khiếu nghệ thuật, cậu thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ ở trường, và cứ thế niềm đam mê nghệ thuật thấm vào máu cậu bé lúc nào không hay biết. Có lẽ vì vậy mà vào kỳ nghỉ hè năm lớp 8, khi có giấy tuyển sinh của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về đến xã, Lùng nảy ra ý định đi thi để thử xem mình có năng khiếu hay không, được sự ủng hộ của ông bà nên Lùng không ngại thử sức. Và tin thi đỗ đến đúng vào thời điểm vừa tựu trường năm lớp 9 được khoảng 1 tuần, thế là Lùng khăn gói xuống Hà Nội nhập học hệ trung cấp tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Năm 2010 Sùng A Lùng tốt nghiệp và được nhận vào Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Dừng chân ba năm tại Hà Nội, “chỉ là cậu bé biết múa nhưng chưa được ai biết tới, sự nghiệp thì còn bấp bênh, trong túi cũng không có tiền, đồng lương chỉ đủ thuê nhà. Rồi mình nghĩ rằng có lẽ nên vào TP.HCM lập nghiệp, để thử sức và trải nghiệm cuộc sống năng động nơi đây”… Thế là chàng trai của núi rừng Tây Bắc một lần nữa sải bước đến với vùng đất phương Nam ngập tràn nắng gió và gắn bó cho đến hôm nay. “Khó khăn làm mình trưởng thành hơn, sau này ngẫm lại, phải chăng hoàn cảnh làm cho con người ta dù đi đến bất cứ nơi nào cũng có thể hòa nhập rất nhanh”, Lùng tâm sự.
Ẩn số thú vị của biên đạo múa Việt Nam
Năm 2014, một thân một mình vào Sài Gòn và may mắn được đầu quân ở HBSO. Theo nghiệp múa được 10 năm với khá nhiều dấu ấn, Sùng A Lùng được “đo ni đóng giày” cho những vai có tâm lý nhân vật phức tạp, mà Tú Bà trong Ballet Kiều đã cho thấy sự lựa chọn của Tổng đạo diễn, Biên đạo múa Tuyết Minh là khó có thể thay thế. Có thể nói, nhân vật Tú Bà là điểm nhấn ấn tượng về diễn xuất. Qua sự hóa thân của Sùng A Lùng, vai phản diện trong tác phẩm hiện lên sống động, rõ nét.
Tiết mục biểu diễn của Sùng A Lùng tại Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng 2020
Chia sẻ về việc chọn Sùng A Lùng, biên đạo Tuyết Minh cho biết, “tôi ngắm Lùng múa nhiều lần và mỗi lần lại mang tới cho tôi một xúc cảm mới. Đằng sau những chuyển động ấy là một búi những đường truyền tín hiệu mà đầu kia là dấu hỏi, khó ai múa mà để người xem phải suy tư nhiều như thế. Nhưng tôi thích và tôi quả quyết rằng Lùng sẽ là diễn viên phù hợp nhất để vào vai Tú Bà trong Ballet Kiều. Có thể nói, Sùng A Lùng thăng hoa hơn bất kỳ người đàn bà nào thể hiện vai này, buổi tập đầu tiên Lùng đã xé chiếc quần tập ống rộng để trông nó giống cái váy. Lùng đã nhập vai tròn như thế”. Vai diễn thứ hai của Lùng chính là vai người kể chuyện “Đại thi hào Nguyễn Du” xuất hiện ngay ở Khai từ của vở diễn. Để thể hiện vai này, Lùng hóa thân thành một ông lão thâm trầm, uyên bác nhưng lại vô cùng giản dị, mộc mạc, thoát vòng trần tục, phơi bày rõ sắc thái hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố của dòng đời, vẽ lên hình hài của bao thân phận con người ba chìm bảy nổi trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, gieo vào suy tưởng của người xem suy ngẫm về nhân tình thế thái…
Tính đến nay, rất nhiều vai diễn ấn tượng Lùng đã đi qua như Mái nhà, Ru đêm, Đi qua tình yêu, Cà phê Sài Gòn, Mùa xuân thiêng liêng, Tú Bà trong Ballet Kiều, mới đây là Falling Angles và đã đạt được một số thành tích đáng kể như huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng Biên đạo trẻ toàn quốc năm 2016; năm 2019 là nghệ sĩ múa Việt Nam được mời tham dự Liên hoan múa các nước châu Á tại Bắc Kinh; giải A tại Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng năm 2020… Ngoài là diễn viên, Lùng đồng thời biên đạo cho khá nhiều tác phẩm được diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp, điều đó cho thấy tài năng và sự hăng say lao động nghệ thuật của một nghệ sĩ trẻ. Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, tổng đạo diễn nhiều chương trình quy mô của HBSO đã nhận xét về Sùng A Lùng: “Tố chất đặc biệt của Lùng là múa mà như không múa, chuyển động một cách tự nhiên và bản năng. Ngoài chuyện là một diễn viên múa đương đại được đánh giá cao, Lùng còn có khả năng tư duy về biên đạo múa khá tốt, có thể nói Lùng sẽ là một ẩn số thú vị của biên đạo múa Việt Nam”. Sùng A Lùng cho biết, mơ ước của em không chỉ là được hóa thân trong nhiều vai diễn, mà muốn đến một lúc nào đó đủ độ chín về nghề cũng như đủ điều kiện về tài chính, em sẽ dựng cho mình những vở diễn có thể chuyển tải hồn cốt văn hóa dân tộc, những phong cảnh quê hương, lễ hội, tập tục của đồng bào H’Mông lên sân khấu bằng ngôn ngữ múa.
THÙY TRANG