Chương trình nghệ thuật “Đi cùng năm tháng” lần 3: “Tay không”... nâng tầm xiếc Việt
VHO- Sau những thành công của những chương trình “Đi cùng năm tháng” được Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), năm nay, với tên gọi Biển đảo là quê hương, “Đi cùng năm tháng” tiếp tục khẳng định là một thương hiệu nghệ thuật đỉnh cao với phong cách dàn dựng độc đáo, hiện đại khi thổi vào sân khấu xiếc cái nhìn rất mới...
Các chiến sĩ hải quân và cảnh sát biển hào hứng xem xiếc
Sự hào hứng đón nhận của khán giả cho thấy xiếc Việt đã có một vị thế khác so với trước đây.
Hướng tới những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao…
Gắn bó cả đời với nghệ thuật xiếc, NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam xúc động: “Tôi rất mừng khi thấy thế hệ nghệ sĩ trẻ đã có những tư duy thực sự bứt phá. Thời chúng tôi, khán giả đến với xiếc chỉ thuần tuý được xem những tiết mục lẻ và cách thức thể hiện nghèo nàn, đơn điệu. Đi cùng năm tháng cũng như nhiều chương trình khác của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được lên kịch bản kĩ lưỡng và dàn dựng xuyên suốt như một vở diễn, khéo léo khoác lên những thông điệp tư tưởng mang tính xã hội, thời sự nóng hổi. Đây là nỗ lực sáng tạo để nâng tầm cho nền nghệ thuật xiếc nước nhà bước những bước dài, tiệm cận với xiếc thế giới. Xiếc không còn chỉ dành riêng cho đối tượng khán giả nhí mà người lớn cũng đã bị chinh phục”.
Biển đảo là quê hương đã được đón nhiều vị tướng và lão thành cách mạng trong lực lượng Quân đội, trong đó có thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. Đây là năm thứ hai “lão tướng” này có mặt tại chương trình và ông chia sẻ: “Khó có thể hình dung xiếc lại tái hiện thành công hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ trên đường Trường Sơn huyền thoại, những cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc hay những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo biên cương... Tôi rất vui và rất cảm động khi tham dự chương trình để được gặp gỡ đồng đội và sống lại những ký ức một thời hào hùng của dân tộc”.
Cũng thật đặc biệt khi trên hàng ghế khán giả có tới hàng trăm cựu chiến binh, các chiến sĩ hải quân và cảnh sát biển. Là một người “ngoại đạo” của xiếc nhưng đại tá Trần Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển Việt Nam lại rất đồng cảm: “Chúng tôi là những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang có nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh chúng tôi đã được sân khấu hóa và được các nghệ sĩ xiếc thể hiện vô cùng đẹp đẽ, giúp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nói chung, cảnh sát biển nói riêng có thêm động lực để chiến đấu và rèn luyện. Tôi thực sự cảm ơn các nghệ sĩ đã tâm huyết sáng tạo và vất vả tập luyện để cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật đỉnh cao như thế này!”.
Một hoạt cảnh trong “Đi cùng năm tháng”
Kiên trì xây dựng thương hiệu…
Đây là thời điểm các nhà tổ chức biểu diễn đang phải phân vân cân nhắc khi tung ra những sản phẩm nghệ thuật, vậy mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn quyết tâm khởi dựng Đi cùng năm tháng để có một hoạt động nghệ thuật thường niên không bị đứt gãy, từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, NSND Tạ Duy Ánh cho biết: “Chúng tôi đã kêu gọi được hơn 100 phần quà để tri ân các thương binh, gia đình liệt sĩ có công với cách mạng; 2 tấn gạo, 4 máy lọc nước mặn, 200 lá cờ Tổ quốc để gửi tới Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Ngoài ra, số tiền thu được nhờ bán vé cũng sẽ được Liên đoàn quyên góp cho Hội Cựu chiến binh để cùng lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa tới các bậc tiền bối cách mạng”.
Điều gì đã khiến xiếc “tay không” dám đứng ra đầu tư một chương trình với mục đích phục vụ chính trị, thậm chí còn huy động toàn bộ lực lượng nghệ sĩ của 3 đoàn tham gia biểu diễn? Chỉ có thể nói đó là chính uy tín và chất lượng nghệ thuật. Biển đảo là quê hương do NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn, nhằm tri ân những chiến sĩ Hải quân đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sẽ có rất nhiều người tưởng rằng chương trình xiếc phục vụ chính trị sẽ rất khó hay, nhưng trên thực tế đã có nhiều khán giả bỏ tiền ra mua vé xem chương trình suốt 3 năm liền. Chị Khánh Ly (Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết: “Năm đầu tiên được cơ quan cho vé đi xem chương trình này, tôi có chút băn khoăn nhưng không ngờ gia đình tôi ai cũng thích bởi các tiết mục xiếc được lồng ghép vào các hoạt cảnh, có nội dung vô cùng sinh động, hấp dẫn. Đó là lý do năm nào tôi cũng bỏ tiền ra mua vé để các con đi xem. Những chương trình như thế này rất cần thiết để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống yêu nước của dân tộc, biết ơn những thế hệ cha anh đã đổ máu vì độc lập của dân tộc”.
Sự hào hứng đón nhận từ khán giả đã cho thấy chủ trương dàn dựng theo xu hướng mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là hiệu quả và có tín hiệu tốt. Đưa nội dung và kết hợp các loại hình nghệ thuật khác cùng với xiếc đã làm cho chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam có sự đa dạng, phong phú và thực sự hấp dẫn.
HIỀN LƯƠNG; ảnh: HOÀI ANH