Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tìm về văn hóa cội nguồn”: Luồng gió mới thổi về phương Nam

VHO- Tiếp nối thành công của chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi hè 2020 tại Hà Nội, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tìm về văn hóa cội nguồn” do Sân khấu Lệ Ngọc và Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP.HCM hợp tác tổ chức, với sự đồng hành tài trợ của Viện Nghiên cứu trang phục Việt chính thức khởi động từ ngày 25.6 - 4.7 tại Nhà hát TP.HCM.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tìm về văn hóa cội nguồn”: Luồng gió mới thổi về phương Nam - Anh 1

 Một cảnh trong vở “Cây tre thần” của Sân khấu Lệ Ngọc

 Chuyến lưu diễn gồm 16 buổi với 3 vở diễn đang được khán giả Thủ đô yêu mến, gồm Cây tre thần (tác giả Lê Thế Song phóng tác từ truyện dân gian Cây tre trăm đốt, NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn), Thị Nở - Chí Phèo (tác giả Lê Chí Trung phóng tác từ truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, NSND Lê Hùng đạo diễn) và Hoa sen lửa về đề tài người chiến sĩ Công an Nhân dân (tác giả Chu Thơm, đạo diễn Thanh Lê, cố vấn nghệ thuật NSND Lê Hùng). Tham gia chuyến lưu diễn có NSND Lệ Ngọc cùng các nghệ sĩ Văn Hải, Thanh Bình, Lâm Cương, Hương Thủy, Anh Đào, Diệu Linh, Tùng Linh, Huy Hoàng, Đức Tâm…

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc điều hành Sân khấu Lệ Ngọc: “Chinh phục khán giả phía Nam là một thách thức lớn đối với các đơn vị sân khấu phía Bắc. Hơn nữa, thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động sân khấu gặp rất nhiều khó khăn do chưa thu hút được nhiều khán giả. Song với niềm đam mê và tâm huyết nghệ thuật, cùng với tôn chỉ luôn mang đến cho khán giả những tác phẩm có chất lượng, Sân khấu Lệ Ngọc đã nhận được sự yêu mến và ủng hộ của khán giả Thủ đô cũng như quốc tế. Với niềm tin này, Sân khấu Lệ Ngọc quyết định “Nam tiến” để đem đến luồng gió mới cho khán giả phía Nam”.

Đối với khán giả yêu dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XX, đặc biệt là yêu thích tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thì vở kịch Thị Nở - Chí Phèo là một tác phẩm sân khấu không thể bỏ qua. Được dàn dựng bởi “phù thủy sân khấu” - đạo diễn, NSND Lê Hùng và sự đầu tư kĩ càng vào thiết kế sân khấu, trang phục, âm thanh, ánh sáng, vở kịch đã chạm tới trái tim người xem bởi tính chân thực, sinh động và sâu sắc trong từng lời thoại, phân cảnh, diễn xuất và tạo hình. Mạnh dạn đưa thêm một số chi tiết, tình huống mới mang hơi thở của đời sống đương đại như chuyện chơi golf, du lịch hay đưa ra tình tiết kết kịch nhân văn hơn, Sân khấu Lệ Ngọc đã nắm bắt được tư tưởng của tác phẩm, làm sống dậy tính thời sự; đồng điệu, đồng cảm với nguyên tác nhưng vẫn đảm bảo gần gũi với đời sống ngày hôm nay. Chính vì thế, vở kịch Thị Nở - Chí Phèo như một chiếc gương phản chiếu hiện thực cuộc sống xưa, nay để chúng ta tự soi vào và nhận ra rằng: Xã hội vẫn đang tồn tại không ít “Chí Phèo” bởi những câu chuyện xảy ra hằng ngày như chuyện một đứa con “ăn vạ” người mẹ bằng cách đánh đập chính người đã sinh ra mình chỉ vì bà làm xổng mất con chim cảnh; anh em ruột thịt không ngại chửi bới, chém giết lẫn nhau chỉ vì tranh chấp cái bờ rào... Vở kịch đã được công diễn tại Hàn Quốc, Pháp, Ý và nhận được sự yêu mến của hơn 17.500 lượt khán giả trong nước với 35 buổi sáng đèn.

Tương tự vậy, liên tục trong vòng 2 tuần cuối tháng 5, Cây tre thần cũng đã có 20 suất diễn phục vụ hơn 10.000 lượt khán giả Thủ đô vào dịp Tết thiếu nhi. Cây tre thần là món quà hè 2020 dành cho khán giả mọi lứa tuổi, đặc biệt là các em nhỏ, bởi những giá trị mà nó mang lại. Hài hước, kịch tính với nhiều tình tiết hấp dẫn được thêm vào làm tăng sự tò mò, thích thú cho khán giả, cũng như gửi gắm nhiều thông điệp giáo dục về cách sống, cách ứng xử với môi trường, đặc biệt đối với cây tre - biểu tượng trường tồn cùng lịch sử và bản ngã của dân tộc Việt Nam.

Khác với hai tác phẩm trên, Hoa sen lửa không khai thác tác phẩm văn học, mà tạc lên hình tượng người chiến sĩ công an bằng chất liệu từ chính hiện thực cuộc sống. Hoa sen lửa cũng là luồng gió mới của Sân khấu Lệ Ngọc khi lần đầu tiên khai thác đề tài về người chiến sĩ Công an Nhân dân trên mọi mặt trận, từ công việc điều tra, phá án đến giáo dục, cảm hóa những người đã phạm tội cải tạo tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời… Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, cố vấn nghệ thuật và truyền thông cho chương trình: “Xã hội ngày nay có rất nhiều câu chuyện nóng hổi liên quan đến hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân, trong đó có những hình ảnh đẹp và cả những hình ảnh chưa đẹp, không loại trừ vẫn còn những vụ án oan và việc đưa những vấn đề thế sự này lên sân khấu chính là nhiệm vụ tối cao của những người làm nghệ thuật”.

Khai thác những đề tài khác nhau, nhưng điểm chung của 3 vở diễn “Nam tiến” lần này là tính thời sự trong thông điệp, sự đầu tư công phu về dàn dựng, thiết kế và biểu diễn của Sân khấu Lệ Ngọc. Với những yếu tố đó, Sân khấu Lệ Ngọc cho biết tự tin sẽ chinh phục được trái tim khán giả TP.HCM bằng những bữa tiệc nghệ thuật ý nghĩa. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc