"Chén thuốc độc" - Vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam tái xuất sau 100 năm

VHO-Tối qua (21.10), vở kịch Chén thuốc độc đã được công diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, mở đầu trong chuỗi hoạt động kỷ niệm của Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Kịch nói Việt Nam do Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới thưởng thức tác phẩm và động viên các nghệ sĩ.

Đạo diễn mở ra nhiều không gian cho sân khấu 

Có thể nói, việc lựa chọn Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long để dàn dựng có một ý nghĩa lớn và đặc biệt trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam. Chén thuốc độc chính là vở kịch nói đầu tiên do người Việt Nam viết, đánh dấu một cột mốc quan trọng với sân khấu Kịch Việt. Trước khi Chén thuốc độc ra đời, tại Việt Nam, loại hình Kịch nói chưa phát triển. Điều đặc biệt, ngày Chén thuốc độc tái xuất hiện trên sân khấu sau 100 năm cũng gần trùng khớp với ngày vở kịch được công diễn lần đầu tiên - ngày 22.10.1921. Vở kịch được đạo diễn bởi NSƯT Bùi Như Lai, chỉ đạo nghệ thuật bởi NSND Trịnh Thúy Mùi, sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Giáng Son và biên tập âm nhạc Thế Toàn. Chén thuốc độc có sự tham gia của NSND Lê Khanh, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Việt Thắng, Thanh Dương, Anh Thơ... 

Những nhân vật trong vở kịch mê muội bởi bói toán, mê tín dị đoan

Vở kịch được dàn dựng với thời gian khá ngắn, chỉ trong chưa đầy 20 ngày nhưng khi trình diễn đã khiến gây ấn tượng với người xem. Khó có thể nghĩ rằng một vở kịch được viết cách đây 100 năm nhưng hàng loạt những vấn đề đặt ra trong vở kịch hoàn toàn không hề cũ, thậm chí vẫn còn nguyên vẹn giá trị với hàng loạt những vấn đề mà xã hội hiện đại vẫn còn đang tồn tại ở không ít những gia đình Việt Nam hiện đại như tệ nạn cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan… 

Chén thuốc độc kể về gia đình một viên chức khá giả tại Hà Nội, thầy Thông Thu. Sau khi bố thầy Thông Thu qua đời, các thành viên trong gia đình đã bị cuốn theo những cám dỗ của xã hội đương thời. Trong khi thầy Thông Thu mê đàn ca hát xướng, rượu chè, chơi tổ tôm, mạc chược... thì mẹ ông cùng vợ ông lại mê hầu đồng, cúng bái. Cô em gái của thầy Thông không nhận được sự quan tâm của mẹ và anh nên rơi vào mối quan hệ với người đàn ông không đường hoàng, đã có vợ, cuối cùng cô có bầu, mang tiếng chửa hoang. Gia sản giàu có bậc nhất của nhà thầy Thông Thu, với sự tàn phá của các thành viên trong gia đình, đã bốc hơi và hơn thế, gia đình thầy Thông còn rơi vào cảnh nợ nần, bị tịch thu gia sản... Hết tiền bạc, mất danh dự, những thành viên trong gia đình thầy Thông Thu tranh nhau uống thuốc độc để tìm tới cái chết. Trong con đường đen tối, bế tắc ấy thì cũng là lúc họ nhận ra rằng điều quan trọng nhất đối với họ đó là làm sao đứng lên, lấy lại danh dự và nhân phẩm cho mình. Vấp ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đó và phải sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn là đi tìm cho mình cái chết. 

Vở kịch quy tụ nghệ sĩ tài năng của sân khấu kịch nói

Những nghệ sĩ gạo cội, lâu năm của giới sân khấu đánh giá cao vai trò dàn dựng của đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai. Kịch bản gốc của cố tác giả Vũ Đình Long với cách xây dựng câu chuyện kịch thiên về diễn kể, ít hành động kịch. Trong bản dựng mới, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai cùng ê kíp đã thay đổi nhiều chi tiết để phù hợp với hiệnn tại. Vở được biên tập gọn lại về thời lượng, đẩy nhanh tiết tấu và những xung đột kịch rõ ràng hơn. Có những yếu tố được đạo diễn xoáy sâu vào và tạo sức nặng bởi tính thời sự vẫn còn tới hiện tại như việc những lang băm chữa bệnh vớ vẩn để kiếm tiền, việc vẫn có những con người mê muội tốn tiền hao của vì mê tín dị đoan… Có thể thấy vai trò của đạo diễn và cá nhân từng nghệ sĩ tham gia các nhân vật trong kịch rất giỏi. Một vở kịch dài 2 tiếng nhưng khán giả bị cuốn theo từng tình tiết, diễn biến của kịch. Đặc biệt là những cảnh màn diễn hầu đồng, hát xướng được xử lý rất tinh tế. 

Các nghệ sĩ chụp ảnh với vợ của cố tác giả Vũ Đình Long sau buổi diễn

 

Trong đêm công diễn đầu tiên vở kịch Chén thuốc độc, khán giả còn được gặp gỡ một nhân vật đặc biệt - vợ của cố tác giả Vũ Đình Long, bà Mai Ngọc Hà. Tuy tuổi cao (94 tuổi), nhưng vợ cố tác giả Vũ Đình Long vẫn rất minh mẫn. Bà ngồi xem đến cuối vở diễn, sau đó gặp gỡ các nghệ sĩ và trò chuyện. Bản thân bà Mai Ngọc Hà khi chia sẻ với báo chí cũng tỏ ý rất bất ngờ bởi trong thời gian dàn dựng rất ngắn mà ê kíp dàn dựng và các nghệ sĩ đã dàn dựng được bản diễn này. Điều mà bà vui mừng là vở kịch đã có tuổi đời 100 năm mà vẫn đáp ứng tính thời sự, hấp dẫn khán giả hôm nay. Đến xem cùng với bà còn có con gái, con dâu người Nga và các cháu nội ngoại của cố tác giả Vũ Đình Long. 

Chén thuốc độc tái xuất sau 100 năm cũng chính tại sân khấu Nhà hát Lớn, Hà Nội 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cũng đánh giá cao hiệu quả của vở diễn, theo ông Chén thuốc độc tái xuất sau đúng 100 năm không chỉ mang ý nghĩa và giá trị lịch sử mà tác phẩm đã thể hiện sự phản ánh nhạy bén, kịp thời, trung thực và sâu sắc hiện thực diễn ra trong đời sống dân tộc của tác giả cũng như những người tiên phong làm sân khấu kịch nói Việt Nam.  Trải qua 100 năm hình thành và phát triển, theo đánh giá của Thứ trưởng, kịch nói Việt Nam cũng có sự thăng trầm cùng với mỗi giai đoạn lịch sử dân tộc nhưng tựu trung lại là những kết quả đáng trân trọng, đặc biệt là các thế hệ nghệ sĩ đã, đang và luôn có trách nhiệm làm sao để kịch nói Việt Nam thật hay, hấp dẫn và đưa được nhịp sống đương đại vào sân khấu kịch nói.

Hiền Lương, Ảnh: Hoà Nguyễn

 

Ý kiến bạn đọc