Cháy hết mình “mùa” nghệ thuật Trung thu
VHO- Sau quãng thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mùa Trung thu năm nay, sự trở lại nhiệt tình của khán giả nhí khiến sân khấu Thủ đô trở nên sôi động, náo nhiệt và liên tục “cháy vé”. Sự linh hoạt của các nhà tổ chức biểu diễn đã kịp thời giải tỏa “cơn khát” được thưởng thức nghệ thuật của những “thượng đế” bé nhỏ.
Sân khấu Mặt trời đỏ biểu diễn tại các trường học
Một mùa diễn sôi động
Dạo quanh các sân khấu quen thuộc phục vụ thiếu nhi ở Hà Nội như Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm), Rạp xiếc Trung ương (67-69 Trần Nhân Tông), Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh)… sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nhiệt của khán giả nhí khi các em háo hức cầm trên tay những tấm vé để vào rạp xem biểu diễn. Ngay từ những ngày đầu hè cho tới dịp Tết Trung thu, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo với nhiều tác phẩm được dàn dựng công phu, hấp dẫn, có thể kể đến Bầy chim thiên nga, Dạ tiệc đêm Rằm của Nhà hát Tuổi Trẻ; Biệt đội anh hùng, Chúa tể rừng xanh của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Trung thu cho em, Vui hội đêm Rằm của Nhà hát Múa rối Việt Nam; Tấm Cám, Dế mèn của Sân khấu Lệ Ngọc…
Nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam giao lưu với khán giả sau đêm diễn
3 sân khấu của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã phải tăng hết tốc lực biểu diễn phục vụ các em, chỉ tính riêng đợt Trung thu, Nhà hát đã có 60 suất được ký hợp đồng trước cả tháng và Ban giám đốc đã phải từ chối nhiều hợp đồng vì kín lịch. “Chúng tôi muốn các chương trình mang thương hiệu của Nhà hát Múa rối Việt Nam đều phải được dàn dựng đàng hoàng, nghiêm túc, không thể chắp vá hay bớt người, thế nên đành phải lỗi hẹn với nhiều khán giả”, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ trong tiếc nuối.
Các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã “chạy” hết công suất, tính riêng trong ngày rằm Trung thu (15.8 âm lịch), tại Rạp 67-69 Trần Nhân Tông đã phục vụ tới 3 suất diễn và suất nào cũng “cháy vé”. Ngoài ra, Liên đoàn còn đem Chúa tể rừng xanh đến với TP Thái Nguyên. “Đưa một vở như thế này đi lưu diễn là rất kỳ công, bởi phải huy động nhiều thể loại tiết mục xiếc người, xiếc thú, phông cảnh, đạo cụ và cả việc chuyên chở số lượng lớn nghệ sĩ tham gia cũng rất vất vả. Nhưng để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất và cũng muốn mở rộng địa bàn biểu diễn nên Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng vẫn quyết tâm nhận lời tham gia”, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tạ Duy Ánh cho biết.
Chương trình biểu diễn phục vụ Tết Trung thu của Nhà hát Tuổi Trẻ
Đầu tư cho khán giả thiếu nhi là đầu tư dài hạn
Năm nay, khán giả còn được lựa chọn thêm một số sân khấu phục vụ Tết Trung thu mang thương hiệu mới, có thể kể đến Sân khấu thiếu nhi của Nhà hát Tuồng Việt Nam do NSƯT Lộc Huyền (Trưởng đoàn nghệ thuật thể nghiệm) khởi xướng. Được biết, Lộc Huyền cùng các đoàn viên thanh niên của Nhà hát đã bền bỉ xây dựng Sân khấu thiếu nhi suốt 10 năm qua, đến nay cũng đã tạo sự chú ý và mang lại nhiều hợp đồng biểu diễn. “Nghệ thuật Tuồng có những trích đoạn vui và sôi động như múa lân, múa sư tử, múa mặt nạ, trống cơm… rất phù hợp với trẻ nhỏ nên chúng tôi đã biên tập để đưa vào dàn dựng, đồng thời cũng nghĩ ra thêm một số hoạt cảnh như thầy trò Đường Tăng sang Việt Nam, phá cỗ đêm Rằm, kết hợp với các đơn vị tổ chức tặng quà, khen thưởng để mang lại không khí vui tươi, sôi nổi cho khán giả nhí... Qua đó, kéo các em đến gần hơn với nghệ thuật Tuồng truyền thống là cái đích quan trọng nhất mà chúng tôi hướng đến”, NSƯT Lộc Huyền chia sẻ.
Khán giả xem tại Nhà hát Tuổi trẻ
Đáng nể hơn cả là Sân khấu Lệ Ngọc khi “ém sẵn” hai tác phẩm sân khấu dành riêng cho thiếu nhi là Dế mèn và Tấm Cám, quy tụ đội ngũ sáng tạo là những gương mặt sáng giá của làng sân khấu. Lệ Ngọc án ngữ diễn tại Rạp Đại Nam và Nhà hát Chèo Kim Mã, vừa bán vé hợp đồng, vừa bán vé trực tiếp. Với cách tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, tuần cao điểm của dịp Trung thu, mỗi ngày Lệ Ngọc diễn tới 2 đến 3 suất. Nhà tổ chức còn rất khéo léo khi áp dụng các “chiêu” như giảm ngay 15% cho nhóm 4 người mua vé sớm trước cả tuần, càng mua nhiều thì giá vé càng giảm…
Một sân khấu xã hội hoá khác ở Thủ đô Hà Nội chuyên dựng các chương trình cho thiếu nhi là Sân khấu Mặt trời đỏ cũng rất đắt hàng bởi nắm bắt được tâm lý và gu thưởng thức của khán giả nhí. Dịp Trung thu này, Mặt Trời đỏ đã bị cháy suất diễn vì không đáp ứng hết được các hợp đồng biểu diễn của khách hàng…
Rõ ràng, các đơn vị nghệ thuật đã quan tâm nhiều hơn đến đối tượng khán giả trẻ nên ra quân đồng loạt các chương trình hay, chất lượng, sinh động, hấp dẫn. Qua những mùa diễn phục vụ thiếu nhi, mỗi đơn vị đều thấy rằng đối tượng tiềm năng của nghệ thuật phải bắt đầu từ các em học sinh nhỏ tuổi, và họ đã đi theo cách riêng để tạo nên một thương hiệu yêu thích bền lâu đối với các “thượng đế” tương lai.
THUÝ HIỀN