Ca kịch Khát vọng Đam San: Khát vọng từ đại ngàn
VHO- Sau hơn 30 năm ấp ủ, nghiền ngẫm sáng tác, đã hai lần tưởng như dừng lại vì kịch bản không thành, kể cả việc hợp tác với nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, nhưng với tình yêu và duyên phận với Tây Nguyên, năm 2021, trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19, nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn hoàn thành được vở ca kịch Khát vọng Đam San do ông là tác giả kiêm tổng đạo diễn.
Ca kịch “Khát vọng Đam San”
Từ một sử thi huyền thoại...
Sử thi Đam San (Dam Săn, Dăm Săn..., chúng tôi dùng Đam San, phiên âm tiếng Việt cho dễ đọc) do nhà dân tộc học người Pháp Sabatier sưu tầm được ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Ê Đê - Pháp tại Paris năm 1927. Họ xếp Sử thi Đam San cùng loại hình với các tác phẩm anh hùng ca nổi tiếng của châu Âu như Iliat, Ôđixê của Hy Lạp. Năm 1959, sử thi này được giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ quân đội và được nhà xuất bản Văn hóa in song ngữ Việt – Ê Đê (bản dịch của Đào Tử Chí) với tên gọi Bài ca chàng Đam San. Năm 1988, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã công bố văn bản sưu tầm và dịch Sử thi Đam San rất công phu của Nguyễn Hữu Thấu. Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Đam San là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của người Ê Đê xưa với hình ảnh người tù trưởng anh hùng, đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.
...đến vở ca kịch Khát vọng Đam San
Trên cơ sở tâm nguyện của nhạc sĩ Nguyễn Cường, đề xuất của Công ty TNHH Sông Thương Garden và tham mưu của Sở VHTTDL, ngày 14.4.2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 843/QĐ-UBND phê duyệt đề án ca kịch Khát vọng Đam San. Đây dự kiến sẽ là một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Ê Đê ở Tây Nguyên. Theo lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk, tác phẩm sẽ góp phần phục dựng, trình diễn lịch sử văn hóa người Ê Đê qua sân khấu âm nhạc độc đáo, bán thực cảnh, được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo, sẽ được biểu diễn thường kỳ phục vụ nhân dân và du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới. Vở ca kịch gồm 5 chương: Chương 1: Đam San và H’Nhí. Mở màn, đám cưới của H’Nhí và Đam San. Chương 2: Xử tội Mtao Msei. Đam San chiến thắng Mtao Msei và mở rộng buôn làng, trở thành một người tù trưởng hùng mạnh nhất vùng. Chương 3: Buôn sang trông cậy. Nữ thần Mặt trời khao khát có Đam San, làm cho buôn làng chìm trong đêm tối. Chương 4: Nơi miền sáng. Trước nguy cơ hủy diệt của buôn làng, Đam San đã vượt qua hiểm nguy quyết tìm cưới Nữ thần Mặt trời. Đam San đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời. Nữ thần Mặt trời tặng ánh sáng màu nhiệm cho Đam San. Đam San mang ánh sáng trở lại cho buôn làng. Từ đây ánh sáng màu nhiệm làm cho trái đất sinh sôi ra hoa kết trái. Chương 5: Mặt trời lên trên cao nguyên bao la. Kết: Đam San đã mang ánh sáng về cho buôn làng, khát vọng của chàng cũng là ngọn lửa thắp lên tình yêu và sức sống nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Những con người nơi đây đã luôn mang trong mình khát vọng cao đẹp: “Khát vọng Đam San”.
Trên nền Sử thi Đam San của dân tộc Ê Đê, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhà biên kịch Hồng Hoa đã xây dựng thêm những tình tiết mới như: Tình yêu của Nữ thần Mặt trời với Đam San, nguy cơ bị huỷ diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối, H’Nhí (vợ Đam San) trong giây phút thiêng liêng đón ánh sáng về với buôn làng, phút giây của ngày gặp lại Đam San, cũng là lúc chàng ra đi mãi mãi, H’Nhí đã cắn tay mình mong cứu Đam San và từ bàn tay ấy, tuôn trào dòng thác đỏ, thác của núi rừng Tây Nguyên muôn đời hùng vĩ, tất cả đã làm nên một khúc ca ân tình, ngợi ca về vẻ đẹp tình yêu của con người giao hòa với thiên nhiên, cũng là thông điệp của ca kịch này. Đây là món quà mà nhạc sĩ Nguyễn Cường muốn tri ân người dân Đắk Lắk qua 40 năm miệt mài sáng tác về Tây Nguyên, và cũng đồng thời là món quà để người dân Đắk Lắk tri ân nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Dù trải qua gần hai năm hoàn thiện kịch bản, sản xuất tác phẩm trong mùa đại dịch Covid 19, nhưng với quyết tâm và khát vọng dâng hiến cho nghệ thuật, hàng trăm nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk và cộng tác viên đã miệt mài tập luyện, vượt lên chính mình để chinh phục một vai diễn mà chưa bao giờ họ được trải nghiệm. Ê kíp sáng tạo và thực hiện chương trình đã hoàn thành tác phẩm để báo cáo trong năm 2021 và sẵn sàng biểu diễn từ năm 2022. NSƯT Y Joel Knul, người đóng vai chàng Đam San, cùng vợ là ca sĩ H’Lueng Niê, người đóng vai nàng H’Nhí, đều đang công tác tại Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, thì đều rất tự hào vì đã được tham gia những nội dung quan trọng của vở ca kịch và được phân vai rất phù hợp. Mỗi lần diễn, dù là luyện tập, họ đều dâng lên những cung bậc cảm xúc vì như được tắm mình trong không gian văn hóa Ê Đê của cha ông. Từ nhỏ, Y Joel Knul đã được nghe ông bà hát kể sử thi nên anh ngưỡng mộ anh hùng Đam San bởi tinh thần dũng cảm, hy sinh vì buôn làng.
Đam San và nữ thần Mặt trời
...và kỳ vọng
Theo nhạc sĩ Cát Vận (Hà Nội), ông đã được nghe một số phân đoạn và cho rằng, ngoài vở nhạc kịch Bên bờ Krông Pa (1968) của nhạc sĩ Nhật Lai, Người tạc tượng (1971) của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, thì sau nửa thế kỷ, Khát vọng Đam San (2021) của nhạc sĩ Nguyễn Cường là vở nhạc kịch thứ ba viết về đề tài Tây Nguyên, “Đúng dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra, nếu vở ca kịch này sớm được đưa lên sân khấu hoành tráng thì sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết. Tôi rất tự hào vì đây sẽ là một dấu ấn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Xin chúc mừng âm nhạc Đắk Lắk, chúc mừng cuộc tổng kết, cuộc trở về đầy ý nghĩa sau 40 năm đến với Đắk Lắk của nhạc sĩ Nguyễn Cường”, nhạc sĩ Cát Vận chia sẻ.
NSND Y San Alio, nguyên Trưởng đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, tổng biên đạo của vở ca kịch cho biết, từ năm 1976 đến nay, Đoàn Ca múa dân tộc mới luyện tập và biểu diễn một tác phẩm đồ sộ đến vậy. Ông rất mừng vì toàn bộ ê kíp biểu diễn đều là con em các dân tộc ở Đắk Lắk. Tác phẩm này khơi dậy vẻ đẹp của văn hóa Ê Đê, văn hóa Đắk Lắk. Hy vọng ngoài việc được biểu diễn hoành tráng tại các Nhà hát, sân khấu lớn, vở ca kịch sẽ được biên tập gọn lại để có thể biểu diễn ở các buôn làng để đồng bào các dân tộc Đắk Lắk có thể được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao bắt nguồn từ chính họ.
Nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Y Kô Niê, Phó Trưởng đoàn Ca múa dân tộc cho rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, đã toát lên được tinh thần Đam San với những nét đậm đặc của văn hóa dân gian Ê Đê nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Ông rất vui và tự hào vì được là thành viên trong ê kíp sáng tạo của tác phẩm với các vai trò cố vấn dân tộc học, dịch tiếng Ê Đê, họa sĩ, tác giả kịch bản ánh sáng kiêm nghệ sĩ biểu diễn. Về trang phục, cơ bản ê kíp sáng tạo sử dụng trang phục gốc của người Ê Đê; đạo cụ cũng phục dựng khiên, mác, đều từ mẫu xưa được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.
Tới đây, vở ca kịch Khát vọng Đam San sẽ không chỉ được biểu diễn ở thành phố Buôn Ma Thuột hay các Nhà hát, các sân khấu lớn trong cả nước, mà còn được xây dựng trở thành một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là sẽ có phiên bản tiếng Ê Đê để biểu diễn phục vụ ở các buôn làng như tâm nguyện của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ngày Xuân, nghĩ về người anh hùng Đam San, nghĩ về khát vọng đại ngàn, hy vọng rằng, vở ca kịch sẽ là nguồn cảm hứng cho tinh thần yêu quê hương, đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng vươn lên.
ĐẶNG GIA DUẨN
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk