“Bệnh sĩ” thắp sáng sân khấu Nhà hát Lớn
VHO- Sau hơn hai tháng im ắng bởi dịch bệnh, cuối tuần qua (23.5), Nhà hát Lớn Hà Nội đã tưng bừng trở lại với Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Những hàng ghế chật kín khán giả, những tràng vỗ tay không ngớt, những tiếng cười rộn rã là minh chứng cho sức hút của nghệ thuật chưa bao giờ vơi cạn. Nhiều người bất ngờ khi thấy vị khán giả “đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới cổ vũ, động viên các nghệ sĩ…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa và chúc mừng các nghệ sĩ sau đêm diễn
Đến xem chương trình còn có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành TƯ cùng đông đảo khán giả.
Cười ra nước mắt…
Toàn bộ gần 600 ghế ngồi của Nhà hát Lớn Hà Nội đều chật kín khán giả với nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi. Chị Vũ Thị Thu Hà, cán bộ Kho bạc Nhà nước cho biết: “Gia đình tôi có 6 người đi xem, gồm 3 thế hệ: Bố mẹ và cô ruột tôi, vợ chồng tôi và con gái. Trước đây, đại gia đình chúng tôi vẫn thường đi xem nghệ thuật và đặc biệt thích những vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch nên khán giả rất yên tâm khi đến nhà hát”.
Có thể cảm nhận được sự hào hứng của khán giả trong suốt vở diễn thể diện qua những tiếng cười rộn rã. Bác Nguyễn Thị Lai, 75 tuổi, nhà ở phố Ngọc Hà, Hà Nội cho biết: “Lâu lắm rồi chúng tôi mới được xem một vở hài kịch hay đến thế. Đã là hài kịch thì phải làm cho khán giả cười. Tôi và nhiều khán giả lớn tuổi thậm chí phát khóc vì cười… Nghệ sĩ Xuân Bắc đóng vai ông Văn Sửu, nhân vật chính của vở kịch, thật không thể chê vào đâu được, rất duyên dáng, rất hài hước…”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng… là những khán giả đặc biệt của đêm diễn
Sau khi thưởng thức Bệnh sĩ ở Nhà hát Lớn, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi cứ nghĩ để vào được Nhà hát Lớn phải mua tấm vé mất mấy triệu đồng, nhưng nay chỉ với vài trăm nghìn là đã có thể vào xem chương trình nghệ thuật hay như thế này. Dàn nghệ sĩ biểu diễn trong vở Bệnh sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam thật sự tài năng. Nói là hài kịch nhưng thông điệp mà vở diễn truyền tải là vô cùng ý nghĩa và mang tính thời sự, nhắc nhở mỗi con người hãy sống trung thực với chính mình, không nên tạo vỏ bọc hào nhoáng, như lời một nhân vật trong kịch: “Gỗ thật còn hơn bạc giả”. Mọi diễn biến của tác phẩm đều là những tình tiết hài kịch, cho tới khi hạ màn, triết lý sâu sắc mới được đưa ra”.
Vở diễn thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả
Kéo khán giả đến với nhà hát bằng những tác phẩm chất lượng cao
Trao đổi với các nghệ sĩ sau đêm diễn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao sức hấp dẫn của Bệnh sĩ, đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Nhà hát Kịch Việt Nam gấp rút chuẩn bị để công diễn vở Điều không thể mất, cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ. “Các nhà hát đỏ đèn trở lại cần phải có những tác phẩm thật sự hay và giá trị, bởi đây là cơ hội để chuyển mình và thay đổi. Vì vậy, chuỗi chương trình của các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng, không thể tự mãn với những thành công đã có, chương trình sau phải hay hơn chương trình trước”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Cuối tuần qua, sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội đã chứng kiến sự trở lại ngoạn mục của đông đảo khán giả (ảnh trên) đến xem một trong những vở hài kịch kinh điển của tác giả Lưu Quang Vũ - "Bệnh sĩ" (ảnh dưới) Ảnh: TR.HUẤN
Chuỗi chương trình biểu diễn của 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL sẽ kéo dài từ nay đến tháng 8.2020. Khán giả sẽ có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm đặc sắc ở nhiều loại hình nghệ thuật như: Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Múa rối, Xiếc, Giao hưởng, Ca múa nhạc… Để “kéo” khán giả đến với rạp, vé xem các chương trình được bán với giá rất bình dân, chỉ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/ vé tuỳ theo địa điểm. Sau dịch Covid-19, chắc chắn nhiều người còn có tâm lý e ngại khi trở lại rạp hát để xem nghệ thuật. Tuy nhiên, sự thành công của Bệnh sĩ cũng như một loạt những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, hấp dẫn được triển khai sắp tới của Bộ VHTTDL trên các sân khấu Thủ đô, chắc chắn khán giả sẽ trở lại thói quen sinh hoạt văn hoá đẹp này. Để nhà hát luôn đỏ đèn thì không chỉ cần có tác phẩm hay mà lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần có một kế hoạch truyền thông dài hơi, bài bản với nhiều phương thức quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng cũng như tận dụng được thế mạnh và mặt tích cực của mạng xã hội để “kéo” khán giả đến với mình.
Làm nghệ thuật phải hay... (Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN) |
Điều cần thiết để khôi phục sinh hoạt văn hóa (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội PHAN THANH BÌNH) |
THUÝ HIỀN; ảnh: TRẦN HUẤN