Bế mạc Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”
VHO-Sau 3 tuần diễn ra liên tục (từ ngày 16.7 đến 2.8), Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần VI năm 2020 đã chính thức khép lại với lễ tổng kết, trao giải vào tối 2.8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.
Đến dự có Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, lãnh đạo Ban, Bộ, ngành đoàn thể, đông đảo cán bộ chiến sĩ cùng đông đảo các nghệ sĩ.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao giải Vàng cho các đơn vị
Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần VI năm 2020 do Bộ Công an phối hợp với Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Đây cũng là sự kiện đặc biệt chào mừng 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam (19.8.1945- 19.8.2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19.8.2005 – 19.8.2020), chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tham gia Liên hoan có gần 1.000 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, với 33 vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật: Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, Kịch nói.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải Bạc cho các đơn vị
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công, Trưởng ban tổ chức Liên hoan khẳng định: Liên hoan đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về hình tượng người chiến sĩ CAND bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu. Với trung tâm là hình tượng người chiến sĩ CAND trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, “Vì sự bình yên của cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”, Liên hoan lần này là sự nối tiếp thành công của 3 kỳ Liên hoan trước, có nhiều điểm mới, đột phá. Các vở diễn đã khai thác rất thật về đời sống, chiến đấu, lao động, học tập của người chiến sĩ CAND, đem đến cho người xem nhiều cảm xúc và để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng Thủ đô nói riêng, người yêu nghệ thuật sân khấu nói chung. Tham gia Liên hoan, các nhà hát, đoàn nghệ thuật đã có sự đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu và có nhiều sáng tạo, khai thác nhiều góc khuất, sâu lắng của lực lượng CAND trên các lĩnh vực công tác, góp phần đưa hình ảnh người chiến sĩ CAND gần dân, gắn bó với nhân dân, làm cho nhân dân hiểu, tin tưởng, gần gũi hơn với lực lượng CAND, từ đó tham gia tích cực cùng lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Các đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan đã mạnh dạn khai thác các đề tài “khó và nhạy cảm” như công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng tiêu cực; cập nhật chủ trương lớn của Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm phi truyền thống như tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tội phạm buôn tiền, tội phạm khủng bố… Đặc biệt, có gần 10 vở tham gia Liên hoan đã khai thác từ nguồn kịch bản Trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ
Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cũng bày tỏ mong muốn: Sau Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020, các đoàn nghệ thuật tiếp tục thắp sáng và truyền tải “Hình tượng người chiến sĩ CAND” trong các vở diễn tham gia Liên hoan đến đông đảo công chúng hơn nữa qua các chuyến lưu diễn và biểu diễn tại các Nhà hát, sân khấu của mình. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thêm hiểu, thêm tin yêu vào lực lượng CAND, đồng hành cùng lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Các Nhà hát, đoàn nghệ thuật sẽ tiếp tục đầu tư, có thêm nhiều vở diễn mới, sâu sắc hơn nữa về đề tài CAND, về hình tượng người chiến sĩ CAND, góp phần làm cho hình ảnh người chiến sĩ CAND ngày càng đẹp hơn, thân thương, gần gũi và được nhân dân tin yêu.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã quyết định trao tặng 7 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc cho vở diễn; trao tặng 59 Huy chương Vàng, 72 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao Giải Đạo diễn xuất sắc cho NSƯT Bùi Như Lai (đạo diễn vở Tái sinh của trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội), Giải Tác giả xuất sắc cho Trung tướng, nhà văn Hữu Ước (tác giả vở Tiếng chuông của đoàn Chèo Hưng Yên); Giải Họa sĩ xuất sắc cho họa sĩ Trần Hồng Vân (họa sĩ vở Lằn ranh của Nhà hát kịch Thành phố Hồ Chí Minh), Giải Nhạc sĩ xuất sắc cho NSƯT Bùi Đình Đắc (nhạc sĩ vở Vụ án Am Bụt Mọc của Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ); Giải Diễn viên thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ CAND - diễn viên Ngô Lệ Quyên, vai “Thanh” trong vở Bộ cảnh phục của Nhà hát tuổi trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng về góc độ những người làm chuyên môn, nhiều ý kiến của các nghệ sĩ cho rằng ngay cả 7 vở diễn được Ban giám khảo trao Huy chương Vàng cũng có những vở đi theo lối mòn, cũ kỹ và không nhiều sáng tạo. Có vở diễn được trao Huy chương Vàng nhưng chưa hẳn đã là "vàng mười", trong khi đó có một số vở tuy không đoạt giả Vàng nhưng được dư luận trong nghề đánh giá cao bởi sức hấp dẫn và tính chuyên nghiệp cao. Theo đánh giá của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, chất lượng nghệ thuật các vở diễn tham gia Liên hoan chưa thực sự đồng đều, một số vở diễn còn có những hạn chế nhất định.
Từ Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần VI, rất nhiều ý kiến được đặt ra từ cách thức tổ chức liên hoan cũng như cách lựa chọn giám khảo, trao giải của các cuộc liên hoan nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp. Ví dụ như bản tổng kết của Chủ tịch hội đồng giám khảo Liên hoan chưa chỉ rõ và kỹ hơn những mặt yếu điểm từ góc độ học thuật, phân tích một số những "hạt sạn" trong nghề để các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ có thể đánh giá đúng hơn về chất lượng tác phẩm của đơn vị mình trên mặt bằng chung của Liên hoan lần này.
9 vở diễn đoạt Huy chương Bạc cho các vở diễn: Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Lằn ranh của Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh, Những ngày không bình yên của Nhà hát Kịch nói Quân đội, Tiếng chuông của Nhà hát Chèo Hưng Yên, Đóa sen Việt của Nhà hát Thế giới Trẻ, Chuyện của Dung của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An, Bão ngầm của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Búp bê không biết khóc của Công ty TNHH HERO FILM, Thầm lặng những chiến công của Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn |
7 vở diễn đoạt Huy chương Vàng: Nhân danh công lý của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Tái sinh của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Vụ án Am Bụt Mọc của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Ngày trở về của Nhà hát Chèo Quân đội. Tình bạn và công lý của Sân khấu Lệ Ngọc, Kẻ trộm của Nhà hát Kịch Hà Nôi, Vẫn sống của Nhà hát CAND. |
HIỀN LƯƠNG; ảnh: NGUYÊN NGỌC