Tội phạm công nghệ lộng hành: App giả thương hiệu, móc túi người dùng
VHO - Dù các cơ quan chức năng, truyền thông và nhiều nạn nhân liên tục lên tiếng cảnh báo, những chiêu trò lừa đảo kiếm tiền online – đặc biệt là hình thức “làm nhiệm vụ, nhận hoa hồng” – vẫn tiếp tục khiến nhiều người rơi vào cảnh trắng tay. Bởi phía sau mỗi lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” là những cạm bẫy tinh vi, đánh trúng vào tâm lý nhẹ dạ và khát vọng đổi đời nhanh chóng.

Chiêu “lùa gà, bắt cả đàn” và cái bẫy giăng từ lòng tham
Thời gian gần đây, trên các hội nhóm tìm việc làm online qua Facebook, Zalo, xuất hiện dày đặc những lời mời gọi tuyển “cộng tác viên online”, “nhân viên làm nhiệm vụ nhận thưởng”. Những công việc tưởng như đơn giản như “like”, “follow”, “quan tâm fanpage” được giới thiệu là có thể mang lại vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Bà T. (phường Ngọc Hà, Hà Nội) chia sẻ: Bà được mời vào một nhóm Zalo khoảng 100 người cùng làm nhiệm vụ kiếm tiền. Cả nhóm được hướng dẫn tải về một ứng dụng có tên “Momo Pro”, giao diện rất giống ví điện tử Momo. Mỗi ngày, người chơi được yêu cầu tìm các nhãn hàng trên mạng xã hội rồi nhấn “quan tâm”, “theo dõi”, sau đó chụp ảnh gửi lên app để nhận 10.000 – 20.000 đồng/lượt. Sau hai ngày, nhóm được yêu cầu nạp tiền để “nâng cấp cấp độ”, đổi lại là hoa hồng tăng vọt lên 40.000 – 60.000 đồng/mỗi thao tác.
Cứ thế, hàng loạt người chơi, trong đó có bà T., lần lượt “nâng cấp” từ cấp 1 đến cấp 4, cấp 5, mỗi cấp phải nộp vài trăm ngàn, rồi vài triệu. Sau 5 ngày, có người đã nạp đến cả trăm triệu đồng với hy vọng nhận về gấp đôi, gấp ba. Nhưng rồi một buổi sáng, nhóm Zalo đột ngột bị giải tán, app “Momo Pro” không thể truy cập, các tài khoản admin biến mất hoàn toàn.
Bà T. cay đắng: “Chúng dựng lên cả một hệ thống hoàn hảo. Lúc đầu trả tiền rất đúng hạn để tạo niềm tin. Rồi dẫn dụ người chơi nâng cấp, tạo tâm lý tiếc tiền, tiếc công. Đến khi dính sâu rồi thì không còn đường rút.”
Một chiêu trò tinh vi hơn là sau khi người chơi không thể rút tiền, nhóm lừa đảo lập riêng một nhóm mới, viện cớ “lỗi hệ thống” khiến người chơi rút nhầm số tiền cao hơn mức được phép. Kẻ lừa đảo yêu cầu người chơi nạp thêm để “chuộc tiền về”. Có vài tài khoản trong nhóm “khoe” đã nạp thêm và rút tiền thành công, nhưng thực chất đây chỉ là người của nhóm lừa đảo giả làm nạn nhân để kích động những người còn lại tiếp tục nạp tiền.
Tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi: Lợi dụng cả thương hiệu lớn để đánh lừa
Theo báo cáo nghiên cứu an ninh mạng năm 2024 của Ban Công nghệ – Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng điện thoại thì có 1 người là nạn nhân của các hình thức lừa đảo online. Tổng thiệt hại trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Trong đó, phổ biến nhất là các chiêu trò mời gọi đầu tư, làm nhiệm vụ nhận thưởng và lừa đảo qua ứng dụng giả mạo thương hiệu.
Không chỉ mạo danh các app quen thuộc như Momo, Shopee, Lazada, nhiều kẻ còn giả mạo các công ty chứng khoán, đài truyền hình, thậm chí giả danh cả nghệ sĩ nổi tiếng để quảng bá ứng dụng “kiếm tiền nhanh”. Giao diện app được thiết kế công phu, có cả chăm sóc khách hàng, nhân viên tư vấn khiến nạn nhân không chút nghi ngờ.
Tuy nhiên, sau một vài giao dịch “được tiền thật”, nạn nhân sẽ được dẫn dắt đầu tư thêm, nâng cấp, chuyển khoản nhiều hơn. Khi số tiền lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng – app bị đánh sập, người dùng bị chặn liên lạc, mất trắng.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình chia sẻ: “Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi và không ngừng biến hóa. Chúng lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu kiến thức công nghệ của người dân, đồng thời thao túng cảm xúc – từ lòng tham, sự sợ hãi, đến khát khao cải thiện thu nhập nhanh. Điều này rất nguy hiểm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi nhiều người sẵn sàng thử mọi cách để kiếm thêm thu nhập.”
Các nhóm lừa đảo biết rất rõ điểm yếu của nạn nhân. Họ đánh vào mong muốn “việc nhẹ, thu nhập cao” và cả sự cả tin, thiếu tỉnh táo trong bối cảnh tài chính bấp bênh.
Họ cũng không ngại chi tiền hoa hồng ban đầu để tạo cảm giác “uy tín”, khiến nạn nhân nghĩ rằng mình đã “vào guồng”, chỉ cần đầu tư thêm là có thể kiếm được nhiều hơn. Nhưng không ai biết, số tiền “trả trước” ấy thực chất chỉ là mồi câu – để rồi “gà” bị bắt cả đàn.
Hệ quả không chỉ là mất tiền. Nhiều nạn nhân còn bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, bị hack điện thoại, mã OTP, tài khoản mạng xã hội... dẫn tới mất quyền kiểm soát nhiều kênh thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc.
Không ai có thể tự bảo vệ mình bằng sự chủ quan. Không có bữa trưa miễn phí, cũng không có tiền rơi từ trên trời. Những lời mời gọi kiếm tiền dễ dàng trong thời đại số này cần được nhìn nhận bằng sự tỉnh táo và hoài nghi cần thiết.
Người dân nên cập nhật thường xuyên các thông tin cảnh báo lừa đảo từ cơ quan chức năng, tuyệt đối không tải app lạ theo lời mời không rõ nguồn gốc, không chuyển tiền cho người không quen biết. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo, cần nhanh chóng trình báo công an địa phương để kịp thời xử lý và ngăn chặn hậu quả lan rộng.